Gia đình ông Thạch Sương (ngụ ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) có 5 công ruộng.
Theo ông Sương, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông thu hoạch được 4,5 tấn/công, do làm giống lúa thơm đặc sản Lộc Trời 28 nên giá bán được hơn 9.000 đồng/1kg.
Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch lúa nắng hạn gay gắt, các tuyến kênh trên địa bàn bị khô cạn, thương lái không thể vào tận nhà mua lúa được.
Để bán được lúa ông Sương phải mướn người vận chuyển ra đầu lộ với giá mỗi bao (khoảng 50kg) là 10 nghìn đồng. Sau khi trừ đi phí vận chuyển và các chí phí khác, tính ra lợi nhuận gia đình ông Sương thu được ở vụ Đông Xuân không cao.
Ông Trần Văn Hạnh (một hộ dân ngụ cùng ấp với ông Sương) cho biết thêm, những gia đình không mướn được nhân công vận chuyển lúa đi bán, thương lái vẫn cho người vào tận nhà vận chuyển, sau đó trừ đi chi phí trên giá lúa. Ví dụ, lúa mua 9.500/kg đồng thì trừ phí vận chuyển còn 8.500/kg đồng, thậm chí thấp hơn.
Nông dân phải tốn thêm chi phí vận chuyển lúa bán cho thương lái mỗi bao khoảng 10 nghìn đồng. |
Những gia đình trúng mùa, làm giống lúa thơm đặc sản sau khi trừ đi các khoản chi phí vẫn còn lãi chút ít, còn đối với những nông dân làm giống lúa chất lượng cao, chất lượng trung bình có giá bán thấp hơn dao động từ 7.500 đến 8.200 đồng/kg hoặc những gia đình có diện tích lúa thu hoạch sản lượng thấp thì sau khi trừ đi mọi chi phí không còn lãi, thậm chí thua lỗ.
"Ở nhiều khu vực, lộ giao thông bị sụt lún, sạt lở khiến việc vận chuyển lúa của người dân càng thêm khó khăn", ông Hạnh chia sẻ thêm.
Những hộ dân thu hoạch lúa xong lại gặp khó trong vận chuyển lúa đi bán, còn những hộ dân có diện tích lúa chưa thu hoạch thì trong tâm trạng “đứng ngồi không yên” vì lo sợ không tìm được máy gặt, do kênh, mương khô cạn, máy khó vào.
Một số hộ dân vì gieo lúa trễ nên đến nay diện tích lúa vẫn còn trong giai đoạn làm đòng, trổ, trong khi nước dưới ruộng đã khô, đất bắt đầu nứt.
Ông Nguyễn Văn Bài có 7 công đất trồng lúa đang gặp tình cảnh nêu trên, cho biết, gia đình đang có ý định mua thuốc dưỡng hạt về xịt để mau chóng thu hoạch. Tuy nhiên, ông Bài cũng băn khoăn về chi phí, bởi tiền thuốc xịt tốn hơn 1 triệu đồng/công.
“Vụ lúa Đông Xuân năm nay gia đình tôi xem như lỗ nặng”, ông Bài than thở.
Nước trên những cánh đồng thời điểm này đã khô cạn. |
Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay, huyện xuống giống gần 29.000ha, tính đến 23/2 đã thu hoạch trên 13.400ha, năng suất bình quân đạt 6,31 tấn/ha.
Phòng chuyên môn huyện đã và đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân thu hoạch lúa như: Huy động máy gặt, kết nối thương lái trong tiêu thụ, vận chuyển lúa để có lợi nhuận cao nhất.
Ghe thu mua lúa không thể vào sâu bên trong để thu mua lúa của người dân. |
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn tỉnh xuống giống trên 35.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện: Trần Văn Thời; U Minh Thới Bình và TP Cà Mau.
Cơ cấu giống lúa gồm 3 nhóm: Nhóm lúa thơm đặc sản ST24; ST25; Đài Thơm 8, Lộc Trời 28 chiếm tỷ lệ trên 52%; nhóm lúa chất lượng cao OM18, OM5451, OM6162, Hương Châu 6 chiếm tỷ lệ 42,7%, còn lại là nhóm lúa có chất lượng trung bình.
Thời điểm này có hơn 15.000ha lúa đã thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn.
Hiện vẫn còn hơn 2.000ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng, hơn 10.000ha trong giai đoạn trổ có nguy cơ thiếu nước cuối vụ.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân cần áp dụng chế độ tưới tiêu, sử dụng nguồn nước hợp lý nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về năng suất.