Người thắp lửa

Người thắp lửa

Do vậy, dù “cửa sổ tâm hồn” có khép lại nhưng chàng trai thế hệ 8X đã mở ra cánh cửa mới để ánh sáng tràn ngập cuộc sống.

Gian nan tìm ánh sáng

Đã từ lâu, chiếc máy tính trở thành người bạn đồng hành trong công việc và học tập của Bính. Được cài phần mềm hỗ trợ đọc màn hình cho người khiếm thị, việc không tưởng trở thành hiện thực, Bính không những sử dụng thành thạo vi tính mà còn lan tỏa thứ ánh sáng mới tới cộng đồng người khuyết tật.

“Chiếc máy tính này đã đồng hành cùng tôi suốt 4 năm đại học (giúp tôi tìm kiếm tài liệu, trả bài kiểm tra qua email...). Sau này, khi giữ cương vị mới (Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong), máy tính càng hỗ trợ đắc lực. Nói không ngoa, công nghệ thông tin là ánh sáng mới của người khiếm thị nói riêng và cộng đồng khuyết tật nói chung”, Nguyễn Năng Bính chia sẻ về người bạn đặc biệt này.

Mắc căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh, thị lực của Bính được bác sĩ kết luận sẽ mất hẳn vào một ngày nào đó. Những năm tháng tiểu học, THCS, thị lực của Bính sụt dần. Đến năm lớp 9, Bính không nhìn thấy chữ trên bảng dù luôn ngồi bàn đầu. “Khi thầy cô viết trên bảng, các bạn đọc giúp tôi. Nếu các bạn viết chữ trong khuôn khổ một dòng, tôi phải viết hai ba dòng, cỡ chữ to như thế mới có thể đọc được. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, tôi may mắn thi đỗ vào Trường THPT Yên Phong I với một số điểm khá cao và được học lớp chọn của trường”, Bính nhớ lại.

Thời gian theo học THPT, thị lực của Bính suy giảm nghiêm trọng. Anh phải chuyển từ bút bi sang bút dạ bởi nét chữ to dễ đọc, những quyển sách giấy A3 cũng bắt đầu đồng hành với Bính cho đến lúc mất hoàn toàn thị lực.

Cuộc sống thiếu đi ánh sáng, gặp nhiều xáo trộn, Nguyễn Năng Bính chia sẻ: “Tôi phải học lại tất cả mọi thứ: Cách di chuyển với cây gậy trắng, làm quen sinh hoạt trong bóng tối... nhưng tất cả không khủng khiếp bằng việc mất định hướng, chơi vơi trong suy nghĩ về hiện tại, tương lai. Nhưng tất cả đã thay đổi khi chị tôi tìm hiểu và giới thiệu tôi đến với một tổ chức quy tụ những người khiếm thị: Hội người mù”.

Khởi đầu mới

 Công nghệ thông tin sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa chúng tôi và cộng đồng xã hội. Một bạn sinh viên khiếm thị có thể trả bài bằng email, tìm kiếm các tài liệu học tập trên kho dữ liệu toàn cầu là Internet. Cơ hội việc làm của chúng tôi không còn bó hẹp trong các ngành nghề tẩm quất, làm tăm tre. Anh Nguyễn Năng Bính

Tháng 5/2005, Nguyễn Năng Bính tham gia Hội Người mù huyện Yên Phong. Cũng từ đây, anh được nghe câu chuyện “Tàn nhưng không phế” của nhiều người. Tưởng mất ánh sáng là điểm kết của cuộc đời nhưng không, đó là khởi đầu của sự hy vọng. Khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải lý do để tàn phế cuộc đời. Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, Chủ tịch hội đã nắm tay Bính nói như thế.

Câu nói của người đứng đầu hội người mù khiến chàng trai trăn trở. Cánh cửa nào sẽ mở ra với mình? Cuộc đời liệu có được thắp sáng một lần nữa?

Tháng 8 cùng năm, Nguyễn Năng Bính tham gia khóa học chữ nổi do Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh mở. Kết thúc khóa dạy chữ cũng là lúc lớp Tin học văn phòng do Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù tuyển sinh, Bính được hội người mù cử đi học. Tại đây, anh được tiếp xúc với máy tính dưới sự chỉ dạy tận tình của cô giáo khiếm thị, Bính ngộ ra thứ ánh sáng của cuộc đời cậu bấy lâu nay tìm kiếm chính là hai chữ: Tin học.

“Tôi đi từ nghi ngờ đến ngạc nhiên rồi cuối cùng bị cuốn vào tin học lúc nào không hay. Trước khi đến với lớp học tôi không thể nghĩ người mù có thể sử dụng máy tính, khi được giới thiệu phần mềm Jaws có thể đọc tất cả mọi thứ hiển thị trên màn hình và đôi tay cô thoăn thoắt lướt trên bàn phím tôi đã thốt lên: Ồ!”, Bính vui vẻ chia sẻ.

Sau bước chập chững làm quen với máy tính là những ngày Bính say sưa tự khám phá những kiến thức về tin học. Năm 2006 với ý chí, nghị lực và khát khao chinh phục tri thức, Nguyễn Năng Bính thi đỗ vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng) bằng việc làm bài thi trên máy tính.

Tuy là sinh viên khiếm thị duy nhất trong lớp nhưng Bính luôn giữ vị trí trong top đầu.

Với khả năng chuyên môn của mình, năm 2012, Bính được Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh mời về tham gia giảng dạy lớp Tin học văn phòng dành cho hội viên, cán bộ hội. Sau thành công khóa đầu, Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh tiếp tục mời anh giảng dạy thêm 4 khóa liên tiếp (mỗi khóa hơn 4 tháng). Năm 2015, Nguyễn Năng Bính trở về địa phương tiếp tục truyền dạy kỹ năng sử dụng máy tính cho hội viên tỉnh nhà với 3 lớp (hơn 100 học viên).

Bạn Lương Trà My, học viên lớp Vi tính văn phòng cho biết: “Từ ngày tiếp xúc với công nghệ, em tiếp nhận được nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, thế giới quan vì thế được mở rộng. Em đã dám ước mơ một ngày nào đó được đứng lớp truyền tải kiến thức, cảm hứng như thầy Bính”.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh đánh giá: “Bính năng động, có kiến thức chuyên môn tốt. Đặc biệt mỗi giờ lên lớp, tôi cảm nhận được từ bạn sự nhiệt huyết, cháy hết mình trong từng tiết dạy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ