Từ đứa trẻ thiếu cơm, đói sách… thành thầy giáo thiện nguyện

GD&TĐ - Trần Mạnh Hùng sinh ra trong hoàn cảnh thiếu cơm, đói sách đến mức muốn bỏ học. Nhưng anh đã trở thành thầy giáo dạy Văn vùng biên viễn và kết nối trái tim thiện nguyện trên khắp cả nước đến gần nhau hơn.

Thầy Hùng đại diện đi thăm mẹ của các gia đình có con là liệt sĩ. Ảnh: NVCC
Thầy Hùng đại diện đi thăm mẹ của các gia đình có con là liệt sĩ. Ảnh: NVCC

Thủ khoa bước ra từ “sỏi đá”

Hùng sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Minh Hóa, mảnh đất “cày lên sỏi đá” của tỉnh Quảng Bình. Lên bốn tuổi, Hùng đã thiếu thốn tình cảm của bố. Nhà nghèo, cơm chẳng đủ ăn, tiền mua sách vở không có, đã có lúc chàng trai trẻ muốn từ bỏ ước mơ trở thành thầy giáo. Nhìn bạn bè bỏ học vào thành phố kiếm sống, Hùng từng có ý định sẽ gấp quyển sách lại để đi kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng những bài học trên lớp cùng với câu nói “phải làm thầy giáo” đã giữ chân chàng trai trẻ ấy.

Cuối cùng, mười hai năm học sinh giỏi và tấm bằng đại học với danh hiệu thủ khoa là món quà chàng thanh niên tặng mẹ sau những tháng năm vất vả ngược xuôi.

Cho đến khi trở thành thầy giáo Trường PTDTBT TH&THCS Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) Hùng thấu hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn của học trò. Đây là nơi có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số như Khùa, Mày và Sách. Ở vùng biên viễn này, ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất còn là phong tục tập quán, là sự bất đồng ngôn ngữ.

“Nhìn khắp bốn bề toàn rừng, mây, núi, những con đường dốc đá, những ngôi nhà sàn đơn sơ, xiêu vẹo, tôi nhớ nhà vô cùng. Những học sinh của tôi, hầu hết đều có thân hình nhỏ bé, làn da đen sạm, mái tóc vàng khè vì cháy nắng khiến nỗi nhớ mẹ già, nhớ vợ và con thơ cũng dần vơi đi phần nào. Cho đến khi tôi hiểu, những gương mặt ngây ngô, ánh mắt trong trẻo kia là một phần trong cuộc đời dạy học của mình. Vì thế, mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần tôi thấy yêu công việc, vui và tự hào nhiều hơn”, Mạnh Hùng chia sẻ.

Thầy Trần Mạnh Hùng cắt tóc miễn phí cho trẻ em. Ảnh: NVCC
Thầy Trần Mạnh Hùng cắt tóc miễn phí cho trẻ em. Ảnh: NVCC

Trái tim kết nối những trái tim

Bắt nhịp với công việc mà mình hằng ao ước, những bài văn lại được truyền đi ngân vang trong lớp học giữ núi rừng. Để rồi những cái khoanh tay chào thầy thật to, những món quà Ngày Nhà giáo là bó rau rừng phụ huynh vừa hái là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với thầy giáo trẻ.

Chứng kiến nhiều gia đình cơm ăn chưa đủ no, một số em mặc chưa đủ ấm, Mạnh Hùng nhớ về tuổi thơ khó khăn của chính mình. Vào nghề bảy năm cũng chính là ngần ấy thời gian người thầy ấy bén duyên với công tác thiện nguyện. Hùng đã trở thành cầu nối để giúp đỡ những em học sinh vững tin hơn để đến trường.

Những ngày đầu, Hùng cùng nhóm bạn thân trích ít tiền lương của mình, mỗi tháng đến với hai ngôi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa để trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó. Mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng. Theo Hùng, mặc dù món quà nhỏ về vật chất nhưng đó là niềm động viên tinh thần lớn để những học sinh nghèo thêm động lực vươn lên.

Về sau, thông qua mạng xã hội Facebook, thầy giáo trẻ đã kết nối với các anh chị cùng chung sở thích thiện nguyện ở các nơi khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Những học sinh quá khó khăn, hoàn cảnh éo le, Mạnh Hùng lại đứng ra kêu gọi, quyên góp để giúp đỡ.

Cho đến nay, đã có hàng trăm em được nhận quà thông qua các hoạt động thiện nguyện của thầy giáo này đại diện trao tặng. “Tôi không nhớ được ngoài làm giáo viên, mình còn có bao nhiêu nghề phụ khác. Tôi đã từng cắt tóc miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ nơi đây. Tôi cũng không nhớ hết những luống rau đã trồng rồi đem tặng lại bà con. Tết đến xuân về, lại cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, nghèo mà ấm áp, vui tươi đến lạ.

Tôi chỉ hy vọng bản thân có thật nhiều sức khỏe, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh cũng như thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện. Một phần là mong muốn lan tỏa thông điệp sống ý nghĩa, giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau”, thầy Hùng nói.

Không chỉ có thiện nguyện, trong quá trình công tác, thầy Hùng cũng luôn cố gắng để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đổi mới phương pháp dạy học. Ghi nhận những nỗ lực ấy, sáu năm liền thầy Hùng đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận giấy khen của chủ tịch huyện, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác dạy và học.

Thầy giáo Trần Mạnh Hùng cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”. Bên cạnh đó là danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Ở miền biên viễn, thầy Hùng còn chăm lo, hướng dẫn học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật bốn năm liền đoạt giải cao cấp tỉnh. Đặc biệt, thầy vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021.

“Mỗi người đều có một lý do riêng để đến với nghề mà mình lựa chọn. Còn với tôi, khi bước chân vào nghề giáo, tôi đã tự nhủ, làm bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ trái tim, tình yêu và trách nhiệm. Những tháng ngày quây quần với học sinh và bà con dân tộc, tôi đã hiểu, nơi đây giúp tôi được sống những ngày ý nghĩa đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, những yêu thương và muôn vàn trách nhiệm trong công việc”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.