Miếu cá Ông - tín ngưỡng của người đi biển

GD&TĐ - Nếu có điều kiện đi biển mùa này, bạn nhớ tìm thăm những ngôi miếu cổ kính thờ cá Ông của ngư dân. Cư dân ở các làng chài không những thành kính thờ cúng loài cá linh thiêng này, mà còn thường tổ chức lễ hội “nghinh Ông” vào mùa hè, trong không khí nhộn nhịp pha lẫn sự thành kính, tín ngưỡng.

Ngư dân làm lễ mai táng cho cá Ông chết dạt vào bờ biển
Ngư dân làm lễ mai táng cho cá Ông chết dạt vào bờ biển

Cầu xin bình an, trúng cá

Bác Hồ Chánh - Trưởng làng Hòa Duân (xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết: Trước một chuyến đánh cá xa bờ thường kéo dài tháng trời, các ngư dân đến miếu thờ cá Ông làm lễ, cầu xin Ông phù trợ đi tới nơi về tới chốn, bình an vô sự và trúng đậm mẻ cá.

Ở vùng Thuận Quảng (châu Ô, châu Rí), phổ biến truyền thuyết của người Chăm rằng cá Ông (cá voi) tiền kiếp là hóa thân của Thần Aih Va; vì cãi lời thầy, tự ý biến thành cá Ông, nên bị các loài thủy tộc dưới biển hành hình; sau này thần Aih Va phục sinh, đổi tên là Pôn Ri Ăk, tức là thần Sóng Biển, thường hóa thành cá Ông cứu người đi biển lâm nạn.

Lễ chánh tế ở miếu thờ Ông

Lễ chánh tế ở miếu thờ Ông

Theo sách Dư địa chí làng Thai Dương (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thì hơn 5 thế kỷ, từ khi ngài Trương Quý Công đến khai canh, khai khẩn thành lập làng Thai Dương, dạy cho dân biết nghề đi biển, miếu thờ Ông được xây dựng bên hữu cửa khẩu Thuận An.

Miếu thờ Ông ở thị trấn Thuận An tọa lạc trên khuôn viên khoảng 200m2, quang cảnh tách biệt với xung quanh nên rất yên tĩnh, trang nghiêm. Miếu Ông gồm ba ngôi nhà thấp lợp ngói liệt, nằm nối tiếp nhau theo hình chữ đinh, tiền đường phía trước là gọi là võ ca, được sử dụng làm sân khấu hát tuồng, hát chèo đưa linh mỗi khi lễ hội; gian giữa là chánh điện, nơi thờ ngọc cốt (xương cá Ông), trên các bàn thờ trong chánh điện đặt các linh vị tùy theo ngày tháng Ông lụy (cá Ông chết gọi là Ông hay Ngài “lụy”).

Đặc sắc và độc đáo lễ hội nghinh Ông

Bác Hoàng Phu 87 tuổi ở làng An Bằng (thuộc xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết: miếu Ông được xây dựng vào hậu bán thế kỷ XIX, trên lô đất rộng 2ha gần kề bờ biển hướng Đông Nam.

Hàng năm sau khi ăn Tết nguyên đán cổ truyền, người dân ở thị trấn Thuận An tiến hành hai nghi lễ: lễ Cầu an vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch và ngày lễ Chánh tế vào ngày 15 tháng 5 âm lịch; ở đây không có lễ Nghinh Ông, các nghi thức cúng tế ở miếu Ông, Thuận An tương tự với những buổi lễ cúng đình tế làng.

Ở làng An Bằng lại khác, lễ hội miếu Ông tổ chức vào một ngày lành tháng 5 âm lịch, ba năm tổ chức lớn một lần, kéo dài trong 2 ngày; ngày đầu tổ chức lễ thỉnh thần và lễ túc yết long trọng, linh đình ở đình làng và miếu Ông. Ngày thứ hai làm lễ chánh tế và cầu an lúc 3 giờ sáng, đến 7 giờ tổ chức đua thuyền (gọi là đua gọ) trên bờ biển trải dài 4-6km. Suốt trong 2 ngày diễn ra lễ hội, dân làng đóng góp thổi cơm chung từng khu dân cư, thuê các đoàn cổ nhạc về biểu diễn.

Mộ cá Ông chôn cất bên bờ biển

Mộ cá Ông chôn cất bên bờ biển

Cho dù tên gọi lễ hội có khác nhau tùy theo địa phương (lễ rước Ông, lễ cầu ngư, lễ tế Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông) nhưng bản sắc cổ truyền vẫn không dị biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ