Người dân “tố” chính quyền không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19

GD&TĐ - Đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Nhưng UBND quận Thanh Xuân – Hà Nội đã triệu tập họp dân trái quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Trụ sở HĐND, UBND quận Thanh Xuân - Hà Nội
Trụ sở HĐND, UBND quận Thanh Xuân - Hà Nội

Cuộc họp bất thường và những dấu hỏi trong phòng, chống dịch

Phản ánh tới báo GD&TĐ, đơn thư của 50 hộ gia đình thường trú tại Tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã kiến nghị về việc đề nghị chính quyền địa phương: “Giải thích lý do tổ chức cuộc họp ngày 25/11 trong bối cảnh không đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Nội dung trong đơn, các hộ dân nêu rõ: “Vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 243/KD-UBND quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo đó, các hoạt động tập thể trên 30 người, nếu tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch và thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội lại không làm đúng quy định của lãnh đạo Thành phố. Điển hình là ngày 19/11/2021, thừa lệnh Chủ tịch UBND quận, ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Chánh Văn phòng quận Thanh Xuân vẫn ký giấy mời, triệu tập cuộc họp với thành phần bao gồm ông Lê Hồng Thắng - Phó Chủ tịch UBND quận; cùng các ông bà là cán bộ, công chức thuộc các phòng, ban, đơn vị trực thuộc quận. Đặc biệt, cuộc họp này còn mời 50 hộ dân sinh sống tại Tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, để thông báo về “Kế hoạch, tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”.

Giấy mời của một trong số 50 hộ dân thuộc Tổ 14 phường Thanh Xuân Trung liên quan đến cuộc họp hôm 15/11/2021.
Giấy mời của một trong số 50 hộ dân thuộc Tổ 14 phường Thanh Xuân Trung liên quan đến cuộc họp hôm 15/11/2021.

Trong đơn đề ngày 29/11/2021 này, 50 hộ gia đình thường trú tại Tổ 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đề nghị UBND quận Thanh Xuân lưu tâm tới các nhiều vấn đề như: “đề nghị UBND quận Thanh Xuân có sự giải thích, theo các hình thức và cách thức phù hợp, qua đó nêu rõ lý do tổ chức cuộc họp ngày 25/11, tính chất và mục đích cuộc họp này trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay”.

Thứ hai, “đề nghị UBND quận Thanh Xuân nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp nếu sau cuộc họp ngày 25/11, 50 hộ dân chúng tôi có người nhiễm COVID-19 và làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Phản ánh của người dân cho biết: “Trong thời gian tới, nếu UBND quận Thanh Xuân tiếp tục triệu tập cuộc họp để thông báo về “Kế hoạch, tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”, đề nghị phải thông báo trước và phải đạt được sự nhất trí của toàn bộ các hộ dân thì mới triển khai tổ chức”.

Các ý kiến phản ánh đều cho rằng: “trước khi tổ chức cuộc họp với thành phần trên 30 người, UBND quận Thanh Xuân cần xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế, đồng thời gửi bản kế hoạch này cho người dân tham khảo trước thời điểm họp từ 1 đến 3 ngày”.

Cuối đơn, người dân Tổ 14 Thanh Xuân Trung đề nghị: “Nếu UBND quận Thanh Xuân triển khai cuộc họp không đảm bảo tuân thủ theo Kế hoạch số 243/KD-UBND quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chủ tịch TP Chu Ngọc Anh, đề nghị thành phố xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ liên quan của quận Thanh Xuân Trung; đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông vào cuộc phản ánh các hành vi vi phạm các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Luật số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007)”.

Đồng thời, cần nêu rõ trách nhiệm phòng, chống dịch không chỉ là việc của ngành y tế, mà cần có sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương và người dân. Với mục tiêu rõ ràng “vì sức khỏe của nhân dân”, các chủ trương, chính sách của chính quyền quận Thanh Xuân cần được nhân dân ủng hộ, chung tay thực hiện. Đây là yếu tố mang tính then chốt để quận Thanh Xuân cùng Thành phố Hà Nội và cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19.

Người dân đến UBND phường Thanh Xuân Trung để họp theo giấy mời số 124/GM-UBND của UBND quận Thanh Xuân ngày 19/11/2021
Người dân đến UBND phường Thanh Xuân Trung để họp theo giấy mời  số 124/GM-UBND của UBND quận Thanh Xuân ngày 19/11/2021

Tu bổ, tôn tạo Gò Đống Thây: Có hay không việc “vẽ dự án, lấy đất của dân”?

Qua trao đổi với PV, liên quan đến “Kế hoạch, tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”, người dân Tổ 14 phường Thanh Xuân Trung cho biết họ đang rất quan tâm đến dự án này, bởi đây là việc làm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm xáo trộn di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

Liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, đại diện công ty TNHH xã hội và luật Sinh Hùng cho biết: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, Gò Đống Thây (đền Đống Thây) là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, khi trùng tu, tôn tạo ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng còn phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu: Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp quốc gia như Gò Đống Thây, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” (Điều 34, khoản 1, điểm a, b Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009).

Trước những quy định nêu trên, dư luận địa phương rất mong muốn chính quyền nêu ra các căn cứ, quy định liên quan đến việc thu hồi đất, thực hiện mục đích tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Gò Đống Thây, đặc biệt chỉ rõ bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng tu bổ, tôn tạo; quy trình thực hiện công tác điều tra khảo sát, đo đạc tại thực địa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (nếu có)...

Với những thông tin nêu trên, rất mong UBND quận Thanh Xuân sớm công khai, minh bạch công tác quản lý hồ sơ sử dụng đất của các hộ dân có đất bị thu hồi để có căn cứ cho các hộ dân đối chiếu, xem xét những hộ gia đình nào thuộc diện bị thu hồi, thu hồi có đúng luật không, có đảm bảo khách quan quyền lợi của người dân hay không…

Mặt khác, việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây cần phải được thực hiện với mục đích duy trì sự tồn tại lâu dài của di tích, bảo tồn các thành phần, cấu trúc của di tích, đồng thời bảo tồn giá trị của di tích. Đây là việc làm cần phải được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật liên quan đến không chỉ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, mà còn đặc biệt liên quan đến Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa,...

UBND quận Thanh Xuân cần sớm công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến dự án này, tránh tình trạng người dân hồ nghi về việc chính quyền tu bổ dự án chỉ để “vẽ dự án, lấy đất của dân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.