Đắk Lắk: Mở ra cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Với tổng mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng, nằm trên diện tích hơn 40.000m2, nhà máy sản xuất giày da đầu tiên được xây dựng tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khi đi vào hoạt động sẽ thu hút hơn 5 nghìn lao động phổ thông.

Công nhân sản xuất giày da tại một cơ sở ở Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thông.
Công nhân sản xuất giày da tại một cơ sở ở Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thông.

Dự án FDI đầu tiên đầu tư tại địa phương

Công ty Cổ phần Tae Kwang Vina Industrial (Hàn Quốc) vừa được UBND Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày da tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.

Dự án nằm trên diện tích 40.875m2. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 486 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), thời gian hoạt động 37 năm (từ 2021 đến 2058).

Hiện tại, doanh nghiệp (DN) tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, cải tạo, xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 5.000 lao động.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk, nhà máy sản xuất giày là dự án FDI đầu tiên đặt nền móng tại KCN là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp. Đắk Lắk luôn nỗ lực thu hút đầu tư, đặc biệt là với nguồn vốn FDI, song trở ngại lớn là hạ tầng giao thông của tỉnh còn yếu, chưa đồng bộ, không có cảng biển, đường sắt…

Hiện có thêm 2 DN FDI đang tìm hiểu đầu tư trong KCN Hòa Phú gồm Công ty TNHH Lotte Confectionery, Công ty TNHH Bamboo Nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Bamboo Capital Group BCG)…

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, quản lý nhân sự khu vực Đắk Lắk của DN này, cho hay, DN đang tuyển 1.000 lao động phổ thông đưa đi đào tạo tại công ty mẹ ở tỉnh Đồng Nai. Về sau, lực lượng này sẽ trở về làm việc lâu dài tại chi nhánh Đắk Lắk. Dự kiến, năm 2022, chi nhánh đi vào hoạt động, trong 3 năm, sẽ tuyển đủ 5.000 công nhân.

Theo bà Hà, từ tháng 6 đến nay, đã có khoảng 2.000 lao động tại Đắk Lắk nộp hồ sơ. Công ty sẽ phỏng vấn, tuyển chọn những người đủ điều kiện và đưa xuống Đồng Nai từng đợt. Hiện tại, công ty đã chọn được 400 công nhân và đang đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiêm vắc-xin phòng  Covid-19 cho những đối tượng này.

Cơ hội cho người lao động địa phương

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Minh Lý – Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ,TB&XH (tỉnh Đắk Lắk) - cho biết, sau khi UBND tỉnh cấp phép cho một DN Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất giày da đầu tiên của tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh về phương án phối hợp tuyển dụng lao động. Trong đó, ưu tiên các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật.

Theo bà Lý, hiện nay rất nhiều thanh niên ở các địa phương của tỉnh phải đi làm công nhân ở các tỉnh bạn. Trong số đó, hầu hết là con em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em người dân tộc thiểu số. Khi phải xa nhà, nhiều người chật vật mưu sinh, gặp lúc dịch Covid-19 bùng phát, họ trở về quê không có việc làm ổn định.

“Việc cấp phép cho DN xây dựng nhà máy với quy mô lớn, sẽ giải quyết được cho địa phương rất lớn nhu cầu lao động. Bà con yên tâm vì không cần phải đi làm xa, vừa chủ động trong cuộc sống vừa tránh được những rủi ro. Trước mắt, theo đề nghị của phía nhà máy, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên chính sách tuyển dụng cho khoảng 800 lao động nghèo, lao động là con em các dân tộc thiểu số. Họ sẽ được tiêm vắc-xin và đi đào tạo tại các nhà máy ở Đồng Nai” - bà Lý thông tin.

Cũng theo bà Lý, công tác tuyên truyền, vận động để chủ trương, chính sách đến được với người dân sẽ được quan tâm.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến cuối năm 2021, ở các tỉnh Tây Nguyên mới có 162 dự án FDI. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 1,52 tỷ USD, chiếm khoảng 0,4% tổng vốn FDI toàn quốc.
Dù đã đầu tư tới 12 ngành kinh tế nhưng nhà đầu tư FDI tìm đến Tây Nguyên chủ yếu ở các lĩnh vực: Sản xuất, phân phối điện; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… Để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị, các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nga giành lại phần lớn lãnh thổ Ukraine kiểm soát ở Kursk.

Chiến tích lớn ở Kursk

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/1/2025 cho biết, quân đội Nga hiện đã giành lại phần lớn lãnh thổ ở Khu vực Kursk mà quân đội Ukraine kiểm soát trước đó.