Ngôi trường mang tên Hoàng Sa giữa lòng Đà Nẵng

GD&TĐ - “Hoàng Sa ơi, chúng em yêu trường, chúng em yêu biển…” - những ca từ trong ca khúc Hoàng Sa - Ngôi trường bên bờ biển cũng đủ nói lên những nét đặc biệt của ngôi trường mang tên Hoàng Sa (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). 

Mọi thế hệ HS Trường THCS Hoàng Sa tự hào về ngôi trường mang tên một huyện đảo của TP Đà Nẵng
Mọi thế hệ HS Trường THCS Hoàng Sa tự hào về ngôi trường mang tên một huyện đảo của TP Đà Nẵng

Nằm ở địa bàn phường Thọ Quang - một trong những làng chài nổi tiếng ở Đà Nẵng nên đa số HS của trường là con em của ngư dân, chiến sĩ bộ đội biên phòng, hải quân… những lực lượng quan trọng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tên trường Hoàng Sa, vì vậy là niềm vinh dự, tự hào khi nhắc đến một vùng biển đảo mến yêu của Tổ quốc.

Khi yêu thương được viết thành lời

Chia tách từ Trường THCS Lý Tự Trọng (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Trường THCS Hoàng Sa được đưa vào sử dụng ngay đầu năm học 2016 - 2017 nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em ngư dân thuộc khu vực ven biển phường Thọ Quang, trong đó có nhiều gia đình có tàu đánh bắt xa bờ, tham gia khai thác trên ngư trường Hoàng Sa.

Cô Mai Huyền Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa tâm sự: “Chúng tôi có một đội ngũ GV ở độ tuổi rất lý tưởng, không quá trẻ và có đầy đủ kinh nghiệm. Ngoài số GV được điều động từ Trường THCS Lý Tự Trọng, số GV còn lại đều là GV điều chuyển từ các trường THCS trên địa bàn theo tinh thần tự nguyện. Được đặt tên trường là Hoàng Sa, đội ngũ GV chúng tôi rất tự hào, được truyền thêm nguồn cảm hứng, có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ vì có đến 90% GV có chồng công tác trong lực lượng hải quân”.

Thế nhưng, không có một cô giáo nào muốn nói nhiều về điều kiện công tác của chồng mình vì “đó là công việc mà mỗi người đều phải hoàn thành, cho dù có đôi chút đặc biệt. Điều quan trọng là mình phải làm sao để nâng cao chất lượng trong từng giờ lên lớp, truyền cho HS cảm hứng và tinh thần say mê học hỏi, khám phá” như cách mà một GV từ chối khéo khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình.

Cô Nguyễn Trần Thu Hà (GV chủ nhiệm lớp 9) xác định cho mình mục tiêu phải làm sao để năm nay, HS lớp cô chủ nhiệm 100% đỗ vào trường THPT công lập. “Muốn vậy thì không có cách nào khác phải tăng cường chất lượng cho HS. GV chủ nhiệm phải kết hợp chặt chẽ với GV bộ môn, giám sát bài vở hàng ngày của HS. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng HS một để có hướng kèm cặp, giúp đỡ phù hợp”.

Cô Thu Hà cho biết, mình thường dành khoảng thời gian buổi chiều cho công tác chủ nhiệm, “có những phụ huynh trao đổi với cô giáo rất chân tình rằng mình không biết chữ nên cô có trao đổi tình hình học tập của con bằng tin nhắn điện thoại thì phụ huynh cũng chịu. Với những trường hợp đó thì GV phải đến nhà để có thể đảm bảo thông tin hai chiều thì việc phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường mới hiệu quả. Rồi có em chỉ ở với ông bà, thiếu hẳn sự chăm sóc của ba mẹ; có em thì mẹ bận bịu với buôn bán, mình phải lựa những lúc phụ huynh có ở nhà để trao đổi chứ không thể chọn nơi hàng quán mà nói chuyện học hành của con được”.

Sát sao với hoàn cảnh của từng HS, cô Thu Hà có thể tìm ra được những nơi các em lui tới khi trốn tiết, bỏ nhà đi chơi trong khi phụ huynh đành chịu vì không có thông tin gì. Những công việc đó, cô giáo Thu Hà âm thầm làm bao nhiêu năm nay, dù một tay quán xuyến việc nhà, chăm sóc con nhỏ vì chồng làm nhiệm vụ thường xuyên vắng nhà. “Nếu mình thu xếp khoa học thì việc gì rồi cũng giải quyết được. Như mình, để chu toàn cho gia đình, mình chọn đăng ký dạy các tiết tăng cường vào ca 1, từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, thời gian sau đó là cơm nước, chăm sóc con cái ăn uống, học hành đến sau 21 giờ mới là thời gian dành cho giáo án, sổ sách của mình” - cô Hà tâm sự.

HS Trường THCS Hoàng Sa trong Lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa
    • HS Trường THCS Hoàng Sa trong Lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa

Xứng đáng với Hoàng Sa thân yêu

Hai năm học vừa qua, Trường THCS Hoàng Sa luôn nằm trong top đầu trong kỳ thi HS giỏi các cấp của quận Sơn Trà. “Môn Ngữ văn và môn Anh văn là hai môn mà HS của trường luôn có nhiều giải, đạt giải cao (giải Nhất) trong kỳ thi HS giỏi toàn thành phố Đà Nẵng” - cô Thu Hoài tự hào. Như ở môn Anh văn, cô Nguyễn Thục Hạnh - GV tiếng Anh cho biết, để dạy tốt chương trình tiếng Anh mới, đòi hỏi GV phải không ngừng tự đào tạo để cập nhật. “Muốn rèn luyện kỹ năng nghe - nói cho HS thì GV phải sưu tầm các trang web có chương trình nghe miễn phí, yêu cầu HS mỗi ngày phải nghe với một lượng thời gian nhất định và có bài kiểm tra đi kèm.

Rồi phải tập cho HS luyện nói theo chủ đề hoặc miêu tả tranh, trình bày ý kiến của mình về một số vấn đề… để rèn cách kết nối các ý tưởng với nhau cũng như logic trong diễn đạt”. Trường THCS Hoàng Sa cũng tổ chức các lớp tăng cường cho HS sau giờ chính khóa để nâng chất lượng dạy - học của trường.

“Đội ngũ GV đứng lớp các lớp tăng cường đều rất nhiệt tình, tâm huyết vì mục tiêu chung là nâng chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường. Bởi mức học phí của các lớp này rất thấp, chỉ 120.000 đồng/môn học/HS mà quá nửa số HS theo học đã được miễn, giảm rồi. Đây là những nỗ lực trong đầu tư chất lượng mũi nhọn cũng như đại trà của nhà trường” – cô Thu Hoài cho biết.

Ngoài những bài giảng tích hợp về biển đảo trong các môn học chính khóa, Trường THCS Hoàng Sa cũng tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ quyền biển đảo. Những giờ ngoại khóa sinh động được tổ chức tại Nhà trưng bày Hoàng Sa hay buổi nói chuyện của ông Nguyễn Văn Cúc (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người đã từng 3 lần đặt chân đến Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi từ nghìn xưa đã lưu dấu anh hùng vào trang sử vẻ vang của dân tộc đã bồi đắp thêm tình yêu biển đảo cho HS nơi ngôi trường mang tên huyện đảo Hoàng Sa.

Hiện nay, Trường THCS Hoàng Sa đã được đầu tư hoàn thiện xong giai đoạn 2 với một dãy phòng học 3 tầng với phòng học; và 2 phòng bộ môn Hóa - Sinh và Lý - Công nghệ được đầu tư trọn gói, đáp ứng yêu cầu dạy - học theo hướng dạy đi đôi với thực hành. Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Đối với những trường học thuộc địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, chúng tôi chủ trương đầu tư nhiều hơn về CSVC, trang thiết bị dạy học và ít hơn về số HS để nâng cao chất lượng dạy học”. Sang năm 2019, nhà trường sẽ được xây dựng giai đoạn 3 với 9 phòng học từ nguồn vốn do UBND quận Sơn Trà đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ