Thông qua việc liên kết, sản xuất cà phê bền vững giúp tăng sản lượng, chất lượng cà phê, từ đó giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo với tiền lãi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tăng giá trị sản phẩm cây chủ lực
Mùa khô 2024 vừa qua chứng kiến cảnh hàng ngàn nông dân trồng cà phê trên địa tỉnh Đắk Lắk oằn mình vét từng giọt nước để chống hạn, cứu những rẫy cà phê đang héo khô thì tại Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (HTX Ea Tu), buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại hết sức nhàn nhã dưới những vườn cà phê xanh mướt, trĩu trái.
Để có những vườn cà phê như thế, các thành viên của hợp tác xã đã bền bỉ theo đuổi mô hình phát triển cà phê bền vững trong một thời gian dài.
Là thành viên của HTX, ông Phạm Minh Tĩnh (trú tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu) cho hay, trước đây, gia đình ông chỉ trồng đơn canh cây cà phê trên diện tích 1ha, thu được 4-5 tấn cà phê. Thế nhưng, việc canh tác này khiến người dân gặp nhiều rủi ro vì giá cả thất thường, lợi nhuận không đáng kể.
"Trung bình mỗi năm, gia đình chỉ thu được khoảng hơn 100 triệu đồng. Chưa kể, những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết khiến vườn cà phê liên tục bị sâu bệnh tấn công, làm cho cây suy yếu và năng suất giảm", ông Tĩnh nói.
Trước những thách thức đó, HTX Ea Tu đã tập trung hướng dẫn các hộ trồng xen canh 3 loại cây trên cùng diện tích gồm: cà phê, sầu riêng và hồ tiêu. Trong đó, cà phê được xác định là cây chủ lực. Đồng thời, tuân thủ quy trình chăm sóc hướng đến sản xuất bền vững như: hạn chế phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học... nhằm bảo đảm chất lượng sau thu hoạch.
Đến nay, tất cả các thành viên của HTX Ea Tu đều thực hiện phương án canh tác xen canh này và đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Bằng việc trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng 1ha và thực hiện quy trình sản xuất theo hướng bền vững từ năm 2018 đến nay, đã giúp gia đình tôi từng bước cải thiện thu nhập. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập từ 150-200 triệu đồng”, ông Tĩnh phấn khởi nói.
Tương tự, gia đình bà H’ Yiam Mlô (trú tại buôn Ko Tam) cũng tăng thu nhập lên hơn 300 triệu đồng/năm trên diện tích 3,4ha. Trong khi, cùng diện tích này nhưng trước đó gia đình bà chỉ thu được chưa đầy 200 triệu đồng/năm.
Vui mừng trước thành quả, bà H’Yiam cho biết, việc sản xuất bền vững không chỉ góp phần tăng năng suất cà phê mà còn bảo vệ sức khỏe của người nông dân và môi trường cảnh quan thiên nhiên luôn xanh mát.
“Trước đây, chúng tôi chủ yếu sử dụng phân hóa học để bón cho cây cà phê. Tuy nhiên, việc bón phân hóa học lâu ngày không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm cho đất trở nên cằn cỗi mà cây trồng giảm sức đề kháng, dễ bị sâu bệnh tấn công. Đồng thời, cây cà phê cũng không có khả năng chống chọi trước thời tiết khắc nghiệt, trái cà phê thường có kích thước nhỏ”, bà H’Yiam nói.
Đồng thời cho biết thêm, bón phân hữu cơ đã cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, cải thiện cấu trúc đất và tăng khả năng giữ nước.
"Điều này không chỉ giúp cây cà phê xanh tốt quanh năm, trái có kích thước lớn hơn mà còn giúp cây cà phê chống chịu tốt hơn với các tác động tiêu cực từ thời tiết, sâu bệnh. Từ đó, tăng cường khả năng chống mất mùa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cà phê ”, bà H’Yiam nói thêm.
Liên kết sản xuất - xu thế tất yếu
Cà phê được xác định là cây chủ lực, tuy nhiên, giá trị thực tế chưa cao và chưa bền vững, nhiều hộ nông dân vẫn loay hoay trong chu trình "trồng - chặt bỏ - trồng". Vì vậy, việc áp dụng trồng đa canh và sản xuất bền vững theo mô hình HTX là một hướng đi phù hợp, đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.
Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Ea Tu chia sẻ, HTX được thành lập vào năm 2015, có 49 thành viên, với 60,4ha cà phê. Mục đích, giúp người nông dân chủ động trong quá trình sản xuất, chế biến, bán hàng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Trọng, khi tham gia HTX, người nông dân được hướng dẫn, tập huấn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà phê. Họ cũng không phải lo lắng về việc tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm vì có thể bán cà phê trực tiếp cho các nhà rang xay mà không cần qua các đơn vị trung gian và mang lại lợi nhuận kinh tế cao. HTX cũng cho các thành viên nợ tiền phân bón đến cuối vụ mới thanh toán. Thậm chí, các thành viên của HTX còn được tặng phân bón, cây giống miễn phí.
Đặc biệt, quá trình liên kết, HTX Ea Tu thu mua cà phê cho các thành viên với giá cao hơn thị trường từ 1-20.000 đồng (tùy theo chất lượng cà phê). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng cà phê.
Thực tế cho thấy, khi mới thành lập, HTX có 5% thành viên là hộ cận nghèo, phải vay vốn, vật tư nông nghiệp của các đại lý để phục vụ sản xuất. Thế nhưng, sau một thời gian liên kết sản xuất, đến nay, HTX không còn hộ cận nghèo.
Bà H’Yiam Mlô cho hay, từ khi tham gia HTX, gia đình bà không còn phải gánh nợ vì vay mượn tiền để phục vụ sản xuất cà phê. Đồng thời, nhờ tham gia các buổi tập huấn do HTX tổ chức nên gia đình bà đã tích lũy và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất cà phê và mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, trên diện tích 3,4ha, gia đình bà H’Yiam thu hoạch khoảng 7 tấn cà phê nhân/năm, trong khi trước đó thu chưa đầy 5 tấn. Ngoài ra, gia đình bà còn thu được hơn nửa tấn tiêu mỗi năm. Đặc biệt, sầu riêng đang chuẩn bị cho thu bói trong năm 2024... Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình ngày càng được nâng cao (hơn 300 triệu đồng/năm).
"Điều quan trọng là cây cà phê phát triển bền vững trước mọi diễn biến khắc nghiệt của thời tiết", bà H’Yiam chia sẻ.
Cùng với các lợi ích trên, khi tham gia HTX, các thành viên buộc phải tuân thủ quy trình chăm sóc, sản xuất hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bảo đảm chất lượng sau thu hoạch theo yêu cầu của HTX. Cụ thể, phải chọn giống cà phê có chất lượng, bón phân đúng, đủ, không thừa để tránh ảnh hưởng môi trường và lãng phí tiền bạc. Tăng cường phân bón hữu cơ và hạn chế bón phân hóa học; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà dùng máy để phát cỏ nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân và người tiêu dùng...
HTX này cũng đặt yêu cầu cho các thành viên là chỉ thu hoạch khi cà phê chín từ 80% trở lên.
Theo lý giải, việc thu hoạch cà phê chín không chỉ nâng cao chất lượng mà còn tăng trọng lượng của từng hạt cà phê. Từ đó, mang lại lợi ích kinh tế cao cho chính người trồng cà phê.
Để thực sự phát triển bền vững, HTX Ea Tu đã xây dựng thương hiệu Ea Tu cà phê nhằm mở rộng sản xuất các loại sản phẩm gồm: Cà phê bột đặc sản Robusta, cà phê Robusta và Arabica (R&A). Hai sản phẩm này đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2023. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1 để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Chưa dừng lại ở đó, từ đầu năm 2024, HTX còn tận dụng các cây cà phê già cỗi để chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị cây cà phê, nâng cao thu nhập cho nông dân, cũng như tạo nguồn thu cho HTX.
Được biết, ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng năm, HTX này còn triển khai các hoạt động phúc lợi xã hội, đóng góp cho sự phát triển an ninh – kinh tế địa phương, như: xây dựng và trao tặng 1 nhà tình nghĩa cho 1 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Tu, trị giá 70 triệu đồng. Tặng 100 chiếc ba lô cho học sinh và tặng tủ để sách cho Trường Mầm non Ea Tu...