Người dân Tây Nguyên 'vật lộn' với hạn hán

GD&TĐ - Tây Nguyên đang trong thời gian cao điểm của mùa khô. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các sông suối giảm nhanh.

Hồ thủy lợi C3 trơ đáy vì hạn hán kéo dài. Ảnh: Dung Nguyễn
Hồ thủy lợi C3 trơ đáy vì hạn hán kéo dài. Ảnh: Dung Nguyễn

Nhiều khu vực nguồn nước đã cạn, người dân chật vật tìm nước sử dụng và tưới cho cây trồng.

Cây trồng khát nước

Nhiều ngày qua, để đảm bảo nước tưới cho cà phê và chanh dây của gia đình, anh Trần Thanh Hoàng (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) phải thuê nhân công nạo vét giếng.

Anh Hoàng cho biết, năm nay thời tiết khắc nghiệt khiến mực nước ngầm giảm xuống đáng kể. Trước kia nước giếng của gia đình anh đảm bảo tưới cho cây trồng cả ngày, tuy nhiên mùa khô năm nay sử dụng được 2 - 3 tiếng đồng hồ đã khô khốc.

“Dù đã nạo vét giếng, nhưng lượng nước tưới vẫn không đáng kể. Gia đình lo lắng nếu nắng nóng kéo dài thì diện tích chanh dây có nguy cơ bị khô héo”, anh Hoàng chia sẻ.

Tại Kon Tum có hàng trăm héc ta cây trồng của người dân xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) héo rũ, úa vàng vì hạn hán kéo dài. Những hồ thủy lợi, kênh dẫn nước phục vụ bà con tưới tiêu cũng trơ đáy.

Hơn 37 năm trồng cà phê, chưa năm nào bà Nguyễn Thị Tư (xã Hà Mòn) chứng kiến cảnh thiếu nước trầm trọng như năm nay. Thiếu nước tưới, gần 100 gốc cà phê của bà Tư khô héo, còn 200 cây khác cũng “khát nước”.

Mấy ngày qua, bà Tư chắt chiu từng giọt nước còn sót lại ở hồ thủy lợi C3 với hy vọng cứu được 200 cây cà phê. Thế nhưng, nước ít mà nhu cầu của người dân nhiều nên cũng chẳng thấm vào đâu. Nhiều đêm liền bà Tư mất ăn, mất ngủ vì lo gia đình sẽ trắng tay.

Lòng hồ thủy lợi C3 (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn) bấy lâu nay cung cấp nước tưới cho người dân, năm nay đã cạn khô. Lòng hồ nứt nẻ vì nắng nóng kéo dài.

Ông Trần Thanh Sơn (thôn Bình Minh) bảo rằng, mấy năm trước khi hết mùa khô mực nước hồ C3 chỉ rút xuống vài mét. Năm nay hạn hán khiến lòng hồ trơ đáy.

“Lòng hồ cạn chỉ còn sót một ít nước lẫn phèn chua. Người dân sử dụng phương pháp tưới bằng béc lên tán lá, gặp nắng nên cây bị cháy đen, héo rũ. Còn sử dụng phương pháp truyền thống thì tốn khá nhiều thời gian và công sức. Do đó, chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương có phương án nạo vét lòng hồ để bà con có nước tưới tiêu, vượt qua giai đoạn hạn hán nặng”, ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Trần Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, năm nay tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài khiến một số diện tích cây cà phê và cây trồng hằng năm trên địa bàn thiếu nước.

Trên địa bàn có hồ thủy lợi C3, diện tích lưu vực gần 2km2, với dung tích 370.000 m3 phục vụ tưới tiêu cho khoảng 200 ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh. Tuy nhiên, hồ đã cạn kiệt nguồn nước nên hàng trăm héc ta cây trồng của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Nắng nóng kéo dài, người dân xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) phải chắt chiu từng giọt nước. Ảnh: Dung Nguyễn

Nắng nóng kéo dài, người dân xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) phải chắt chiu từng giọt nước. Ảnh: Dung Nguyễn

Điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt

Không chỉ thiếu nước tưới, nhiều ngày qua hàng trăm hộ dân tại thôn Đức Hưng và làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Với 7 nhân khẩu, gia đình ông Nguyễn Văn Xưởng (thôn Đức Hưng) sử dụng nguồn nước từ giếng khoan của thôn. Tuy nhiên, những ngày qua nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm bị giảm sút và có màu vàng đục. Nguồn nước này phục vụ cho hàng trăm hộ dân nên mọi người thay phiên nhau sử dụng, nhưng nước yếu chẳng đủ dùng.

Do nguồn nước không đảm bảo nên mỗi ngày gia đình ông Xưởng phải mua 4 - 5 bình nước loại 20 lít về uống và nấu ăn. Còn nước sinh hoạt thì gia đình tận dụng từ giếng khoan của thôn và bơm từ sông, suối.

Ông Siu Uôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan thông tin, tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt ở thôn Đức Hưng và làng Sơn diễn ra nhiều năm qua. Bởi thôn Đức Hưng có địa hình đất cát, sỏi nên không thể khoan giếng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Siu Uôi, trước đây địa phương đầu tư 1 giếng khoan phục vụ nước sinh hoạt tập trung cho hơn 100 hộ dân. Tuy nhiên, đến mùa khô giếng khoan cũng thiếu nước và bị nhiễm phèn nên người dân không sử dụng. Chính vì vậy, nhiều hộ dân phải đi qua khu vực lân cận để xin nước, riêng ăn uống thì mua nước bình.

“Địa phương đang liên hệ nhờ Công ty TNHH MTV 72, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng hỗ trợ việc chở nước sạch từ nơi khác về cho người dân thôn Đức Hưng để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày”, ông Siu Uôi nói.

Để đảm bảo nguồn nước cho bà con trong thời gian tới, UBND huyện Đức Cơ cũng gửi thư ngỏ nhằm kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư một nhà máy xử lý nước sạch, phục vụ nhu cầu người dân tại thôn Đức Hưng và làng Sơn (xã Ia Nan).

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do lốc mạnh mùa khô ước khoảng 155 triệu đồng, hạn hán, thiếu nước tưới khoảng 4,9 tỷ đồng. Riêng huyện Phú Thiện có 88,37 ha lúa, khoai lang và bắp bị khô hạn, ước tính thiệt hại khoảng 4,7 tỷ đồng.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cảnh báo, trong các tháng 3, 4, 5, trên địa bàn có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy và Nam Đăk Glei.

Về nước sinh hoạt, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các khu vực không chủ động được nguồn cung cấp nước trên địa bàn TP Kon Tum. Cùng với đó mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP Kon Tum đang có lưu lượng nước thấp hơn từ 40 - 65%, mực nước thấp hơn các năm từ 0,2 - 1,2m. Tại các đập dâng và hồ chứa nhỏ nguồn nước vẫn ổn định, nhưng nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, một số công trình có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, TP Kon Tum có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước vào cuối vụ. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là trên 1.770ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ