Đó là câu chuyện của cô giáo Lò Thị Thùy, nữ giáo viên đầu tiên mang lễ khai giảng đến chốn “thâm sơn cùng cốc” nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc...
Tuổi thơ bất hạnh...
Để đến với xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), chúng tôi phải vượt qua hơn 150km đường rừng. Chiếc xe ca nhọc nhằn băng qua các cung đèo quanh co, uốn lượn như những dải lụa mềm giữa một bên là vách núi cao vút, bên kia là vực - suối sâu “hiền thục”; hôm nay, thời tiết bỗng dưng “dở chứng” khi cơn mưa rừng dội xuống liên hồi. Chốc chốc lại có vài hòn đá như chiếc mũ cối từ phía taluy đường lả tả rơi xuống, “gầm gừ” như muốn nuốt chửng chiếc xe “chuồng gà” đang uể oải leo dốc. Cần gạt mưa ở chế độ nhanh tối đa song cũng chẳng nhìn thấy gì sau lớp kính ướt sũng. Bác tài già vội tìm một lán nương ven đường để dừng chân vì không thể đi tiếp... Thế rồi chúng tôi cũng đến được trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ lúc gần nửa đêm.
Do có hẹn trước nên vợ chồng cô giáo Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ vẫn đợi cơm. Chị Thùy kể bao nhiêu là chuyện. Nào là kết quả giáo dục của nhà trường năm nay tăng cao, cơ sở vật chất cũng được đầu tư đồng bộ và khang trang hơn; rồi cả con gái đầu của chị cũng đã vào công tác tại Tòa án huyện. Cứ thế, chị trở về miền ký ức u buồn của mình lúc nào cũng không hay. Tôi may mắn được nghe chị tâm sự về thân phận cũng như những cay đắng đã “nếm” trải khi đến với nghề giáo, có lẽ cũng bởi một chữ “duyên”.
“Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp luôn trong cảnh nghèo khó, nhà có 7 anh, chị em và tôi là thứ 6. Hồi còn nhỏ, thèm được đi học lắm nhưng khổ nỗi nhà nghèo nên chẳng được đi. Tôi chỉ ước sau này làm cô giáo để dạy chữ cho người dân tộc mình bởi bản thân họ đã khổ, lại còn thiệt thòi đủ thứ”, chị Thùy kể.
Lúc chị Thùy tròn 4 tuổi, mẹ đột ngột qua đời, mấy bố con đau đớn gục ngã trước cảnh chia ly. Rồi họ lại nương tựa vào nhau để sống. Thương bố bần hàn, nhà lại đông con nên chị Thùy đã phải lang bạt xin ăn khắp nơi. Hai năm như thế trôi qua, đến khi chị tròn 6 tuổi, cũng nhờ một cô giáo thuê chị trông con, đổi lại chị được cô cho học và nuôi ăn.
“Lên 6 tuổi, lúc nào tôi cũng địu đứa con 2 tuổi của cô giáo trên lưng. Vừa trông em, vừa học. Gọi là trông thuê thôi, nhưng chẳng được trả tiền đâu. Bản thân tôi thì chỉ cần được cho cái gì ăn rồi cho vào lớp học là mừng và may mắn lắm rồi”, chị Thùy nghẹn ngào.
Lúc trông em, khi thì lên rừng kiếm củi về bán, cũng có lúc lại vào rừng sâu tìm mật ong, hoa quả đem bán kiếm thêm kế sinh nhai, thời thơ ấu của chị cứ lầm lũi trôi đi. Bao năm theo đuổi ước mơ làm cô giáo, chị đã “nếm trải” không biết bao nhiêu cơ cực của cuộc đời. Thế rồi chị cũng đỗ vào Trường Sư phạm Lai Châu.
“Nhà người ta thì có bố, có mẹ đưa đi nhập trường, rồi cả đi học nữa. Nhưng nhà mình thì chẳng có ai, tôi tự đi hơn 100 km từ thị xã Mường Lay bây giờ, về đến huyện Tuần Giáo để học. Đến trường thì chỉ đợi xe chở than đi qua rồi vẫy, xin ngồi nhờ trên thùng chứ có tiền đâu mà đi xe khách. Buổi sáng lên xe thì sạch sẽ, chiều xuống đến trường thì toàn thân đen xì, chỉ nhìn thấy mỗi hàm răng”, chị Thùy cười gượng. “Cả 3 năm học, chẳng ai cho chị một đồng nào. Nhà nước cho như thế nào, nuôi như nào thì chị chỉ có như thế”, chị Thùy kể tiếp.
… đến bạc mệnh
Học sinh phấn khởi trong ngày đầu khai giảng (Ảnh do đoàn công tác của tỉnh Lai Châu ghi lại) |
Năm 1990, cầm tấm bằng tốt nghiệp sư phạm trên tay, chị Thùy được phân công công tác tại Trường Phổ thông Cơ sở Nậm Hàng, huyện Mường Lay (nay là huyện Nậm Nhùn, Lai Châu). Lúc này chị lại tìm đến nhà của bố mẹ nuôi để xin họ cưu mang bởi lương giáo viên thấp, không đủ để nuôi nổi bản thân. “Lương tháng khi đó chỉ có 3.800 đồng. Muốn mua một đôi dép cũng chẳng dám vì không đủ tiền. Một đôi dép họ bán tận 5 nghìn cơ mà”, chị Thùy kể với nét đượm buồn.
Tuổi thơ đã thiệt thòi, vất vả, người ta cứ bảo: “Thôi, có việc làm rồi thì lấy chồng sớm đi để có chỗ nương tựa!”, và rồi chị cũng lập gia đình. Mục tiêu tìm chỗ dựa, song chẳng hiểu số phận thế nào, chị lại vớ phải chiếc “cọc” mục. Hơn 1 năm sau khi lấy nhau về, người chồng đổ đốn nghiện ngập thuốc phiện, rồi bao nhiêu của cải trong nhà cứ lần lượt “đội nón ra đi”. Chị Thùy đã “nếm” không biết bao nhiêu trận đòn từ người chồng nghiện vì không có tiền chu cấp vào những làn khói trắng của người chồng kia.
“Tôi đã từng bị dí dao vào cổ dọa giết, rồi bị đánh đập đến mức phải nhập viện mất cả tháng trời. Cứ nghĩ số mình đã khổ, lấy chồng vào còn khổ hơn. Nhiều đêm mất ngủ vì thương con. Năm con được 4 tuổi, tôi nghĩ nếu cứ sống trong môi trường thế này thì con mình cũng sẽ chẳng thành người. Rồi đến một ngày mình cũng sẽ chết vì những trận đòn và uất ức, nên đành dứt áo ra đi”, chị Thùy bật khóc.
Hình ảnh lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên (Ảnh do đoàn công tác của tỉnh Lai Châu ghi lại) |
Chị nộp đơn xin chuyển công tác vào vùng biên giới Nà Hỳ, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào, đó là nơi “khỉ ho, cò gáy” một cách đúng nghĩa bởi ở đó chưa từng có dấu chân của một nữ cán bộ nào. Chị là cô giáo đầu tiên đặt chân đến đất này. “Lúc đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cứ can ngăn mãi rằng: “Cháu nên cân nhắc kĩ đi. Ở cái nơi đó nữ giáo viên không thể đến được, mà có đến thì cũng không thể tồn lại được đâu vì còn quá khó khăn. Thế nhưng mình vẫn quyết tâm dứt áo ra đi, vì chị nghĩ đời mình đã khổ lắm rồi. Còn gì có thể khổ hơn?”, chị Thùy kể.
Và rồi, chị Thùy địu đứa con 4 tuổi lầm lũi ra đi suốt một tuần trời, băng qua hơn 100 km đường rừng. Hơn 30km cuối cùng, từ KM45 đến trung tâm Nà Hỳ là quãng đường gian nan nhất. Không thể đi bộ được vì không biết đường và cũng chẳng có đường mòn để đi ngoài cách “luồn” rừng. Chị Thùy phải thuê một người Mông dắt ngựa thồ chở con đi. Nhiều lúc đói lả người, song chị vẫn cứ bám lấy đuôi ngựa, chân bước trong vô thức. Đứa con nhỏ ngồi trên lưng ngựa thi thoảng lại khóc ré lên, hai đầu gối toét ra, máu chảy xuống tận mu bàn chân vì đường hẹp, những cây gai sắc nhọn cứa liên hồi.
Trời nhá nhem tối, thế nào “người vận chuyển” bỗng dưng “dở chứng” đòi về. Van nài mãi thì hắn đồng ý đi tiếp, nhưng ngược lại hắn bắt chị phải “đổi tình”. Vừa hoang mang, vừa sợ hãi, chị quỳ lạy như thể mong được ban ơn. “Chị nói bằng tiếng dân tộc với hắn là: “Tôi xin ông tha cho! Đời tôi đã khổ lắm rồi nên mẹ con tôi mới phải như thế này. Nhà tôi nghèo, nhưng ông cứ đưa tôi đi đến nơi, tôi sẽ trả đủ 20 nghìn như tôi đã hứa. Chứ ông bỏ mẹ con tôi ở giữa rừng thế này thì tôi biết đi đâu bây giờ?”, chị Thùy rơm rớm nước mắt.
“Xin mãi mà không được, chị đành dọa hắn rằng, em trai tôi là lính biên phòng ở đây. Nếu ông mà làm gì mẹ con tôi thì biên phòng họ biết, họ sẽ bắt ông. Cuối cùng hắn sợ rồi lại đi tiếp, lúc đó tôi mới hoàn hồn”, cô Thùy kể.
Ba người họ lại tiếp tục đi hết ngọn núi này đến quả đồi nọ. Gần nửa đêm, thấy có đốm lửa lập lòe phía bên kia sườn núi, chị Thùy tạt vào vừa là để hỏi đường, cũng vừa là để tìm lối thoát thân sau hai lần “người vận chuyển” dở chứng. May thay, có một cặp vợ chồng đang đốt lửa sưởi ấm cạnh lán nương. Biết là cô giáo đến nhận công tác, nhà chỉ có một con gà mái đẻ trứng họ cũng bắt để thịt đãi khách. Đợi Mặt trời mọc, cặp vợ chồng nọ lại lẽo đẽo dẫn chị đi lên trường và rồi cuộc sống mới của chị Thùy bắt đầu “sinh sôi” từ đây.
Lần đầu tiên có lễ khai giảng...
Chị Thùy còn nhớ như in ngày đầu đặt chân nơi “phên dậu” của Tổ quốc này. Trường lớp đơn sơ được lợp bằng tranh tre, lứa lá. Học sinh ở đây thì không có độ tuổi. Có người 6 tuổi vào lớp Một, lại có người 12 tuổi mới bắt đầu đi. Nhiều trường hợp cả bố và con đều đeo khăn quàng đỏ.
“Năm ấy, tôi tham mưu rồi thầy hiệu trưởng mới nhờ tôi tổ chức lễ khai giảng, rồi tổ chức cả lễ hiến chương Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì cái đất này mới bắt đầu có lễ khai giảng đấy chứ. Các thầy nói rằng, thường thì chỉ thịt gà, lợn rồi ăn với nhau, chứ không có hoạt động văn nghệ chào mừng, rồi diễn văn kỷ niệm gì cả, vì chẳng ai biết để mà tổ chức”, chị Thùy vui vẻ nhớ lại.
Hơn 1 năm trời đứng lớp giảng dạy, chị Thùy địu con trên lưng, vừa dạy, vừa chăm con. Ngày nào lưng áo cũng ướt sũng vì con “tè dầm”. Lưng áo chỉ khô mỗi khi chị quá mỏi và thả con lê la trên nền đất của lớp học. Đến tuổi con đi học, chị lại gửi con ra thành phố (cách Nà Hỳ 150km) để nhờ bạn bè chăm sóc. Mỗi lúc trái nắng, trở trời con ốm, đêm nằm nhớ con, dưới ánh đèn dầu, chị chỉ biết nhìn lên trần nhà ôm mặt khóc. Vì đường sá quá xa xôi, đi bộ sẽ mất 1 tuần, nên mỗi năm chị chỉ có thể gặp con được một lần, đó là dịp tết hoặc nghỉ hè. “Cảm xúc lúc sắp đến thành phố Điện Biên Phủ lạ lắm, tự dưng nước mắt cứ rơi xuống, quên hết mệt mỏi và chỉ muốn chạy thật nhanh đến bên con, ôm con vào lòng rồi khóc thôi”, chị Thùy òa khóc như một đứa trẻ.
Ngôi trường mà chị Thùy công tác chỉ có vỏn vẹn khoảng 100 học sinh ở các khối lớp. Cả trường có 4 giáo viên nam bao gồm 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó và 2 giáo viên đứng lớp. Run rủi thế nào, một giáo viên đứng lớp lại đem lòng yêu mến và cưu mang hai mẹ con, đó là người chồng hiện tại của chị.
“Cũng có nhiều cán bộ, bộ đội người ta yêu mến nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều. Khó ở chỗ mình hoàn cảnh như thế, vừa tìm chồng cho mình, song lại phải tìm bố cho con nên chỉ sợ chọn nhầm người thì lại khổ cả đời. Nghĩ mãi rồi tôi mới quyết định đến với anh nhà tôi bây giờ. May thay anh tốt tính và bao dung nên chúng tôi có cuộc sống rất hạnh phúc”, chị Thùy tủm tỉm cười.
22 năm gắn bó với mảnh đất nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc, chị Thùy đã góp công “vun trồng” cho bao thế hệ con em vùng đầy gian khó. Từ chỗ cả vùng không ai biết đến lễ khai giảng, chất lượng học tập còn hạn chế thì hôm nay ngành GD-ĐT huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng Trường Tiểu học Nà Hỳ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng công tác giáo dục ngày càng quan tâm đúng mức. Trường có 56 cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy ở 10 điểm bản, trong đó có 1 điểm trường trung tâm. Toàn trường có 531 học sinh theo học đúng độ tuổi, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Năm ngoái, hai bố con cậu học trò nghèo cùng đeo khăn quàng đỏ đến trường ngày xưa đến đứng trước cổng nhà, họ ôm theo con gà mái đẻ đến biếu cô. Cô Thùy còn nhớ như in câu nói của người bố rằng: “Cô ơi! Nếu không có cô vào dạy chữ thì có lẽ em sẽ không được làm trưởng bản như bây giờ, bố con em cũng sẽ không trưởng thành như hôm nay!”.
Chị cũng không quên niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt đứa con gái lớn lúc nó hớn hở khoe với mẹ: “Con đã thi đỗ vào Đại học Quốc gia”; rồi cả khi nó khoe đã được vào làm việc tại Tòa án Nhân dân huyện. “Nếm trải” bao cay đắng của cuộc đời trong hành trình theo đuổi giấc mơ “gieo chữ”, song đến ngày hôm nay, chị Thùy cảm nhận rõ hơn vị ngọt của nghề “trồng người”. Có lẽ hơn ai hết, chị là người cảm nhận rõ sự thiêng liêng và cao quý của nghề giáo.