Người Tênh Phông vực dậy 'kho báu xanh'

GD&TĐ -Hiện nay dưới tán rừng Tênh Phông đang duy trì phát triển ổn định 7,4 ha sa nhân, hơn 1 ha sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất…

Người dân Tênh Phông đóng bầu, ươm mầm cây để trồng rừng.
Người dân Tênh Phông đóng bầu, ươm mầm cây để trồng rừng.

“Không biết bao nhiêu thế hệ nữa mới lại được ngắm rừng cây to xanh mướt như xưa. Nhưng nhất định từ nay chúng tôi sẽ cùng con, cháu bảo vệ tốt cho cánh rừng này. Rừng có xanh bà con mới sống khỏe”, ông Mùa Sua Thào khẳng khái nói.

Rừng mất rồi, dân mới thấu

Từ trung tâm xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), ông Mùa Sua Thào dẫn chúng tôi xuyên qua bản Ten Hon để đi sâu về phía cánh rừng già trong xã. Đây là khu vực được địa phương giao cho cộng đồng người dân 3 bản Ten Hon - Xá Tự - Há Dùa liên kết quản lý, bảo vệ, mà ông Thào làm Tổ trưởng.

Ngay giáp bìa rừng, hàng loạt thân cây khô cao vượt trội, sừng sững nổi bật trên nền cây xanh mướt bao quanh phía dưới. Đôi mắt nhăn nheo của lão nông già ánh lên đầy sự tiếc nuối, ông Thào bảo: “Đó là dấu vết còn lại từ trận cháy rừng dữ dội xảy ra vào tháng 3/2016”.

Mùa đông năm ấy, băng giá khiến hàng loạt cây rừng chết khô. Rồi khi gặp trận nắng nóng đầu tiên kéo dài, những thân khô bén lửa. Từ một khoảng nhỏ, ngọn lửa gặp gió lan nhanh không kiểm soát. Cả xã, huyện huy động hàng trăm người tham gia chữa cháy. Thế nhưng, sức người không lại. Sau vụ việc ấy, 70% diện tích rừng bị thiêu rụi.

“Lúc ấy, bà con chỉ biết bất lực đứng nhìn rừng mà khóc. Khi lửa tàn, than nguội, chúng tôi vào thăm, chứng kiến hàng loạt thân cổ thụ 4 – 5 người ôm cháy đen kịt, nhiều khoảnh rộng lớn chỉ còn lại là tro bụi. Hàng chục héc ta thảo quả cũng không còn dấu vết. Từ đời ông, cha, rồi đến chúng tôi đã gắn bó với rừng. Thế mà để mất đi, xót xa lắm!”, ông Mùa Chừ Tú, bản Ten Hon tâm sự.

Cũng theo lời ông Tú, trước kia, trẻ con trong bản thường chỉ chơi ngoài bìa rừng, không dám vào sâu phía trong. Bởi cây cối rậm rạp, không có lối đi, đa phần là thân to vài người ôm. Nhiều loại gỗ quý và thú hoang sống quần tụ. Sau nhiều năm, rừng thay đổi, song nhiều thân cây gỗ quý cổ thụ thì vẫn kiên cường sống.

Từ ngày rừng bị cháy, cuộc sống người dân trong bản, trong xã bị ảnh hưởng trực tiếp. Không chỉ mất đi nguồn thu nhập quan trọng từ trồng dược liệu dưới tán rừng, mà nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất cũng trở nên thiếu trầm trọng. Ông Tú kể, nước từ các khe núi dẫn về bập bõm, nhỏ giọt dần. Mỗi năm, bà con phải chịu cảnh sống thiếu nước trong hơn 1 tháng mùa khô.

“Trước nay bà con chỉ sống dựa vào rừng, vẫn biết rừng quan trọng. Nhưng phải từ sau vụ cháy đó, chúng tôi mới thật sự thấm thía giá trị của rừng. Vì thế nên chẳng ai bảo ai, mỗi người tự giác bảo vệ giữ rừng theo cách riêng. Cứ ai rảnh lúc nào thì vào rừng kiểm tra lúc đó, nếu thấy dấu hiệu rừng bị xâm hại là báo nhau cùng ngăn chặn”, ông Thào chia sẻ.

Nối vòng tay lớn…

Ông Hà Quang Chức, kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo), cho biết: “Cộng đồng 3 bản Ten Hon - Xá Tự - Há Dùa rất coi trọng rừng. Họ nhiệt tình, hết mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiện được đánh giá là một trong những cộng đồng thực hiện công tác này tốt nhất trên địa bàn huyện”.

Cánh rừng rộng lớn, nay vẫn ghi dấu vết tích của vụ cháy năm nào. Song phía dưới đã được phủ một màu xanh mướt. Những gốc pơ mu, sa mu, dổi, dẻ… đang vươn lên mạnh mẽ. Ông Thào tự hào khoe: “Giờ trong rừng, có nhiều gốc pơ mu khoảng 5 năm tuổi, to bằng bắp chân đang lên lắm”.

Toàn xã Tênh Phông hiện có trên 2.350 ha rừng, thì cộng đồng 3 bản Ten Hon - Xá Tự - Há Dùa được giao quản lý hơn 1.700 ha. Hàng năm, cộng đồng dân cư được nhận hơn 600 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có kinh phí, bà con không chỉ nâng cao trách nhiệm, mà công tác bảo vệ cũng bắt đầu quy củ, nền nếp hơn.

Theo ông Thào, tổ phân chia khu vực tuần tra theo bản. Mỗi bản có trách nhiệm lập nhóm, luân phiên nhau thường xuyên đi tuần rừng. Hoạt động này được thực hiện thường kỳ mỗi tuần một lần vào mùa mưa. Riêng mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao nên sẽ tăng cường thực hiện 2 – 3 lần/tuần, cao điểm 1 lần/ngày.

“Mỗi lần đi chúng tôi đều huy động đầy đủ các lực lượng, khoảng 7 – 8 người. Nếu phát hiện phá rừng hoặc nguy cơ cháy là xử lý ngay hoặc vượt quá khả năng thì báo lên xã. Rồi cũng tranh thủ những lần đó, chúng tôi mang theo hạt vào gieo hoặc vun gốc cho những cây mới lên. Cứ thế, màu xanh cứ nhân dần lên”, ông Thào bộc bạch.

Cũng nhờ tuần rừng, cách đây mấy năm tổ quản lý bản Ten Hon đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 2 đối tượng đang có hành vi hạ 9 cây lớn. Các đối tượng này sau đó được bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. Từ đó đến nay, không ghi nhận thêm bất kỳ vụ cháy hay phá rừng nào nữa.

Còn theo ông Lầu A Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài cộng đồng 3 bản trên thì chính quyền địa phương hiện cũng giao quản lý, bảo vệ rừng Tênh Phôngcho 2 cộng đồng bản Huổi Anh và Thẳm Nặm, với diện tích ít hơn. Từ khi giao theo hình thức này, bà con không chỉ nâng cao trách nhiệm, mà còn rất tích cực trong việc giáo dục, nhắc nhở con cháu cùng bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Lanh, nhiều năm gần đây, rừng phát triển ổn định, bà con đã tận dụng trồng trên 83 ha thảo quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Bởi đây là giống cây chỉ cần trồng 1 lần, không mất công chăm sóc mà chỉ cần bám rừng lớn lên. Hiện đang là thời điểm thảo quả chuẩn bị cho thu hoạch. Năm nay quả sai, bà con lại có thêm nhiều kỳ vọng.

Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon, phấn khởi chia sẻ, mỗi héc ta trung bình thu được gần 2 tấn quả tươi, 1kg tươi có thể phơi được 3 lạng khô. “Nếu cứ theo giá các năm trước là 20.000 đồng/kg quả tươi, 120.000 – 130.000 đồng/kg quả khô thì cũng đã tốt rồi. Nhiều nhà trong bản giờ đang trông chờ vào vụ này để có tiền chuẩn bị cho con vào năm học mới và sắm sửa thêm đồ dùng trong nhà”, ông Lầu nói.

Ngoài thảo quả, hiện nay dưới tán rừng Tênh Phông cũng đang duy trì phát triển ổn định 7,4 ha sa nhân, hơn 1 ha sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất… “Với định hướng phát triển cây dược liệu cho bà con, chính quyền địa phương kỳ vọng đây là bước đệm quan trọng để đưa xã thoát khỏi diện nghèo”, ông Lanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ