Tên gọi mỗi ngày trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ công dân nhỏ SKY-LINE 2018 với Ngày ĐẠI DƯƠNG DIỆU KÌ (Beyond the Sea) - khám phá tài nguyên biển, Ngày HÀNH TRÌNH KÍ ỨC (Journey of Memory) - khám phá về văn hóa, lịch sử biển; Ngày CÔNG DÂN BIỂN (Coastal Citizens) - thể hiện trách nhiệm công dân; Ngày CÁNH DIỀU ƯỚC MƠ (Flying Dream) - bộc lộ tình yêu biển và kết thúc chuyến hành trình khám phá là Ngày CẬP BẾN (Berthing) - gửi gắm thông điệp lan tỏa tình yêu, trách nhiệm khép lại một tuần lễ đầy hào hứng, sôi nổi nhưng cũng thiết thực để bắt đầu một năm học mới mà mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.
Khi lịch sử chảy trong dòng chảy của hiện tại
Từ năm học 2018 - 2019, Tuần lễ Công dân nhỏ SKY-LINE bắt đầu mở rộng quy mô bằng cách trao học bổng cho những học sinh ưu tú cũng như tạo điều kiện cho học sinh ngoài Hệ thống đăng kí tham gia nhằm mang đến nhiều cơ hội hơn nữa để các công dân nhỏ tại thành phố biển Đà Nẵng được làm quen và rèn luyện năng lực tổ chức, kỹ năng hoạt động xã hội cũng như ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Tại chuỗi sự kiện này, học sinh của Hệ thống giáo dục SKY-LINE sẽ được chia thành 12 đội, các học sinh ngoài trường tham gia được sắp xếp vào các đội theo khối lớp. Tên các đội đặt theo tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa: từ đảo Ba Ba, Bạch Quy, Châu Nhai, Duy Mộng, Hoàng Sa, Hữu Nhật đến Ốc Hoa, Linh Côn, Phú Lâm, Quang Ảnh, Quang Hòa và Tri Tôn.
Ngoài các hoạt động xem phim lịch sử văn hóa biển đảo; trải nghiệm ở làng chài Thọ Quang, khám phá bán đảo Sơn Trà, điểm nhấn của Tuần lễ công dân nhỏ thành phố biển là ngày hội công nghệ ICT Day với những thử thách liên quan chủ đề về biển cùng chương trình “Hành trình kí ức” với nội dung thi thi thuyết trình, kể chuyện qua hoạt cảnh với chủ đề mở rộng về lịch sử biển, về đời sống của người dân biển và các chiến sĩ hải quân, về những giá trị biển mang lại…
Bên cạnh các hoạt động thể thao bãi biển, thi vẽ tranh ghép khổng lồ về chủ đề “Đại dương xanh”, cắm trại, biểu diễn thời trang, thi đường chạy sắc màu… thì mong đợi nhất đối với học sinh SKY-LINE có lẽ là các hoạt động STEM-ES với cuộc thi tạo hình trên cát với sự hướng dẫn của CLB SV Kiến trúc và dự án bảo vệ môi trường biển như hoạt động lọc nước biển, làm phim Stop Motion và thi ảnh “Vẻ đẹp biển”.
Tất cả các hoạt động từ trò chơi nhỏ đến trò chơi lớn trong Tuần lễ Công dân nhỏ thành phố biển xâu chuỗi lại thành một hành trình văn hóa đầy màu sắc, giúp học sinh vừa học lại vừa chơi. Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội trải nghiệm và tích lũy các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và trau dồi thêm vốn văn hóa, kiến thức lịch sử của quê hương, đất nước, chuẩn bị hành trang để trở thành một công dân toàn cầu.
Chia sẻ về sự kiện Tuần lễ Công dân nhỏ thành phố biển, bà Ông Thị Thu Trang - Trưởng Ban Hoạt động ngoài giờ Hệ thống giáo dục SKY-LINE chia sẻ: “Không dừng lại ở các bài học lịch sử - địa lí về biển đảo, tuần lễ còn trang bị cho học sinh cả những bài học về tầm quan trọng, giá trị tài nguyên, giá trị kinh tế của biển. Những bài học nhỏ sẽ hun đúc trong các em tình yêu con người - những thế hệ từng sinh ra, lớn lên, lao động gắn với biển; khơi dậy niềm say mê cho các em trước vẻ đẹp của bãi cát dài, làn sóng biếc dưới nắng vàng; nuôi dưỡng ý thức tôn trọng và bảo vệ tài nguyên biển. Từ đó, mỗi công dân nhỏ sẽ ý thức hơn về trách nhiệm, khát vọng và lòng tự hào của bản thân, nỗ lực trang bị kiến thức, kĩ năng trên “hành trình ra biển lớn” của chính mình.
Trên hành trình ra biển lớn
Hoạt động sáng chế tên lửa nước của học sinh trong ngày hội STEM –ES của Hệ thống giáo dục SKY – LINE. |
Tuần lễ công dân nhỏ SKY-LINE được xem là điểm nhấn của đề án giáo dục Kỹ năng sống và giáo dục tích hợp thông qua hoạt động ngoại khóa với các chuỗi hoạt động liên tục trong suốt một tuần lễ nhằm giúp cho học sinh cọ xát thực tế, ứng dụng kiến thức – kỹ năng, giao lưu và gắn kết cộng đồng. Chủ đề của Tuần lễ công dân nhỏ đều được thay đổi theo mỗi năm và gắn với các vấn đề thời sự để tổ chức các hoạt động phù hợp.
Mọi hoạt động trong Tuần lễ công dân nhỏ SKY-LINE đều hướng đến việc trả lời câu hỏi: Những công dân nhỏ cần tích lũy những gì cho công cuộc hội nhập toàn cầu? Chính các em là nguồn nhân lực mới trong tương lai và thành công của hội nhập phụ thuộc vào chính thế hệ công dân này. Việc chuẩn bị tâm thế hội nhập cho các thế hệ học sinh SKY-LINE với định hướng giá trị giáo dục cốt lõi: “Có trách nhiệm, Biết yêu thương, Tự lập và Hợp tác” là một câu chuyện dài được bồi đắp mỗi ngày thông qua những hoạt động trong và ngoài lớp học.
Bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục SKY-LINE chia sẻ: “Bắt đầu ý tưởng giáo dục với tâm thế của một người mẹ khát khao một môi trường học tập “an lòng” cho con của mình. Các trường học trong Hệ thống giáo dục SKY-LINE là hiện thức hóa câu chuyện ước mơ “bay” của mình. Ở đây, học sinh được trau dồi không chỉ có kiến thức, nhân cách mà cả niềm vui hạnh phúc hiện tại và tương lai của các con, để các con được bình đẳng trong môi trường học tập như các học sinh quốc tế, được vươn xa và bay cao.
Quan trọng hơn cả, câu chuyện ước mơ bay của chúng tôi còn khao khát bay lên trên đôi cánh của mình có hình của đất nước, của con người Việt Nam, của tự tôn và tự hào dân tộc. Hãy bay đi và trở về. Ngày về của các con là văn minh của người Việt, ngày về của các con không chỉ định vị trên địa điểm của con đứng mà là vị trí của bản thân, vị thế của quốc gia trong văn minh, tiến bộ của xã hội loài người. Nơi đây chắc chắn là nơi của học sinh nhiều quốc gia sẽ có mặt, các con sẽ cùng nhau khám phá và xây dựng mối quan hệ thân tình và hòa hiếu, học hỏi và rèn luyện để nơi đây sẽ là miền ký ức đẹp của mỗi người”.
Chia sẻ thêm về quan điểm Học để sống hạnh phúc, bà Lê Thị Nam Phương cho rằng: “Cần phải chuẩn bị nền tảng cho học sinh có được sự độc lập, sáng tạo và quản trị về bản thân, tiếp nhận kiến thức xã hội từng cấp học. Sự phát triển của trẻ em là sự phát triển hàng ngày, các em luôn tìm kiếm, luôn sáng tạo đối với kiến thức. Học để sống hạnh phúc sẽ giúp trẻ em biết cách tìm kiếm và thụ hưởng những điều đó, cả trong hiện tại lẫn trong cuộc sống tương lai”.