Mặc dù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT; sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện; nỗ lực của các thế hệ nhà giáo và học sinh (HS), sau 20 xây dựng và phát triển, đến nay Trường THPT Hùng Vương trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy, góp phần không nhỏ vào sự phát triển GD&ĐT của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Ana nói riêng.
Chặng đầu đầy thử thách
Những năm đầu thế kỷ 20, do nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn huyện gia tăng, đặc biệt là ở cấp THCS và THPT. Vì thế, việc xây dựng thêm một ngôi trường THPT là yêu cầu cấp thiết để giải quyết bài toán về đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương của “dòng sông mẹ” (Krông Ana) hiền hòa, thơ mộng. Đến năm 2001, Trường THPT Bán công Krông Ana chính thức ra đời.
Trường được thành lập vào ngày 28/5/2001 theo Quyết định số 1528/2001/QĐ-UB của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Năm học 2001-2002, đánh dấu cột mốc đầu tiên Nhà trường bước vào sứ mệnh trồng người vinh quang của mình với 19 lớp học. Trong đó, có 09 lớp cấp THPT, 10 lớp cấp trung học cơ sở (THCS).
Đến năm học 2007-2008 Nhà trường hoàn thành sứ mệnh đào tạo cấp THCS để tập trung nguồn lực đào tạo cấp THPT. Năm học này Trường có 28 lớp THPT với hơn 1.200 HS.
Trong những năm học đầu tiên sau ngày thành lập, mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học, giáo dục. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Sở GD&ĐT, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Krông Ana cùng các cơ quan, ban, ngành và cha mẹ HS, đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của tập thể Hội đồng sư phạm, Nhà trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên qua từng năm học. Chất lượng giáo dục mũi nhọn gặt gái được nhiều thành tích đáng ghi nhận: có 2 em đạt giải HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh; nhiều HS đạt giải cao tại các cuộc thi văn nghệ, thể dục - thể thao, an toàn giao thông, ...
Hoạt động thi đua của đội ngũ Nhà giáo cũng đạt nhiều thành tích hết sức tự hào: có 2 CBQL được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 GV đạt giải Nhất tại Cuộc thi xây dựng Giáo án điện tử cấp tỉnh, nhiều lượt CBQL, GV được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp.
Có thể nói, ở chặng đầu này tuy gian nan vất vả, khi thầy cô vừa phải dạy học, vừa tự học để rèn giũa hoàn thiện bản thân, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Đọng lại sâu sắc nhất của thời kỳ “Bán công” là sự đùm bọc, sẻ chia của tình thầy – trò, của niềm khát khao “gieo chữ”, giúp học trò thay đổi thói quen, tư duy học tập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trên quê hương của dòng ‘sông mẹ’ hiền hòa.
Vinh dự được mang tên các Vua Hùng
Sau gần 10 năm thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo mô hình Bán công, đến 2010, Trường chính thức được chuyển sang loại hình công lập và vinh dự mang tên THPT Hùng Vương.
Theo đó, tại Quyết định số 515/QĐ-UBND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đổi tên Trường THPT Bán công Krông Ana thành Trường THPT Hùng Vương. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng trong hành trình phát triển của Nhà trường.
Với việc trở thành trường công lập, đội ngũ Nhà giáo được chuyển từ Hợp đồng cơ hữu sang biên chế, giúp họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nguồn lực của xã hội đầu tư cho sự nghiệp giáo dục cũng được quan tâm và nâng lên.
Nhận thực được sứ mệnh vinh quang nhưng cũng hết nặng nề ấy, tập thể Sư phạm Nhà trường đã chung sức, chung lòng, quyết tâm thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trường đã gặt hái được nhiều thành công đáng tự hào.
Năm học 2009 - 2010, các hoạt động giáo dục đã đi vào ổn định, tạo động lực để Nhà giáo, học sinh hăng say thi đua “dạy tốt – học tốt”. Ngay năm học này, Trường đã có HS đạt giải cao tại kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Đây là năm đầu, Nhà trường đã tổ chức được Hội thi GV dạy giỏi cấp trường và dự thi cấp tỉnh. Kết quả, có 8 GV dạy giỏi cấp cơ sở, 1 GV dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, Nhà trường được UBND huyện Krông Ana công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa năm 2010”.
Những năm tiếp theo, không chỉ duy trì nền nếp dạy học, Nhà trường còn tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa. Các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống được tích hợp trong các tiết dạy chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, với nhiều hình thức hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của HS và gia đình các em.
Từ đây, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, một số mặt đã đạt và vượt mặt bằng chung của tỉnh như hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao; chất lượng mũi nhọn tiếp tục được duy trì theo hướng nâng dần. Các thế hệ HS của nhà trường đã liên tục mang về cho phòng truyền thống của Nhà trường nhiều tấm Huy chương danh giá, nhiều giải HS giỏi các cấp. Trường trở thành địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng và là niềm tự hào của các thế hệ HS và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Với những nỗ lực và thành tích đạt được, Nhà trường 03 lần được Sở GD&ĐT công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”; Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên luôn được đánh giá vững mạnh xuất sắc, được tỉnh và Trung ương khen thưởng nhiều năm liền. Đặc biệt, có 12 thầy, cô giáo được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều thầy, cô giáo trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và tỉnh...
Trường học đạt chuẩn quốc gia
Sau gần 20 năm bền bỉ phấn đấu từ xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục; triển khai nhiều giải pháp, biện pháp giúp HS vượt khó vươn lên trong học tập. Đến năm 2020, Nhà trường đã có cơ ngơi khang trang, tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy học, giáo dục của một trường chuẩn quốc gia.
Vì vậy, cuối năm 2020, Sở GD&ĐT chính thức tiến hành khảo sát, đánh giá ngoài đối với Trường THPT Hùng Vương.
Theo đó, hầu hết các tiêu chuẩn, tiêu chí đều được Hội đồng đánh giá ở mức đạt và được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2.
Đến tháng 12/2020 UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định và trao Bằng công nhận Trường THPT đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thanh Vân, việc Trường THPT Hùng Vương được công nhận đạt chuẩn quốc gia là niềm vinh dự, tự hào và cũng là “quả ngọt” cho nỗ lực vun đắp của các thế hệ CBQL, GV, HS của Nhà trường.
“Để có được một THPT Hùng Vương xanh, sạch, đẹp và uy tín như hôm nay, trước hết nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự nỗ lực của các thế hệ CBQL, GV, NV và HS; sự đồng lòng ủng hộ của phụ huynh và xã hội. Tập thể Hội đồng sư phạm hôm nay ý thức được trách nhiệm ấy càng to lớn hơn để tiếp tục nỗ lực thi đua “dạy tốt – học tốt”. Giữ vững truyền thống, phát huy tối đa các điều kiện của một trường chuẩn, giúp con em trên quê hương dòng sông mẹ Krông Ana được học tập trong một môi trường lành mạnh, tiến bộ. Từ đây, các em tự hào về mái trường, để mai sau, Nhà trường tự hào về các em”- Hiệu trưởng Vân chia sẻ.