Người… đa mang

GD&TĐ - Không chỉ làm tốt công tác dạy học, nhiều giáo viên còn nhiệt huyết, bền bỉ trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Thầy Phạm Thanh Tùng tặng quà học sinh. Ảnh: NVCC
Thầy Phạm Thanh Tùng tặng quà học sinh. Ảnh: NVCC

Với họ, từ thiện xuất phát từ tâm nguyện lan tỏa và trao giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, con người.

Cho đi để còn mãi

Cô Nguyễn Khánh Vân, Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) được đồng nghiệp biết tới như một tấm gương tích cực trong các hoạt động nhân đạo từ thiện. Cô Vân đã thành lập nhóm “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, kết hợp cùng chồng là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ ở các bệnh viện khác tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều vùng miền Tổ quốc. Thấy được giá trị tích cực, hữu ích từ hoạt động này nên nhiều cá nhân và tổ chức đã quyết định đồng hành.

Từ năm 2015 đến nay, cô Vân kêu gọi ủng hộ mỗi năm hàng trăm triệu đồng cùng với tiền đóng góp cá nhân để tổ chức hoạt động khám, phát thuốc miễn phí, tặng quà người nghèo, tặng đồ dùng học tập và sinh hoạt cá nhân cho học sinh khó khăn tại Sơn La, Lào Cai, Hải Dương, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương… Đến nay, tổng số tiền cá nhân cô Vân đóng góp là 56 triệu đồng và kêu gọi ủng hộ được 874,6 triệu đồng.

Thầy Phạm Thanh Tùng, Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đến từ thiện với cách làm riêng. Khi công tác tại Trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thầy Tùng đã dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn từ lớp 6 đến lớp 9; Tặng khóa học miễn phí cho học sinh Trường THCS Thành Công.

Chuyển công tác tới Trường THCS Thành Công, làm chủ nhiệm lớp, thầy Tùng đã nhận đỡ đầu và giúp đỡ Nguyễn Bảo Hân khi biết em có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ li hôn. Mẹ đi làm xa, bố có vấn đề sức khỏe, em sống với bà nội từ nhỏ. Ngoài dạy kèm miễn phí môn Toán ngoài giờ lên lớp, thầy đã bỏ tiền mua máy tính để học trò sử dụng ôn thi.

Sự quan tâm của thầy Tùng dành cho nhiều học trò khó khăn trong lớp một cách thường xuyên và nhiều năm liên tiếp. Lương giáo viên còn có hạn nhưng thầy luôn cố gắng tích lũy, làm thêm để mua đồ dùng học tập, sách bút, máy tính hỗ trợ học trò. Ở vai trò Đoàn trường, thầy Tùng còn tích cực trong các hoạt động xây trường, quyên góp quần áo, sách giáo khoa cho trẻ em Sơn La, Hà Giang; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung, cùng học sinh đã tham gia mua khoai lang ủng hộ bà con tỉnh Gia Lai, mua gà, trứng ủng hộ bà con tỉnh Hải Dương; huy động phụ huynh và học sinh cùng làm việc thiện…

Tương tự, cô Đỗ Thu Hương, Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình) cũng là tấm gương sáng trong phong trào “Tương thân tương ái”. Từ khi vào ngành Giáo dục (1993) dù ở bất kỳ cương vị nào, cô luôn năng nổ, nhiệt tình làm việc với tâm niệm phải làm thật nhiều việc có ích, có sức lan toả để mang lại cho học sinh và xã hội những điều tốt đẹp.

Khi công tác tại quận Hoàng Mai, cô đã giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn; dạy học miễn phí cho học sinh nghèo vùng ngoại thành (Giáp Bát, Đại Kim, Thanh Trì) với mong muốn trao kiến thức, khát vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Cô cũng nhận đỡ đầu nhiều học sinh, giúp đỡ các em được đến trường.

Tại Trường THCS Phan Chu Trinh, cô tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo do các cấp phát động, luôn tiên phong trong các phong trào ủng hộ trẻ em nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh vùng cao. Dù công việc dạy học bận rộn, cô vẫn trực tiếp đến tặng quà cho người già cô đơn, trẻ em khuyết tật tại trung tâm bảo trợ xã hội. Từ năm 2016 đến nay, cô đều nhận đỡ đầu ít nhất 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong lớp mình chủ nhiệm hoặc trực tiếp giảng dạy) với số tiền từ 500 – 1 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, cô Hương lập một nhóm thiện nguyện mang tên “Bình an trở lại”, kêu gọi mọi người quyên góp khẩu trang, nước rửa tay, quần áo bảo hộ, găng tay y tế, kính chắn giọt bắn… đem tặng các đơn vị tuyến đầu chống dịch.

Học sinh lớp 3A1 Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) cùng tham gia hoạt động từ thiện do cô Oanh phát động. Ảnh: NVCC

Học sinh lớp 3A1 Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) cùng tham gia hoạt động từ thiện do cô Oanh phát động. Ảnh: NVCC

Làm từ tâm không màng nổi tiếng

Từ năm 2009, cô Phạm Thị Hoàng Oanh, Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) luôn đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp mình chủ nhiệm; tặng đồ dùng học tập, sách vở, động viên, khuyến khích trò khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập. Cô tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nhà trường; kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay vì cộng đồng.

Cô Đỗ Thu Hương cho biết, mình đến với hoạt động từ thiện từ sự đồng cảm những khó khăn của người khác. “Khi tôi gặp khó đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người. Do đó khi ổn định, có điều kiện tôi thấy cần chia sẻ và có trách nhiệm với những hoàn cảnh, số phận khó khăn… Sau mỗi hoạt động, chuyến từ thiện thành công, tôi thấy vui, dù là việc làm nhỏ nhưng mang lại giá trị hữu ích cho học trò, xã hội...”, cô Hương chia sẻ.

Trong mỗi công việc đều có khó khăn riêng và từ thiện cũng vậy, do đó để huy động được cá nhân, đơn vị cùng đồng hành cần rõ ràng minh bạch từ đầu. Đến với hoạt động từ thiện từ thấu hiểu chia sẻ khó khăn của một người sinh ra trong gia đình nhà nông, điều kiện sinh hoạt, học tập thiếu thốn, làm từ thiện với thầy Phạm Thanh Tùng không để khoe khoang thành tích. Làm từ thiện giúp thầy vui hơn, có động lực tiếp tục cống hiến, giúp đỡ nhiều học trò hơn nữa…

Theo thầy Tùng, ở đâu cũng có học sinh cần hỗ trợ. Có lớp 35 học sinh do thầy Tùng chủ nhiệm thì có đến 17 em không có đủ bố mẹ hoặc thiếu cả bố lẫn mẹ; có em ở với ông bà từ nhỏ, thiếu sự quan tâm từ cha mẹ. Với người thầy, việc thiện có thể bằng chính chuyên môn, giúp các em tiến bộ trong học tập, tự tin với kiến thức; có thể lồng ghép giá trị thiện để dạy học trò trong từng giờ giảng. Và trong điều kiện có thể hỗ trợ các em nguồn lực vật chất để bớt thiệt thòi trong học tập…

Cô Phạm Thị Hoàng Oanh tâm sự: Bản thân cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đặc biệt giúp đỡ được những học trò của mình có điểm tựa trong học tập và cuộc sống. Các hoạt động từ thiện của bản thân diễn ra từ năm 2018 đến nay và luôn mong tiếp tục tham gia đến khi còn có thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ