Ông có nhận xét gì về công tác dân số của địa phương trong thời gian qua?
- Công tác dân số trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật. Thứ nhất, về nâng cao chất lượng dân số, tỉnh Thái Bình đã thành lập được trung tâm sàng lọc trước sinh và sau sinh. Đây là trung tâm do tỉnh thành lập và hoàn toàn là xã hội hóa. Thứ hai, tỉnh đã làm được việc tư vấn, khám sức khỏe cho công nhân ở các khu công nghiệp. Thứ ba, đã tập huấn cho tất cả các bí thư, trưởng thôn của tất cả xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Qua đó, họ sẽ cùng với đội ngũ cán bộ dân số làm tốt công tác dân số và phát triển ở địa phương mình. Có thể nói, tỉnh Thái Bình đã tạo được sự đồng thuận từ chính quyền cấp cơ sở cho đến cấp tỉnh để cùng tham gia công tác này.
Theo chủ trương, các địa phương sẽ tiến hành sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) vào Trung tâm y tế huyện, thành phố. Điều này khiến nhiều cán bộ dân số tâm tư. Vậy tại tỉnh Thái Bình, chủ trương này đã được triển khai thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi đã có chủ trương xây dựng Đề án sát nhập Trung tâm DS – KHHGĐ vào với Trung tâm y tế huyện, thành phố. Đề án này đã được Sở Y tế thống nhất với Sở Nội vụ và trình UBND tỉnh.
Toàn tỉnh sẽ thống nhất một mô hình đó là Trung tâm y tế, bao
“Từ trước tới nay, dân số và y tế vẫn là một, chưa bao giờ nghĩ là 2. Vì vậy việc sát nhập Trung tâm DS – KHHGĐ vào với Trung tâm y tế huyện, thành phố chỉ làm cho công việc tốt hơn, mạnh hơn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số một cách bền vững”.
Ông Tô Hồng Quang
gồm 3 phòng và 5 khoa. Trong đó có một phòng dân số, truyền thông, giáo dục sức khỏe. Lãnh đạo trung tâm gồm: có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Trong đó, có 1 phó giám đốc là Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ chuyển sang.
Qua nắm bắt tình hình, nhiều cán bộ dân số vẫn còn băn khoăn và tâm tư khi thực hiện sáp nhập. Tuy nhiên, chúng tôi xác định ngành Dân số có đặc điểm riêng, cho nên tất cả các hoạt động phải đúng theo hướng dẫn của Trung ương và của địa phương. Tôi tin rằng, khi mọi thứ đã đi vào hoạt động và có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong công tác thì họ sẽ vững tin để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, chúng tôi cũng xác định: ngành dân số có đặc thù riêng, nên cơ cấu đồng chí Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ sang làm Phó giám đốc Trung tâm y tế để phụ trách mảng hoạt động này, bởi công tác dân số vẫn rất cần một bộ phận làm chuyên sâu.
Thực tế trước đây ngành DS – KHHGĐ cũng đã có những lần tách/sáp nhập. Lần này chúng ta lại tiến hành sáp nhập như phân tích ở trên. Vì vậy có thể thông cảm những băn khoăn, lo lắng của cán bộ dân số. Tuy nhiên, nhiều người đặt vấn đề, liệu chủ trương này có ổn định và bền vững hay không?
- Theo cá nhân tôi thì các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước khá đầy đủ. Tuy nhiên, ở mỗi nơi sẽ có những cách triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách khác nhau để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo đó, tùy theo điều kiện của từng địa phương để xây dựng mô hình khác nhau.
Thực tế, ngành Y tế đã có từ rất lâu rồi, nhưng riêng mô hình thì khác nhau và chưa có một đề án cơ cấu tổ chức nào chung cho toàn quốc.Ngành Dân số ra đời sau nhưng chưa chắc đã thuận lợi hơn nên vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ thực tế, ông có cho rằng, cần thiết phải có Luật Dân số?
- Theo tôi, rất cần thiết ban hành Luật Dân số. Khi nói đến dân số là nói đến chất lượng con người vì vậy nếu có luật thì mọi công tác trong lĩnh vực này sẽ đi vào đời sống nhanh hơn các văn bản khác. Đặc biệt nó còn liên quan đến quy mô trường, lớp học. Cụ thể, nếu chúng ta nắm được quy mô dân số ở các địa phương phát triển như thế nào thì sẽ xác định được cần bao nhiêu trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng để đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương.
Được biết ở các xã ven biển, những năm về trước vẫn còn tình trạng trẻ em đến tuổi đi học nhưng chưa làm giấy khai sinh. Vậy tình trạng này đã được khắc phục hay chưa, thưa ông?
- Thái Bình có 54 km bờ biển với khoảng hơn 30 xã ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Từ năm 2010 trở về trước, người dân đi biển nên nhiều gia đình khi con cái đến tuổi đi học mà chưa có giấy khai sinh. Khi đó, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số đã phải đi làm giấy khai sinh giúp họ để con em họ được cắp sách đến trường.
Đây cũng là một trong những lý do vì sao, địa phương nào của Thái Bình cũng có sự quản lý của ngành dân số, nhất là ở những làng chài ven biển. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ dân số và các cộng tác viên mà tình trạng bỏ học ở đây đã không còn xảy ra, trẻ em đủ tuổi đến trường đã có đầy đủ hồ sơ, trong đó có giấy khai sinh và hộ khẩu.
Thái Bình là địa phương nhiều năm đạt được mức sinh thay thế. Tuy nhiên, xu hướng sinh con thứ 3 vẫn có ở nhiều gia đình. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Thực tế cho thấy, không riêng gì tỉnh Thái Bình mà ở nhiều địa phương khác, xu hướng sinh con thứ 3 đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Theo đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động đến các đối tượng đang trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những cặp vợ chồng đã có 2 con để họ nhận thức đầy đủ rằng “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”. Điều đáng lo ngại đó là, tình trạng mất cân bằng giới tính, số trẻ em trai đang có xu hướng nhiều hơn trẻ em gái. Đây có thể sẽ là gánh nặng cho xã hội và công tác dân số.
Vậy còn vấn đề già hóa dân số thì sao, thưa ông?
- Vấn đề già hóa dân số cũng là một gánh nặng đối với công tác dân số. Ở các tỉnh thì chưa có bệnh viện riêng cho người già, chưa có khoa lão khoa. Trong khi trẻ em thì có nhà mẫu giáo, nhà trẻ, khoa nhi, bệnh viện nhi... Hiện nay, tỷ lệ người già tương đương với người trẻ nhưng chúng ta chưa có sự đầu tư tương xứng cho người già. Vì vậy, chúng tôi cũng kiến nghị nhà nước cần đầu tư, xây dựng khu vui chơi, thành lập các câu lạc bộ tập luyện sức khỏe cho người già. Bệnh viện cần có khoa lão khoa để người già được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể.
- Xin cảm ơn ông!