Người thầy của 3 Trạng nguyên và 71 tiến sĩ

GD&TĐ - Thầy đồ Trần Ích Phát, quê làng Triều Dương (Chí Linh, Hải Dương) là một nhà sư phạm tài năng - giữ kỷ lục về số lượng học trò đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Trong 74 tiến sĩ là học trò thầy Trần Ích Phát, nhiều người sau giữ các chức vụ quan trọng triều đình nhà Lê.
Trong 74 tiến sĩ là học trò thầy Trần Ích Phát, nhiều người sau giữ các chức vụ quan trọng triều đình nhà Lê.

Dù chỉ đỗ kỳ thi hương nhưng thầy đồ Trần Ích Phát đã góp công đào tạo 74 tiến sĩ, gồm: 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 10 Hoàng giáp và 51 tiến sĩ. 

Từ học trò thi trượt

Tư liệu ghi chép về thầy đồ Trần Ích Phát khá hiếm hoi nên người nay chỉ có thể biết về nhà sư phạm lỗi lạc qua giai thoại, và một số ít qua các ghi chép của các học trò.

Trần Ích Phát sinh vào thời Lê Sơ, trong một gia đình nông dân ở làng Triều Dương. Dù trong dòng tộc không có ai theo đường khoa bảng, nhưng từ bé Trần Ích Phát đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, trí nhớ siêu phàm, kinh sách chỉ nghe qua đã thuộc, khắp nơi biết tiếng thần đồng.

Thông minh nhưng nhà nghèo, năm 10 tuổi Trần Ích Phát mới được học chữ, 15 tuổi đã xem hết sách về thi ca, kinh nghĩa… văn chương nổi tiếng khắp thiên hạ. Niên hiệu Thái Hòa, triều vua Lê Nhân Tông (1443 – 1453), Trần Ích Phát dự kỳ thi hương và đỗ đầu (giải nguyên).

Kế tiếp 2 khoa thi hội vào năm Mậu Thìn (1448) và năm Nhâm Thân (1452), Trần Ích Phát đi thi nhưng lại trượt. Dù còn rất trẻ nhưng sau khi thi trượt, ông không đợi khoa thi kế tiếp để tranh bảng vàng, và cũng không có ý định ra làm quan.

Cuốn “Những người thầy trong sử Việt” ghi rằng Ích Phát tự nhủ: “Mình không làm được tiến sĩ thì sẽ đào tạo ra tiến sĩ, kể cả là Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên”. Trần Ích Phát liền về quê mở trường dạy học.

Vì nổi tiếng hay chữ từ nhỏ nên khi nghe ông mở trường, học trò khắp nơi nô nức kéo đến. Sách “Những người thầy trong sử Việt” có ghi lại rằng: “Đường vào nhà ông, viên tri phủ phải cho đắp rộng thênh thang như đường cái quan để khi vinh quy bái tổ, các vị tân khoa đến tạ ơn thầy”.

“Cả làng trễ nải nghề nông, chỉ chăm chú làm nghề cất nhà cho các sĩ tử trọ học, thế hệ này chưa kịp đi thì thế hệ kia đã đến”, “Một cửa hàng bán giấy bút, dầu đèn mọc lên bên cây đa đầu làng, lúc nào cũng tấp nập người mua”.

Với 74 học trò đỗ tiến sĩ, thầy đồ Trần Ích Phát trở thành thầy của nhiều tiến sĩ thời phong kiến nhất Việt Nam.

Với 74 học trò đỗ tiến sĩ, thầy đồ Trần Ích Phát trở thành thầy của nhiều tiến sĩ thời phong kiến nhất Việt Nam.

Đến người thầy nổi tiếng

Trước việc có quá nhiều học trò, Trần Ích Phát đành phải chọn học trò để dạy, chỉ nhận học trò có tư chất, ham học hỏi. Tùy vào tư chất của mỗi trò mà ông có cách dạy riêng. Hiểu cái hay điểm mạnh của trò để phát huy, tìm lỗ hổng kiến thức của trò để bù đắp. Ông rất quan tâm đến đặc điểm tâm lý của học trò, khích lệ việc học của mỗi trò theo một cách khác nhau.

Không chỉ tận tình chỉ bảo học trò, Trần Ích Phát cũng hướng dẫn trò cách tự học, tự mình tìm ra các giải đáp còn vướng mắc. Ngoài ra ông còn hướng dẫn các trò cũ dạy lại cho các trò mới vào trường.

Có thể nói Trần Ích Phát đã có công đào tạo một loạt thần đồng nước ta thời bấy giờ. Ông đã phát huy được trí thông minh sáng tạo của lớp học trò trẻ tuổi, giúp họ đoạt được các học vị cao nhất nước.

Những nỗ lực của Trần Ích Phát đem lại kết quả chưa từng có trong lịch sử khoa bảng. Qua 9 khoa thi từ năm 1463 đến 1496, triều đình có 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 10 Thám hoa. Thì riêng học trò của Trần Ích Phát đã góp mặt 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, cùng 61 tiến sĩ.

Nhiều học trò của ông đỗ bảng vàng khi còn rất trẻ, Trạng nguyên nổi tiếng Vũ Kiệt đỗ khi 21 tuổi, Trần Sùng Dĩnh đỗ Trạng nguyên khi 23 tuổi, Nguyễn Huân đỗ Bảng nhãn lúc 21 tuổi, Đinh Lưu Kim đỗ Thám hoa khi mới 18 tuổi, Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa năm 25 tuổi…

Tính ra trong lịch sử các khoa thi đình dưới chế độ phong kiến Việt Nam thì chỉ có 48 người chiếm được học vị Trạng nguyên (có một số tài liệu ghi 45 người). Trong khi đó, riêng thầy Trần Ích Phát đã đào tạo được 3 Trạng nguyên.

3 Trạng nguyên là học trò của thầy Trần Ích Phát gồm: Vũ Kiệt, người huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đỗ khoa thi năm Nhâm Thìn niện hiệu Hồng Đức thứ 3 (năm 1472); Trần Sùng Dĩnh, quê huyện Nam Sách (Hải Dương), đỗ khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487); Nghiêm Viện, quê huyện Quế Võ (Bắc Ninh), đỗ khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496).

Đặc biệt là 2 khoa thi năm 1487 và 1498, thì danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều là học trò của thầy Trần Ích Phát. Khoa thi năm Đinh Mùi, triều Lê Thánh Tông (1487), ngoài Trần Sùng Dĩnh chiếm Trạng nguyên, thì người đứng thứ 2 là Bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn (người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và người đứng thứ 3 là Thám hoa Thân Cảnh Vân (quê ở Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh).

Đến khoa thi năm Bính Thìn, cũng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1496) thì toàn bảng Tam khôi cả 3 người cũng là học trò của thầy Trần Ích Phát. Đó là Nghiêm Viện đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Huân (người Võ Giang, tỉnh Bắc Ninh) đỗ Bảng nhãn và Đinh Lưu Kim (người Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương) đỗ Thám hoa.

Thầy đồ Trần Ích Phát đã đào tạo cho đất nước 74 tiến sĩ thời phong kiến. Tranh minh họa: IT.

Thầy đồ Trần Ích Phát đã đào tạo cho đất nước 74 tiến sĩ thời phong kiến. Tranh minh họa: IT.

Dạy trò cách tư duy thực tế

Khi Lê Thánh Tông lên ngôi vua (1460), dù biết Trần Ích Phát chỉ đỗ hương tiến, song vì yêu mến nhân đức và tài năng nên vua đặc cách xem ông ngang với các bậc đỗ đại khoa và phong cho nhiều chức tước cao, từ Giám sát ngự sử, Hiến sát sử, cho đến Đông các đại học sĩ.

Có thể nói Trần Ích Phát đã có công đào tạo một loạt thần đồng nước ta thời bấy giờ. Ông đã phát huy được trí thông minh sáng tạo của lớp học trò trẻ tuổi, giúp họ đoạt được các học vị cao nhất nước. Nhiều bài thi do học trò của ông chắp bút đều là những áng văn trị quốc bất hủ, trở thành hình mẫu cho các sĩ tử sau này học tập.

Đặc biệt bài Văn sách “Đế Vương trị quốc” của Trạng nguyên Vũ Kiệt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, chấn hưng giáo dục. Vũ Kiệt - người học trò của thầy Trần ích Phát đã vận dụng, viện dẫn những sách vở kinh điển nổi tiếng và sử dụng kinh nghiệm tư duy sáng tạo để làm một bài nghị luận sắc sảo đến hơn 3 vạn chữ.

Khi chấm bài, nhà vua và các khảo quan đều lấy làm hài lòng về kiến thức uyên bác của Vũ Kiệt. Trong luận văn của mình, ông đã đề xuất với triều đình những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các tệ nạn xã hội nhằm chấn hưng đất nước.

Chẳng hạn như khi vua hỏi tại sao quan lại được chọn cử nghiêm ngặt, lại có thêm các chức quan ngự sử, giám sát theo dõi, kiểm tra mà vẫn có nhiều người tham ô, hối lộ, làm những việc đồi bại? Vũ Kiệt đã lập luận: “Việc giáo dục phẩm chất cho quan lại phải tiến hành ngay từ lúc họ ngồi trên ghế nhà trường. Nếu khi học, họ đã có tư tưởng dối trá, mẹo mực, thì khi ra đảm nhiệm việc quan làm sao có thể có được phẩm chất thanh liêm, trong sạch”.

Hoặc Vũ Kiệt đã đề xuất muốn giữ kỷ cương phép nước thì trước tiên phải thực hiện thật nghiêm túc từ vua cho đến triều đình. Bởi lẽ không thể để nước đầu nguồn đục mà lại đòi hỏi nước cuối nguồn phải trong.

Qua vài tài liệu ít ỏi còn lại, người nay có thể hình dung phần nào phương pháp dạy học của thầy Trần Ích Phát. Đó là đòi hỏi học trò phải biết rèn luyện tư cách, phẩm chất, biết tư duy vận dụng kiến thức sách vở và kinh nghiệm thực tế.

Các đề thi đình thời kỳ này nhà vua thường nêu ra những vấn đề liên quan đến việc cai trị đất nước, ví như đề thi năm Nhâm Thìn (1472) là “Đế vương trị thiên hạ”, đề thi năm  Đinh Mùi (1487) là “Đạo trị nước”, đề thi năm Giáp Thìn (1484) là “Triều Tống dùng nho sĩ”…

Việc học trò của thầy Trần Ích Phát có những luận văn xuất sắc, chứng tỏ thầy giáo Trần Ích Phát có phương pháp dạy học cực kỳ hiệu quả, khi gắn kết kinh điển chữ nghĩa với tư duy suy xét thực tiễn đời sống.

Trần Ích Phát cũng dạy cả đạo làm người, làm quan cho các học trò của mình. Vì thế mà học trò của ông đều trở thành những bề tôi chính trực, làm quan thanh liêm một lòng vì dân, giúp nhà Lê bước vào giai đoạn thịnh trị.

So với trường Quốc Tử Giám cùng thời, thì số lượng nhân tài xuất thân từ trường của Trần Ích Phát dường như vượt trội. Bởi vậy, thời bấy giờ dân gian truyền rằng ngót nửa số quan trong triều là học trò của Trần Ích Phát.

Vua Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tử lưu lạc trong dân gian, đã nghe tiếng Trần Ích Phát nên mến phục ông. Trong số 28 thành viên của Hội Tao đàn Nhị thập bát tú, do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ súy, gồm những vị đại khoa tài giỏi và có sự góp mặt của một số học trò thầy Trần Ích Phát.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ