Người lưu giữ ký ức làng chài

GD&TĐ - Bước chân vào căn phòng nhỏ dưới tầng hầm là đụng ngay thứ cát trắng mịn được lấy từ biển về. Không gian thấm đẫm mùi vị mặn mòi của biển cả chợt ùa về qua những vật dụng nhắc nhớ ký ức mỗi sớm mai mẹ gánh gồng những chiếc bầu đựng mắm đưa lên vùng núi bán hay mái chèo khua nước mỗi đêm khuya cha đi thả lưới…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng bên những hiện vật do anh sưu tầm về văn hóa làng biển
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng bên những hiện vật do anh sưu tầm về văn hóa làng biển

Đau đáu trước sự mất dần những làng chài nguyên bản trước sự tấn công ồ ạt của cơn lốc đô thị hóa, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã sưu tầm những vật dụng gắn liền với đời sống làng biển làm nên một bảo tàng thu nhỏ cho riêng mình.

Nặng lòng với biển

Chiếm diện tích nhất trong căn hầm rộng khoảng chừng 40m2 là chiếc thuyền thúng, vật dụng không thể thiếu của mỗi ngư dân bởi cách duy nhất để vận chuyển ngư cụ ra tàu, cũng như đưa hải sản đánh bắt được vào bờ là dùng thuyền thúng. Với các tàu câu mực thì chiếc thuyền thúng càng thiết thân hơn nữa. Song vật dụng trưng bày tâm đắc nhất của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng có lẽ là những chiếc bầu đựng mắm.

Sinh ra và lớn lên ở làng chài Nam Thọ xưa (nay là phường Thọ Quang, Q. Sơn Trà), trong ký ức của Mỹ Dũng, chiếc bầu đựng mắm gắn liền với hình ảnh người phụ nữ làng chài chịu thương, chịu khó “chạy đồng”, đưa cá và mắm về bán ở các vùng quê, rồi đổi lấy thóc, khoai sắn đem về miền biển. Trên mỗi chiếc bầu đựng mắm được quét dầu rái đen ngòm, các mẹ cẩn thận ghi tên mình hoặc con mình để phân biệt, những cái tên cũng mộc mạc, giản dị và gắn liền với biển khơi, như Mực, như Cơm…

Tất cả những bầu, lu, những khạp làm mắm… được Mỹ Dũng sưu tầm từ hơn chục năm nay. Cơ duyên cho việc sưu tập của anh bắt đầu từ năm 2005, khi các làng chài dọc dài vùng biển Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ bước sang trang mới với cuộc chỉnh trang đô thị thì những vật dụng gắn với đời sống của nghề biển cũng bị vứt bỏ lại.

Những chiếc lu, khạp đựng mắm to nhỏ đủ loại, thấm đẫm hương vị mặn mòi từ thuở nghề làm mắm còn hưng thịnh nằm lăn lóc, chơ vơ khi chủ của chúng chuyển nhà để tái định cư ở một nơi khác. Mỹ Dũng gom nhặt lại, thuê người chở về, với ý định gây dựng lại ký ức một làng biển nguyên sơ. Chừng 20 chiếc lu lớn nhỏ khác nhau, thêm khoảng chục chiếc khạp, giá phơi lưới, đèn măng sông, lồng lưới bắt cua, ghẹ… được anh bài trí, tạo thành một bảo tàng biển thu nhỏ.

Không chỉ đam mê sưu tầm, nghệ sĩ Mỹ Dũng còn say mê với đề tài văn hóa làng biển trong sáng tác của mình
  • Không chỉ đam mê sưu tầm, nghệ sĩ Mỹ Dũng còn say mê với đề tài văn hóa làng biển trong sáng tác của mình

Có thể ngay chính lớp trẻ của làng biển bây giờ cũng không hình dung được những chiếc bầu mắm hình dáng như nồi đồng, được đan bằng tre, quét dầu rái mà không hề bị rịn nước, từng là tài sản quý giá của nhiều gia đình làng biển, bởi nó có thể đựng cả gạo, đồ khô, thậm chí cả áo quần…những khi chưa cần dùng đến. Mỗi vật dụng trong bảo tàng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng. Vì vậy chứa đựng trong nó cả một câu chuyện dài của đời sống cư dân miền biển với những giấc ngủ dập dềnh theo con sóng.

Làng biển xưa trong dòng chảy hiện đại

Không dừng lại ở một bảo tàng thu nhỏ với những vật dụng đơn lẻ nằm im lìm, năm 2017, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng đề xuất ý tưởng “Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống - Bảo tồn Làng biển xưa Đà Nẵng”. Mục tiêu của dự án là tìm giải pháp để giữ nguyên hiện trạng làng An Tân và An Đồn – vốn là hai làng chài bên sông Hàn trước đây. Đến nay, hai làng này gần như vẫn giữ nguyên cấu trúc theo truyền thống lâu đời của địa phương, với cây đa, đình làng, miếu xóm, giếng nước, thậm chí có cả những ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi…. Làng thì vẫn còn nhưng nghề đã không còn khi bao quanh ba bề, tứ phía là cao ốc, khách sạn…

Nghề chài lưới biến mất theo cơn lốc đô thị hóa nhưng cuộc cách mạng di dời, chỉnh trang đô thị không đủ sức để giải tỏa An Tân, An Đồn bởi số lượng lô đất cần chia cho hàng nghìn hộ dân hai làng này là quá lớn. Nhưng nếu giữ nguyên trạng thì bên cạnh đô thị phát triển sẽ có một vùng “trũng” với những ngôi nhà cũ, chật…

Mỹ Dũng nhìn ra điều đó. Và giải pháp đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống cho ngôi làng, tạo nét đặc thì riêng có của làng biển để thu hút du khách tham quan là một cách để giúp người dân có thêm thu nhập, vừa giữ gìn văn hóa của một làng biển lâu đời hiếm hoi còn sót lại giữa đô thị Đà Nẵng.

“Chỉ cần giữ nguyên trạng cấu trúc của hai làng chài như hiện nay vì nó còn đủ những dấu ấn để bảo tồn. Chỉ cần vệ sinh môi trường, thoát nước, chỉnh trang thêm giao thông, đặt tên các con ngõ, sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào và ngõ hẻm cộng với sử dụng nghệ thuật sắp đặt với chủ đề mỹ thuật rõ ràng và gắn với đặc trưng của làng biển thì An Tân và An Đồn sẽ có một đời sống khác.

Có thể tạo điều kiện cho bà con mở thêm các quầy hàng đặc sản phục vụ khách du lịch tham quan thì như vậy không chỉ gìn giữ nét văn hóa của làng chài xưa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, cải thiện đời sống của người dân” - Mỹ Dũng chia sẻ.

“Nụ cười của trẻ em vùng biển”, một bức ảnh trong triển lãm ảnh “Biển trong chúng ta” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng, khai mạc ngày 19/10 tại Đà Nẵng
  • “Nụ cười của trẻ em vùng biển”, một bức ảnh trong triển lãm ảnh “Biển trong chúng ta” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng, khai mạc ngày 19/10 tại Đà Nẵng

Dự án cơ bản đã hoàn thành công tác khảo sát, theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà, đơn vị chủ trì chính trong việc xây dựng đề án này. Với sự thống nhất ý tưởng của người dân An Tân và An Đồn, dự án sẽ được đầu tư thêm 800m đường và kêu gọi nhà đầu tư để triển khai thực hiện trong năm 2018.

Thế nhưng, con người nặng lòng với biển ấy vẫn còn không ít tâm tư: “Giờ An Tân, An Đồn không còn dân theo nghề biển, cũng là thiếu đi phần nào cái hồn văn hóa của người dân, nhưng bảo tồn nó được chừng nào cũng là quý chừng đó khi văn hóa miền biển đang mai một dần đi giữa cơn lốc đô thị hóa”.

“Thế nhưng, nếu một vài nghề dành cho phụ nữ làng biển như chế biến sản vật do chính chồng con của họ đánh bắt về không còn, thì vẫn có thể mở ra những nghề khác, như để du khách trải nghiệm cách rim mực hay cá ngào đường ớt, thì vẫn rất nhiều các gia đình ở đây có thể làm được” - anh Mỹ Dũng chia sẻ.

Khi những hình ảnh của làng biển Mỹ Khê, Tân Trà lùi vào dĩ vãng thì việc bảo tồn những làng biển vẫn vẹn nguyên hình hài như An Tân, An Đồn là điều rất quý, cho những ai còn nặng lòng với biển có thêm một địa chỉ quay về, cho những câu chuyện văn hóa, những tập tục thiêng liêng từ bao đời nay của những người làm nghề ăn sóng, nói gió tiếp tục trôi trong dòng chảy của hiện tại giữa lòng đô thị phồn hoa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ