Kon Tum: Hạn hán khiến cây khô, “người héo”

Kon Tum: Hạn hán khiến cây khô, “người héo”

Cua, ốc còn không sống nổi!

Kon Tum mới vào giữa mùa khô nhưng nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh đã dần cạn nước. Nhiều ha lúa nước, cây công nghiệp của người dân đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại xã Đoàn Kết (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tình trạng hạn hán đang diễn ra khá phức tạp. Nhiều diện tích lúa và cây trồng thiếu nước khiến cây khô héo, cằn cỗi, đất đai nứt nẻ. Bên cạnh đó, nhiều hồ đập trên địa bàn cạn nước, trơ đáy.

Anh A Viên (thôn 8, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) cho biết, gia đình anh có 2,7 sào lúa nước, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn. Năm nay, hạn hán khiến cánh đồng của gia đình anh nứt nẻ, cây cối héo úa.

“Những năm trước cũng hạn hán nhưng không nặng nề như năm nay. Mới giữa mùa khô nhưng các hồ đập đã cạn nước, đất đai nứt nẻ. Cua, ốc còn không sống nổi. Chẳng biết năm nay có lúa để gia đình tôi thu hoạch không nữa”, anh Viên lo lắng nói.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho hay, 4 tháng nay trên địa bàn xã chưa xuất hiện mưa. Các hồ đập trên địa bàn đang dần cạn nước, hoa màu khô héo, đất đai nứt nẻ.

“Trên địa bàn xã có 3 đập dùng để cung cấp nước cho hoa màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, hiện 2 hồ đập đã cạn nước, dần trơ đáy. Chính vì vậy, hàng trăm ha lúa và cây công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Do đó, đơn vị đã chỉ đạo Hợp tác xã Đoàn Kết phối hợp với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi thực hiện phương án bơm chống hạn. Hiện tại địa phương đã đặt 2 trạm chuyền, nhằm cung cấp nước. Nếu trong 10 ngày tới trên địa bàn không có mưa thì địa phương sẽ tiếp tục đặt thêm 1 trạm chuyền để cung cấp nước cho người dân”, ông Pháp nói.

Mặc dù xã đã đặt thêm trạm chuyền cung cấp nước cho cây trồng. Tuy nhiên, do đập Cà Tiên “trơ đáy” nên người dân tại khu vực này phải khoan giếng để cung cấp nước cho hơn 18 ha lúa và cà phê. Nhưng hiện tại các giếng khoan cũng đã cạn nước.

Tương tự, trên địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt. Theo ông Giả Tấn Đạt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết, qua rà soát thì trên địa bàn huyện chưa thiếu nước tưới. Tuy nhiên, dự báo đến tháng 3 sẽ có khoảng 80 ha cây trồng có khả năng bị thiếu nước.

Để ứng phó với hạn hán, Phòng NN&PTNT huyện đã tổ chức họp thông báo về tình hình hạn hán để mọi người khai thông cống rãnh, nạo vét kênh mương. Bên cạnh đó điều tiết nước tưới luân phiên. Đồng thời, vận động người dân hạn chế sử dụng nước.

Giếng hết nước nên người dân phải lấy nước giọt hoặc xin nước nhà hàng xóm về sử dụng
 Giếng hết nước nên người dân phải lấy nước giọt hoặc xin nước nhà hàng xóm về sử dụng

Người dân loay hoay tìm nguồn nước

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang sống trong tình trạng thiếu nước. Bà Y Miếu (60 tuổi, thôn 8, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) cho biết, giếng đào của gia đình bà đã cạn khô, không còn nước để dùng.

“Nắng quá, nước hết nên thường ngày mình vẫn đi lấy nước giọt (nước suối được dẫn về các điểm công cộng) về tắm rửa, giặt giũ. Nhà nghèo nên không có tiền mua nước bình để sử dụng”, bà Y Miếu nói.

Theo anh A Hrươm (trưởng thôn 8, xã Đoàn Kết), hiện tại trên địa bàn có hơn chục cái giếng đã cạn nước. Những giếng nước được các nhà hảo tâm tài trợ khoan cũng đã khô. “Năm nay khô hạn nặng nên nước giọt cũng chẳng được bao nhiêu. Người dân muốn lấy phải đợi 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ mới đủ nước. Thời gian tới nếu cứ nắng nóng như thế này chúng tôi không biết lấy nước ở đâu”, anh A Hrươm lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, gần 3 tháng nay trên địa bàn tỉnh không có mưa. Không những vậy, lượng nước ở các sông suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt từ 40 - 70% so với trung bình hằng năm. Lượng mưa năm 2019 thiếu hụt so với hàng năm, chỉ đạt khoảng 70 - 80%.

“Vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 tại TP Kon Tum, huyện Sa Thầy, huyện Ia H’Drai sẽ xảy ra hạn hán. Mặc dù cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 mới có mưa trái mùa, tuy nhiên lượng mưa này không nhiều nên cũng không giải quyết được vấn đề hạn hán.

Theo dự báo, hạn hán năm nay không khốc liệt và nặng nề như năm 2016. Tuy nhiên cũng ảnh hưởng tương đối nặng đến hoa màu, cây cối. Do đó, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Huy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.