Tăng cường vai trò quản lý trong công tác giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Việc nâng cao năng lực cán bộ, giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng đẩy mạnh.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Thanh Huyền)
Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Thanh Huyền)

Nâng cao năng lực người làm công tác giảm nghèo

Trong bối cảnh nỗ lực giảm nghèo bền vững tại Hà Tĩnh được đặt lên hàng đầu, việc nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các chương trình và dự án. Đặc biệt, việc đầu tư vào năng lực con người là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đồng đều và bền vững tại địa phương này.

Để nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh, các biện pháp cụ thể như: Đào tạo và phát triển năng lực chuyên môn; Tăng cường kiến thức về pháp luật và chính sách; Xây dựng môi trường làm việc và trao đổi kinh nghiệm; Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin…

Để thực hiện tốt các biện pháp trên, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo tại Hà Tĩnh góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với Nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, trong chương tập huấn vừa qua, đơn vị đã thông tin, cập nhật các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác giảm nghèo bền vững hiện nay và quá trình tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện.

Ngành LĐ-TB&XH cũng đã hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp phương pháp, kỹ năng thực hiện các dự án trong chương trình giảm nghèo đúng quy trình, quy định, hiệu quả; xác định thông tin, phân loại tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; định mức, tiêu chí xây dựng nhà ở; cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình...

Chương trình tập huấn cũng thực hiện các chuyên đề về cách thức tổ chức, nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách về pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

“Qua các chuyên đề tập huấn sẽ giúp nâng cao năng lực và trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp kiến thức, kỹ năng về quản lý, phương pháp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Từ đó, đội ngũ cán bộ này hỗ trợ đắc lực hơn cho người nghèo, cận nghèo vươn lên trong làm ăn, cải thiện sinh kế và cuộc sống, ngăn ngừa tái nghèo”, ông Thạch nói.

Khẩn trương giải ngân nguồn vốn

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị vừa có công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với các nội dung được UBND tỉnh giao vốn.

315209987_880451159614766_1557949872594324159_n.jpg
UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo. (Ảnh: Khả Sơn)

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể đối với từng nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn năm 2022, 2023 chưa giải ngân chuyển sang năm 2024 và nguồn kinh phí được bố trí năm 2024. Phấn đấu bảo đảm hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải ngân 100% vốn được giao kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát trong quá trình thực hiện chương trình.

Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở.

Tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình theo quy định nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đối với việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, đề nghị tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 55 ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính.

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ