Người phụ nữ phát minh áo chống đạn

GD&TĐ - Stephanie Kwolek, nhà phát minh và chuyên gia hóa học đã tìm ra Kevlar, một chất liệu được sử dụng trong hàng trăm ứng dụng, mà đáng kể nhất là áo chống đạn. Phát minh đột phá của bà vào năm 1965 đã cứu mạng rất nhiều nhân viên cảnh sát, quân nhân và các vận động viên hàng đầu. Tuy vậy ít người biết đến tên tuổi của bà.

Nhà khoa học Stephanie Kwolek
Nhà khoa học Stephanie Kwolek

Stephanie Kwolek sinh năm 1923 ở New Kensington, Pennsylvania, Mỹ. Khi còn bé, bà rất thông minh và ham hiểu biết, thường đi khám phá những cánh đồng, khu rừng quanh nơi ở, quan sát cặn kẽ cây cối, hoa dại và bãi cỏ. Bà cũng học may vá và đam mê nhiều loại vải khác nhau. Về nghề nghiệp, bà muốn trở thành nhà thiết kế thời trang, giáo viên, bác sĩ và nhà hóa học.

Stephanie Kwolek tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Trường Đại học Carnegie Mellon và hy vọng được học trường Y để trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, gia đình không đủ tiền giúp bà nuôi ước mơ nên Kwolek phải nộp đơn xin việc ở nhiều nơi, trong đó có Công ty DuPont. Sau khi phỏng vấn Kwolek tại DuPont, giám đốc nghiên cứu, W. Hale Charch, nhà phát minh giấy bóng kính cellophane, cho biết hai tuần nữa sẽ thông báo kết quả. Kwolek liền hỏi, liệu ông có thể quyết định nhanh hơn hay không, bởi vì bà còn nhiều lời đề nghị khác nữa. Charch, ấn tượng với tính thẳng thắn của ứng viên này nên quyết định nhận ngay bà vào làm việc.

Bắt đầu năm 1946, làm việc cho DuPont trong lĩnh vực nghiên cứu polymer, Kwolek có cơ hội kết hợp hai niềm đam mê: vải sợi và hóa học. Bà yêu thích công việc tại DuPont đến nỗi xếp xó kế hoạch học trường Y và yên lòng với danh hiệu chuyên gia hóa học.

Chất Kelvar do Kwolek phát minh rất bền và chắc
Chất Kelvar do Kwolek phát minh rất bền và chắc 

Vào những năm 1940, 1950, 1960, Stephanie Kwolek là một trong số ít phụ nữ làm việc với cương vị nhà khoa học tại DuPont. Bà không gặp trở ngại gì, ngược lại còn gặp nhiều thuận lợi trong công việc nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Bà thậm chí còn đề nghị tiến hành một dự án mà không một nhà hóa học nam nào muốn thực hiện, đó là phát triển vật liệu nhẹ, mới cho lốp xe. Bà bắt đầu tiến hành các thí nghiệm vào năm 1964 và năm sau, một phát minh mang tính đột phá ra đời một cách tình cờ.

Quá trình nghiên cứu đã mang lại cho Kwolek kết quả thật bất ngờ. Nghĩ rằng hỗn hợp hóa học sẽ cho ra một chất như nylon polymer, lỏng trong suốt và dày để chế tạo lốp xe nhưng kết quả lại là một hỗn hợp màu trắng đục và mỏng. Thất vọng, bà định vứt bỏ hợp chất này vào sọt rác, cho đó là một sai sót, nhưng rồi bị hấp dẫn bởi tính chất của nó nên bà giữ lại để tìm hiểu thêm. Từ hỗn hợp này, Kwolek đã tìm cách tạo ra sợi, bằng cách quay trong máy. Trước sự kinh ngạc của bà, các sợi này còn bền chắc hơn cả nylon. 

Kwolek và các đồng nghiệp rất tò mò về các sợi mới và đã thử nghiệm đi thử nghiệm lại nhiều lần để kiểm tra độ bền và độ cứng của chúng. Họ phát hiện các sợi mới bền chắc hơn nhiều so với bất kỳ thứ gì khác mà họ từng tạo ra. Bước tiếp theo, bà đưa vật liệu mới, được đặt tên là Kevlar, vào các ứng dụng thực tế, được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm thiết bị thể thao, vật liệu xây dựng, phụ tùng máy bay, dù, cáp quang và quan trọng nhất là áo chống đạn. 

Chất liệu Kelvar rất cứng, bền, dày và không đàn hồi. Được làm thành áo khoác Kevlar, chất liệu này đủ chắc không để đạn xuyên qua. Ngày nay, các cơ quan thực thi pháp luật và quân nhân sử dụng áo Kevlar để bảo vệ trong những tình huống nguy hiểm. Phát minh của Kwolek đã cứu mạng rất nhiều người được cho là sẽ chết bởi đạn bắn, nếu họ không mặc áo làm từ chất liệu mà bà phát minh ra. Theo ước tính của công ty hóa chất DuPont, từ những năm 1970 đến nay, áo giáp chống đạn đã góp phần cứu sống hơn 3.000 nhân viên cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Cho tới hiện nay, sợi Kevlar vẫn còn tiếp tục được phát triển nhằm cải thiện độ bền và trọng lượng giảm xuống đáng kể so với nguyên mẫu ban đầu.

Năm 1986, Kwolek nghỉ hưu, không còn làm phụ tá nghiên cứu ở DuPont nữa nhưng bà vẫn giữ cương vị cố vấn ở công ty này, đồng thời phục vụ cả trong Hội đồng nghiên cứu quốc gia và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Trong 40 năm ở vai trò nhà nghiên cứu khoa học, bà đã đệ trình và nhận được nhiều bằng sáng chế. Năm 1980, bà được giải thưởng của Hội Hóa học Hoa Kỳ cho “Phát minh sáng tạo”. Năm 1995, bà trở thành người phụ nữ thứ tư được đưa vào danh sách các nhà phát minh nổi tiếng của National Inventors Hall of Fame. Năm 1996, bà được trao Huy chương Công nghệ quốc gia (National Medal of Technology). Năm 1997, bà nhận Huy chương Perkin của Hội Hóa học Hoa Kỳ.

Kwolek qua đời năm 2014. Trước đó, bà từng nói: “Tôi cảm thấy rất may mắn. Bởi vì có rất nhiều người làm việc cả đời nhưng không tạo ra được một khám phá nào có lợi cho cộng đồng”.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.