Sinh ra với đôi mắt gần như mù bẩm sinh, nhưng gia đình khó khăn, ở trong bản xa xôi nên chưa một lần Vi Thiên Phú được đi khám thị lực, em vẫn cố gắng đến trường, nheo đôi mắt học chữ. Cho đến năm học 2024 - 2025, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hòa đã quyết tâm tìm lại ánh sáng cho cậu học trò nghèo.
Cậu học trò kỳ lạ
Năm học 2024 - 2025, cô Nguyễn Thị Hòa nhận nhiệm vụ dạy học tại điểm bản Khe Bu, Trường Tiểu học Châu Khê (Con Cuông, Nghệ An). Đây là điểm trường xa xôi, khó khăn nhất, cách trường chính hơn 20km đường đất đá, đèo dốc, với 100% học sinh dân tộc Thái, Đan Lai. Khi nhận chủ nhiệm lớp 4A, cô phát hiện cậu học trò tuy ngồi bàn đầu nhưng đôi mắt luôn nheo lại lúc nhìn lên bảng rồi cúi sát mặt xuống vở làm bài tập, chữ to chữ nhỏ xiêu vẹo. Quan sát lúc ra chơi, em cũng không hiếu động như các bạn, mà thường xuyên va vào bàn ghế, bị ngã khi chơi đùa.
Tìm hiểu từ giáo viên chủ nhiệm lớp trước thì được biết, em Vi Thiên Phú có thị lực kém, nhưng vẫn đến trường, học tập bình thường. Dạy học một thời gian, cô Hòa thấy “sốt ruột” khi Phú khó khăn để đọc và viết, tốc độ lúc nào cũng chậm hơn so với các bạn. Cô tìm gặp gia đình em ở bản Khe Nà trao đổi, nhắc nhở phụ huynh đưa con đi khám nhiều lần, nhưng chỉ nhận được câu trả lời né tránh của mẹ Phú: “Nhà nghèo quá, không có tiền đi khám, cũng không biết khám ở đâu”.
Thương cậu học trò nghèo, cô Hòa xin phép gia đình chở Phú về nhà ở thị trấn và đưa em đi khám. “Bác sĩ ở bệnh viện gọi tôi lại thảng thốt nói, Phú bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, thị lực một bên bằng 0, mắt còn lại 1/10, gần như là mù lòa. Ở phòng khám không đủ điều kiện và khả năng để điều trị, gia đình cần nhanh chóng đưa em đến bệnh viện tuyến cao hơn kiểm tra lại để can thiệp sớm, nếu không có thể chỉ thời gian ngắn nữa, em sẽ mù vĩnh viễn”, cô Hòa nhớ lại.
Nghe thông tin, nhìn câu học trò mới 10 tuổi, cô giáo rối bời không biết tiếp theo phải làm gì. Khi đưa Phú quay về bản, cô bất ngờ gặp em trai là Trung tá Nguyễn Việt Nguyên - Trưởng Công an xã Châu Khê ở cổng trường. Dù công tác cùng xã, nhưng mỗi người một nhiệm vụ, cô dạy điểm trường lẻ, em trai đặc thù nhiệm vụ bận rộn không thường xuyên gặp nhau. Lúc này, cô chỉ vào cậu học trò đang vô tư chơi bên cạnh và tâm sự về hoàn cảnh của Phú. Vị trưởng công an xã lúc đó lặng nhìn Vi Thiên Phú lúc lâu rồi bảo “em sẽ cố gắng nghĩ cách”.
Hôm sau, Trưởng Công an xã Châu Khê tổ chức hội ý với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và được mọi người đồng tình, nhất trí ủng hộ một phần kinh phí. Một người bạn của Trung tá Nguyễn Việt Nguyên - chủ một cơ sở kinh doanh tại thị trấn Con Cuông cũng đồng ý tài trợ kinh phí đưa Vi Thiên Phú xuống bệnh viện chuyên khoa mắt ở thành phố Vinh. Về phía cô Nguyễn Thị Hòa cũng kêu gọi các tấm lòng hảo tâm đồng hành đi tìm lại ánh sáng cho cậu học trò nghèo.

Hành trình tìm lại ánh sáng
Cuối tháng 3, khi vận động được khoản kinh phí nhất định, cô Nguyễn Thị Hòa cùng em trai đưa Vi Thiên Phú và mẹ em xuống Bệnh viện Mắt Sài Gòn ở thành phố Vinh (Nghệ An). Tại đây, em nhanh chóng được kiểm tra và kết quả không khác là bao so với lần khám ở tuyến huyện.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, trực tiếp khám cho em thông tin: “Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, một mắt thị lực bằng 0, mắt còn lại rất kém, tầm nhìn cả 2 mắt chưa đến một mét, trong tình trạng mờ nhòe. Phương án khả thi nhất là thay thủy tinh thể, nếu không thị lực bệnh nhân sẽ ngày càng yếu, thậm chí có thể dẫn tới mù hoàn toàn”.
Với tình trạng bệnh nặng, độ tuổi lại nhỏ, các bác sĩ báo cáo với lãnh đạo bệnh viện để xin ý kiến hội chẩn. Cô Nguyễn Thị Hòa chia sẻ, sau khi khám và đưa ra phương án can thiệp, dự kiến chi phí thay thủy tinh thể lên đến hơn 100 triệu đồng. Số tiền này gia đình em chắc chắn không thể lo liệu được và cũng vượt quá nhiều lần so với kinh phí mà cô giáo, nhà hảo tâm quyên góp trong thời gian qua.
“Tôi nhớ như in giám đốc bệnh viện tưởng tôi là mẹ của em và có hỏi “mẹ làm công việc gì mà để mắt con nặng như vậy mới đi khám”? Sau khi tôi trả lời và kể lại hoàn cảnh của Phú, bác giám đốc quyết định sẽ tài trợ toàn bộ chi phí thay thủy tinh thể tốt nhất và cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho Phú. Lúc đó, tôi bật khóc vì cuối cùng em đã có cơ hội nhìn lại ánh sáng và gánh nặng về kinh phí cứu mắt cho em được bác sĩ và bệnh viện giúp đỡ…”, cô Hòa xúc động kể.
Cuộc phẫu thuật đầu tiên diễn ra ngay trong ngày, với con mắt thị lực 0/10 của Vi Thiên Phú. Khi bác sĩ hỏi chọn một người giám hộ đi cùng vào phòng phẫu thuật để ký giấy tờ và hỗ trợ cần thiết, Phú không ngần ngại chọn cô giáo chủ nhiệm của mình. Còn lại, mọi người ở phía ngoài và theo dõi ca mổ qua màn hình lớn ở sảnh. Ca mổ diễn ra nhanh, khoảnh khắc cô giáo đẩy Phú ra ngoài, con mắt không nhìn thấy gì trước đây của em đã lờ mờ hình ảnh. Phú lao vào ôm mẹ, mọi người đều vỡ òa hạnh phúc.
Sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho học trò, cô Nguyễn Thị Hòa vội quay về lo liệu việc nhà, rồi sáng sớm hôm sau lại xuống TP Vinh, là người giám hộ đưa Phú đi phẫu thuật con mắt tiếp theo. Lần này, ca mổ thành công như dự kiến. Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, 10 năm khó khăn chật vật nhìn mọi thứ mờ ảo khép lại, cuộc đời Vi Thiên Phú đã mở ra đầy màu sắc tươi vui.

Người mẹ thứ hai của học trò nghèo
Chuyến xe ngược núi đưa Vi Thiên Phú quay về Con Cuông đầy ắp tiếng cười. Suốt chặng đường hơn 150km, em không hề chợp mắt mà mải mê nhìn mọi thứ xung quanh, đọc hết những biển hiệu quảng cáo lướt qua cửa kính. Còn chị Hà Thị Thu - mẹ của Phú cứ nhìn con rồi lại khóc.
“Tôi cứ ngỡ mình đang mơ, nếu không có sự giúp đỡ của cô giáo, mọi người thì không biết bao giờ con tôi mới nhìn được ánh sáng”. Cô giáo cho Vi Thiên Phú nghỉ học 2 tuần ở nhà để uống thuốc, nhỏ dung dịch rửa, bảo vệ mắt và cũng đề phòng em đi đến trường bụi bặm, chơi đùa với bạn bè xảy ra sự cố.
Giữa tháng 4, cậu học trò người Thái chính thức quay lại trường học, bạn bè ùa ra vây quanh Phú hỏi có biết tên từng người không. Nhìn những gương mặt vừa quen vừa lạ, Phú vui mừng trả lời, rồi chạy nhảy khắp nơi mà không còn bị vấp ngã. Cô giáo chuyển em từ bàn đầu xuống ngồi bàn thứ 3. “Phú chăm chú học bài, như muốn bù lại suốt thời gian mắt không nhìn rõ trước kia. Đôi mắt linh hoạt hơn, không còn ngơ ngác. Với đôi mắt sáng, tôi tin em sẽ nhanh chóng tiến bộ trong học tập”, cô Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hòa đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo ở trường học vùng cao huyện Con Cuông. Hoàn cảnh riêng của cô nhiều vất vả khi chồng mất sớm, một mình cô nuôi dạy hai con nhỏ. Nhưng cuộc sống khó khăn không làm cô nản lòng hay lơ là trách nhiệm với công việc. Ngược lại, cô càng đồng cảm, thương yêu sâu sắc với học trò khó khăn, thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ.
Vi Thiên Phú không phải trường hợp đầu tiên được cô Hòa giúp đỡ, mà trước đó cô đã kết nối hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh học sinh khác. Trong đó, ba chị em mồ côi Phùng Thị Phương Linh, Phùng Thị Khánh Huyền, Phùng Thị Phương Thảo là học trò cũ của cô, nhà ở nông trang 2/9, xã Châu Khê được hỗ trợ gửi xuống Làng trẻ em SOS Vinh. Đến nay, các em đã học lên THPT với thành tích tốt.
Ông Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Khê cho biết, cô giáo Nguyễn Thị Hòa đã gắn bó lâu năm ở trường, chuyên môn vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với trò. Đặc biệt, cô thường xuyên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kết nối các tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ cho các em.
Gần đây nhất, cô đã kết nối mạnh thường quân nhận đỡ đầu cho các em Viếng Thị Minh Khuê, La Văn Tuấn Kiệt (học sinh lớp 3, ở bản Châu Sơn) và Lô Tuấn Việt (học sinh lớp 5, ở bản Bủng Xát) đến năm 18 tuổi để các em không lo đứt gãy việc học. Với tình cảm, sự chăm lo dành cho học sinh, không chỉ nhà trường ghi nhận, mà cô Hòa còn được nhiều phụ huynh, bà con xã Châu Khê tin tưởng, yêu thương và quý trọng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn (Nghệ An) xúc động chia sẻ: “Ban đầu, tôi nghĩ cô giáo và anh công an là người nhà cháu, vì sự quan tâm, lo lắng của họ dành cho cháu quá đặc biệt. Khi nghe câu chuyện, tôi vừa thương cho hoàn cảnh của cháu, vừa cảm phục tấm lòng cô giáo dành cho học trò và quyết định tài trợ toàn bộ cuộc phẫu thuật cho Phú. Tôi mong góp 1 phần nhỏ vào quá trình tìm lại ánh sáng cho cháu. Khi cháu đọc được các dòng chữ đầu tiên sau ca mổ, chúng tôi đều vui mừng, vỡ òa hạnh phúc”.