Trường THPT Nguyễn Tất Thành, tỉnh Đắk Lắk: 35 năm vun đắp những mùa quả ngọt

Từ cả ngọn núi khó khăn những ngày đầu thành lập, suốt 35 qua, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk) đã không ngừng vượt khó, vươn lên để rồi đạt vô số thành tích đầy tự hào.

Tập thể CBQL, GV, NV Trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk) hiện nay.
Tập thể CBQL, GV, NV Trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk) hiện nay.

Là ngôi trường nằm ở vùng tiếp giáp của 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa, địa bàn cư trú của học sinh rất rộng, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông chưa thuận lợi … Thế nhưng, các thế hệ nhà giáo và học sinh của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) đã “đồng cam, cộng khổ”, thi đua dạy tốt - học tốt; tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ địa phương; xây dựng, phát triển thành trường đạt chuẩn Quốc gia, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho quê hương, đất nước.

Tập thể CBQL, GV, NV Trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk) hiện nay.
Tập thể CBQL, GV, NV Trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk) hiện nay.

Dấu mốc lịch sử

Trường THPT Nguyễn Tất Thành, đóng chân tại thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 90 km về phía Đông. Địa bàn tuyển sinh của nhà trường là vùng Cao Nguyên M’Đrắk rộng lớn, được bao bọc bởi các dãy núi lớn, hạ tầng giao thông và điều kiện kinh tế chưa phát triển, là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh. Học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 42%, gồm con em của nhiều dân tộc như: Êđê, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông, Dao, Hoa, Thổ, Sán dìu.

Được thành lập năm 1986 với tên gọi Trường phổ thông cấp 3 M’Đrắk với 1 lớp 10 và 15 học sinh. Các em phải đi học nhờ vì trường đang xây dựng.

Ngày đầu thành lập, Nhà trường gặp muôn vàn gian khổ, điều kiện sinh hoạt và dạy học thiếu thốn trăm bề, vừa không có điện; cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học hầu như không có gì ngoài những đồ dùng đơn sơ do giáo viên và học sinh tự làm.

Thêm nữa, do địa bàn quá rộng, nhiều em phải vượt hơn 40km đường rừng để đến trường, trong khi điều kiện của gia đình lại quá nghèo. Học sinh của trường chủ yếu là con em của bộ đội xuất ngũ làm công nhân các nông trường cà phê 715 A-B-C; gia đình đi kinh tế mới từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhiều em bị gián đoạn học tập, chỉ được đến trường sau khi gia đình ổn định cuộc sống, dẫn đến trong 1 lớp có rất nhiều độ tuổi khác nhau, hiểu biết khác nhau, nhiều em phải ở trọ.

Điều đặc biệt, đội ngũ giáo viên chủ yếu được tăng cường từ các trường trong tỉnh và sinh viên mới tốt nghiệp. Hầu hết phải ở trong những dãy nhà tập thể đã cũ, đời sống vô cùng khó khăn, một số ít không thể bám trụ lại trường sau khi nhận công tác.

Từ năm 1991 - 2000, Nhà trường được sáp nhập thêm cấp 2, và đổi tên thành Trường phổ thông cấp 2, 3 M’Đrắk.

Lúc này, lại phải đối mặt với những khó khăn mới, số lượng học sinh tăng cao. Có thời điểm tăng tới 50 lớp, dẫn đến thiếu phòng học, thiếu thiết bị, tài liệu dạy học, đặc biệt là thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều giáo viên được tuyển dụng mới, nhưng khi đến trường thấy quá khó khăn, họ lại không nhận công tác.

Để đảm bảo công tác giảng dạy Nhà trường phải nhận giáo viên được đào tạo từ nhiều nguồn: sư phạm, tổng hợp, đại học mở, khoa học tự nhiên ... Thậm chí, có giáo viên chỉ mới học hệ chuyên tu cũng phải nhận để đủ số lượng.

Trước bất cập đó, Nhà trường đã phải tổ chức bồi dưỡng năng lực sư phạm cho họ bằng nhiều hình thức khác nhau mới đáp ứng được yêu cầu dạy học. Từ đây, chất lượng giáo dục bước đầu có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Đến năm 2000, UBND tỉnh quyết định tách khối THCS để thành lập trường THCS Hùng Vương. Từ đây, được đổi tên thành Trường THPT Nguyễn Tất Thành (theo quyết định số 390-QĐ/UBND ngày 14 tháng 2 năm 2001). Lúc này, Trường có 26 lớp với hơn 1.000 học sinh; có 22 phòng học và một số phòng chức năng.

Sau 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay, CSVC, thiết bị dạy học, cảnh quan trường lớp hết khang trang, đồng bộ, và tương đối hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, giáo dục của một trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Năm học 2021-2022 này, Trường có 34 lớp với hơn 1.300 học sinh, trong đó hơn 40% học sinh là con em các dân tộc thiểu số; có 42 phòng học, và đầy đủ các phòng bộ môn, phòng làm việc của lãnh đạo và các bộ phận chức năng.

Chất lượng đội ngũ không chỉ đủ về số lượng, còn nâng cao về chất lượng chuyên môn. Tổng số CB, GV, NV là 83 người, trong đó CBQL: 3, GV: 70, NV: 10; có 5 thạc sĩ, 72 đại học, 4 trung cấp. Về lý luận chính trị, có 1 cao cấp và 4 trung cấp.

Hoạt động dạy – học tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk).
Hoạt động dạy – học tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (tỉnh Đắk Lắk).

Tự hào ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

35 năm ra đời, 20 năm vinh dự được mang tên Người thầy giáo yêu nước, vị Cha già kính yêu của dân tộc Nguyễn Tất Thành, các thế hệ nhà giáo, học sinh đã cùng nhau ‘tiếp lửa truyền thống’, ra sức thi đua ‘dạy tốt – học tốt’, xây dựng Nhà trường thành địa chỉ giáo dục có chất lượng đạt chuẩn Quốc gia, là niềm tự hào của các thê hệ học sinh, của chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Theo đó, sau nhiều nỗ lực, đầu năm 2020, Nhà trường được Sở GD&ĐT khảo sát, đánh giá ngoài. Hầu hết các tiêu chuẩn, tiêu chí đều được đánh giá ở mức đạt và được công nhận đạt kiểm định chất lượng mức độ 3.

Đến 12/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận Trường THPT Nguyễn Tất Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo ông Phạm Đức Hồng, Hiệu trưởng Nhà trường, được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 là niềm vinh dự, tự hào, song cũng là trách nhiệm nặng nề hơn đối với thầy và trò.

“Thời điểm sau công nhận thì dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho Nhà trường cũng như toàn ngành GD&ĐT. Nhưng toàn thể CB, GV, NV của Trường sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm học 2021-2022 và giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia”- ông Hồng chia sẻ.

Cũng theo ông Hồng, để phát huy và nâng cao chất lượng của một trường học đạt chuẩn Quốc gia, lãnh đạo Nhà trường đã đặt ra các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cùng hướng đến một mục tiêu chung là phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực trong quá trình đi lên của nhà trường.

Thứ hai, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, gắn với đầu từ thiết bị dạy học và nâng cao hiệu quả việc ứng dụng CNTT. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục; giảm tỷ lệ  học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Chú trọng chất lượng đại trà đồng thời quan tâm đầu tư chất lượng mũi nhọn. Thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành, của địa phương. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, quan tâm đến từng đối tượng học sinh; tập trung xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh; chăm lo công tác xây dựng đội ngũ vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm chế độ chính sách, công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, công tác thi đua khen thưởng ,...

Tuyên dương học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành đạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử.
Tuyên dương học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành đạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử.

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của các thế hệ nhà giáo, học sinh, Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Chất lượng giáo dục 2 mặt có sự tiến bộ qua từng năm. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi duy trì ổn định, đáp ứng được mục tiêu của cấp học. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chuyển biến tích cực theo từng năm. Nhiều năm có học sinh lọt vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh, trong đó có 4 em đạt giải (2 giải Nhì, 2 giải Ba); hàng trăm em đạt giải học sinh giỏi văn hoá, TDTT, QP-AN cấp tỉnh; nhiều học sinh đạt giải thi KHKT cấp tỉnh; nhiều học sinh đã đạt được những thành tích cao trong các Hội thi văn hóa văn nghệ ...

Nhiều lượt thầy, cô giáo được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều thầy, cô giáo trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và tỉnh.

Chi bộ Đảng của Nhà trường nhiều năm liền đạt “Trong sạch vững mạnh”, được tặng Cờ thi đua của Tỉnh uỷ (15 năm: 03 cờ thi đua). Nhiều năm liền Trường được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều lượt tập thể, cá nhân của Nhà trường được tuyên dương, khen thưởng các cấp, trong đó, Công đoàn và Đoàn thanh niên luôn được đánh giá vững mạnh xuất sắc, được tỉnh và Trung ương khen thưởng nhiều năm liền.

Từ ngôi Trường THPT Nguyễn Tất Thành, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, tỏa đi muôn phương, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

Đến nay, đã có hơn 30 thế hệ học sinh với hơn 8.600 em được học xong chương trình THPT, trong đó 8.296 em đỗ tốt nghiệp THPT. Có gần 10 em có học vị tiến sĩ, hơn 100 em có trình độ thạc sĩ. Nhiều em trở thành lãnh đạo, giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang ở trong và ngoài tỉnh; nhiều em trở thành doanh nhân, là chủ doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.