Người dân miền núi Quảng Nam giảm nghèo bằng mô hình kinh tế 'cây - con'

GD&TĐ - Để giảm nghèo và vươn lên thoát nghèo, nhiều người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam đã áp dụng thành công mô hình kinh tế kết hợp “cây - con”.

Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp người dân thoát nghèo đang được phát huy ở các huyện miền núi Quảng Nam. Ảnh: Thủy Thơm
Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp người dân thoát nghèo đang được phát huy ở các huyện miền núi Quảng Nam. Ảnh: Thủy Thơm

Mô hình hay, cách làm sáng tạo

Đã hơn 10 năm qua, gia đình ông Trần Ngọc Liên – đồng bào Xê Đăng (trú xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn cần mẫn việc trồng, phát triển vườn quế dù có thời điểm quế thành phẩm rớt giá thê thảm. Quyết không bỏ cuộc, ông Liên cùng gia đình của mình tiếp tục chăm bón vườn quế với diện tích 2ha, vì đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình ông suốt thời gian qua.

Theo ông Liên, ngoài thu nhập chính từ cây quế, gia đình ông Liên còn kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà… để “lấy ngắn nuôi dài” mà mục đích chính ở đây là tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình.

Chính nhờ sự cần mẫn làm việc, cũng như kết hợp tốt giữa việc trồng cây và nuôi gia súc, gia cầm, gia đình ông Liên đã dần đã vượt qua khó khăn, đời sống ngày càng cải thiện rõ rệt. Đến nay, gia tài của ông Liên đã có 2ha quế đến kỳ thu hoạch, với giá vỏ khô trên thị trường hiện nay 80.000 đồng/kg, vườn quế đều đặn mang về cho ông số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Nhờ có sinh kế bền vững, gia đình đã vượt qua khó khăn, đời sống ổn định. Tôi cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo”, ông Liên chia sẻ.

Tương tự như nhà ông Liên, hơn 5 năm trước, từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, ông Đoàn Duy Giáo (ở thôn 3, xã Trà Giáp) đã mạnh dạn vay tổng cộng 110 triệu đồng để nuôi bò, trồng quế.

Đến nay, thành quả mà gia đình ông Giáo là gia đình sở hữu hơn 5ha quế, một số gốc quế sắp đến kỳ thu hoạch. Cùng với đó là đàn bò hàng chục con.

Thông tin từ UBND huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2022 - 2023, tỉ lệ hộ nghèo bình quân của huyện đã giảm 7,94%, hơn gấp đôi so với mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết HĐND huyện Bắc Trà My.

bcfc8d7bce546b0a3245.jpg
Một góc địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Huyện Bắc Trà My còn 4.013 hộ nghèo (tỷ lệ 34,56%), phần lớn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hướng tới đạt mục tiêu huyện thoát nghèo vào năm 2025. Mô hình “cây - con” kết hợp là 1 trong những giải pháp phù hợp, hiệu quả mà chúng huyện Bắc Trà My triển khai cho bà con miền núi.

Giúp dân vượt qua khó khăn

Còn tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), đây cũng là 1 trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn ở Quảng Nam với tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 35%.

Theo ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), địa phương quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng tập trung vào “3 cây, 3 con”.

Ông A Viết Sơn cho hay, theo định hướng được triển khai là các hộ nghèo và cận nghèo, được trợ lực từ nguồn vốn chương trình chính sách của tỉnh và hướng dẫn kỹ thuật từ các hộ chăn nuôi sản xuất giỏi, kết hợp dịch vụ trồng và chăm sóc rừng.

Hiệu quả rõ nhất của mô hình “3 cây, 3 con” là đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân miền núi, góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của huyện, từ 52,36% trong năm 2016 xuống còn 35,58% năm 2023, phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn 25%.

Điển hình của mô hình “3 cây, 3 con” là Hợp tác xã Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Đây là điểm sáng của huyện trong những năm gần đây.

Theo đó, mô hình ban đầu có 15 hộ đăng ký tham gia, trong đó đa số hộ nghèo và cận nghèo. Nguồn vốn chủ yếu từ các chính sách của UBND tỉnh Quảng Nam, và sự đóng góp về kỹ thuật của các hộ chăn nuôi sản xuất giỏi. Qua gần 2 năm triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả, với lượng heo giống và heo thịt xuất ra thị trường đều đặn với giá 120.000-150.000/kg, mỗi năm hợp tác xã thu về khoảng 300 triệu đồng.

f469369e20b285ecdca3.jpg
Người dân ở huyện Bắc Trà My bên vườn quế.

Anh Bríu Chéo, Tổ trưởng tổ sản xuất Hợp tác xã nông lâm nghiệp A Liêng cho biết, đây là một trong những mô hình sử dụng vốn đầu tư từ các cấp hiệu quả, qua đó giúp cho nhiều thành viên trong hợp tác xã có thu nhập đáng kể để sinh hoạt. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng trang trại, cải thiện thu nhập cho các thành viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương”, anh Bríu Chéo chia sẻ.

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết thêm, huyện Nam Giang đang đẩy mạnh triển khai các mô hình như trồng bưởi da xanh diện rộng; phát triển bòn bon kết hợp du lịch; trồng rừng gỗ lớn; trồng sâm và dược liệu, chăn nuôi heo, bò… nhằm cải tạo sinh kế, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững.

b4cc716a6e46cb189257.jpg
Nhà của người dân vùng cao tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thủy Thơm

Tỉnh Quảng Nam có 2 huyện là Phước Sơn và Bắc Trà My đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh đang ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho 2 huyện, tập trung tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.