Chiều 1/12, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với tổ ra đề môn Ngữ văn tại của tỉnh Đắk Lắk để lắng nghe những chia sẻ của người trong cuộc.
Theo TS. Lê Thị Thảo, Trưởng phòng GD Trung học -GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, đây là kỳ thi nội bộ, nhưng Sở đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng tất cả các khâu của kỳ thi. Nhằm bảo đảm tính trung thực, công bằng và chọn ra được những học sinh xuất sắc nhất vào đội tuyển.
Theo đó, đối với khâu ra đề ở môn Ngữ văn, tổ gồm 3 thành viên, phân công mỗi người ra 4 câu, gồm 2 câu Văn học, 2 câu xã hội. Sau đó cùng phản biện từng câu, lựa chọn từng câu, cuối cùng là ghép thành đề thi.
Tiến sĩ T.T.H.A., giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, thành viên tổ ra đề môn Ngữ văn đã chia sẻ những “bí mật” về quá trình lựa chọn vấn đề đặt ra trong đề thi.
Cụ thể, “khi thực hiện cũng như lựa chọn vấn đề, tổ ra đề căn cứ vào các yếu tố sau:
Thứ Nhất - Yêu cầu của kì thi: Đây là một trong những kì thi Học sinh giỏi quan trọng của tỉnh. Những học sinh được lựa chọn tham gia đội tuyển sau kỳ thi này sẽ là những gương mặt đại diện cho HS tỉnh Đắk Lắk tham dự kì thi cấp Quốc gia. Chính vì điều này nên việc xây dựng một đề thi có khả năng đánh giá năng lực văn học của HS một cách toàn diện nhất là điều hết sức quan trọng.
Ra đề thi có độ khó cần thiết của kỳ thi đồng thời là đề mở, chúng tôi muốn học sinh phải phát huy năng lực cá nhân một cách toàn diện, phải sáng tạo để có bài thi tốt nhất. Từ đó, lựa chọn những học sinh có thể đến những sân chơi lớn hơn, thách thức hơn.
Thứ Hai - Ý tưởng của người ra đề: Khi ra đề, chúng tôi bao giờ cũng chuẩn bị trước cho mình một ý tưởng cốt lõi để từ đó đưa ra được các câu hỏi xoay quanh ý tưởng đó.
Những ngày chúng ta đang sống trong đại dịch Covid-19 vừa qua là một gợi ý cho chúng tôi.
Những người ra đề cũng đứng trước các câu hỏi: Trước thách thức khắc nghiệt như đại dịch Covid-19 con người chúng ta sẽ ra sao? Điều gì sẽ giúp chúng ta vượt qua? Và văn chương sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với con người trước những thử thách đó?
Chính vì muốn HS bàn luận về ý tưởng đó nên chúng tôi đã cố gắng tìm những ngữ liệu có khả năng gợi nhất. Và thật may mắn chúng tôi đã có “Nhà giả kim” của Paulo Coelho và lời phát biểu của Thầy Huỳnh Như Phương trong Lễ khai giảng năm học 2020-2021.
Thứ Ba - Dự báo những khó khăn – thuận lợi của HS khi làm bài.
Khó khăn: Đây là đề thi không dễ lại có tính chất mở, đòi hỏi HS phải vận dụng một cách linh hoạt tri thức, như kỹ năng làm bài. Nếu các em chưa được chuẩn bị tâm thế đối diện với những kiểu đề mở như vậy sẽ gặp khó khăn nhất định
Thuận lợi: Khó khăn cũng chính là thuận lợi. Đề văn khơi gợi nhiều suy nghĩ, nhiều cảm xúc nên HS sẽ có nhiều cơ hội thể hiện khả năng của mình”.
Còn theo cô giáo N.T.B.H., GV môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Du, "trước khi làm nhiệm vụ do Sở GD&ĐT điều động, chúng tôi được tiếp cận tập tài liệu gồm rất nhiều tờ báo ở Văn phòng Sở GD&ĐT".
“Chúng tôi nghĩ rằng, văn học không chỉ là giải trí, văn học rất cần khi cuộc đời đang còn có nhiều đau thương, giúp xoa dịu, hóa giải những áp lực. Do đó, rất cần những tư duy phản biện qua bút lực văn chương của thế hệ trẻ” - cô H., chia sẻ thêm.