Ngọt ngào tuổi thơ

Ngọt ngào tuổi thơ
v
Giữa mưa bom bão đạn, lòng ham học của trò và tình yêu sư phạm của người thầy giúp lớp học luôn được duy trì

(GD&TĐ) - Ngày ấy, trường tôi phải sơ tán tại mảnh đất Làng Hang (xã Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai). Lớp học của tôi nằm trong một cánh đồng mía. Vì là chiến tranh, mấy lần phải chuyển lớp, việc học dở dang gián đoạn, nên chúng tôi phải học cả trong mùa hè để theo kịp chương trình.

1. Chủ nhiệm lớp vỡ lòng (tương đương với lớp một bây giờ) mà tôi theo học là thầy giáo Nguyễn Quang Phổ, quê Vĩnh Phú.

Tôi hơn chúng bạn là khi đến lớp, bố tôi đưa đi, gặp trực tiếp thầy giáo. Hôm gặp thầy, nhìn thầy Phổ với cặp mắt sâu, râu quai nón, tóc hơi xoăn ở mái trước, tôi rụt rè nép vào bố tôi, một phần vì sợ tướng mạo của thầy, một phần mới làm quen cái lớp học đặc biệt này. 

Buổi học đầu tiên thầy dạy tôi là bài học được chuyển giao từ cô Thông, cô giáo chủ nhiệm cũ. Tôi nhớ như in đó là bài: Em yêu Bác Hồ. Chúng tôi phải tập tô theo các chữ ấy. Hôm nào cũng vậy, khi hết buổi học là thầy lại thu vở về viết trước bằng nét chì, hôm sau lại phát cho chúng tôi tập tô.

Thầy Phổ dặn chúng tôi:

- Các em về phải bảo bố mẹ chuẩn bị cho đủ: Mỗi em một mũ rơm, một túi thuốc cấp cứu, một bình tông hoặc chai nước nóng để đi học. 

Sợ chúng tôi quên, thầy lại căn dặn:

- Ngày nào cũng phải đem theo, như vậy mới  được vào lớp.

Hình ảnh đến trường của chúng tôi thuở ấy trông đến ngộ: Một vai đeo cặp sách, một vai đeo bi đông và cả một túi chữ thập, đầu đội mũ rơm đến trường.

Lớp học của tôi lợp bằng lá mía. Cả cột và kèo đều làm bằng tre. Giá để mũ nón cũng làm bằng tre. Tôi rất thích chiếc mũ rơm, bởi lẽ: Chiếc mũ ấy tôi cùng bố tôi tết. Những vắt thừng bện vào nhau rất chặt. Quai mũ cũng bằng rơm. Mùi của rơm thơm đã theo tôi cả một chặng đường dài đến trường. Cái bình tông đựng đầy nước chè, nước vối cứ tòng teng trên vai. Thậm chí, có hôm đã về nhà rồi mà tôi vẫn đeo bình tông để đi ngủ. Thế đấy, tuổi thơ của tôi là vậy.

2.Kẻng vào lớp, khát nước quá, tôi lấy bình tông ra uống thì ôi thôi, nước đã không còn một giọt. Thằng Chèng bên cạnh thì thầm:

- Thằng Duy đã uống hết mất rồi, khi mày còn trong ruộng mía ấy...

- Ra chơi, tao cho nó một trận - Tôi hậm hực.

Giờ học tính sao mà lâu đến thế. Rồi cũng đến giờ ra chơi. Thằng Duy ra trước. Đợi nó ra khỏi lớp, chẳng nói chẳng rằng, tôi lừ lừ lấy bình tông cứ thế mà đập vào lưng nó. Chưa chạm, nó đã hét toáng lên. Tức mình, tôi vung tay đập mạnh cho bõ ghét. Bấy giờ nó khóc thật. Thầy Phổ vội vã đến gỡ tay tôi ra và quát:

- Giang! Hãy thả ra nào! 

Thầy không mắng tôi. Nhưng tôi chạy vào lớp và khóc. Tôi khóc cho hết nỗi giận dỗi. Hết giờ, thầy giáo đưa cho tôi bức thư và nói:

-Em hãy về đưa cho bố mẹ em cái giấy này.

Mọi lần, bố tôi hay đón tôi. Bởi bố tôi làm nông vụ nhà máy Đường Rượu Giấy Lào Cai. Công việc của bố tôi là thu mua mía tại các hợp tác xã trồng cây công nghiệp. Nhưng hôm ấy hình như ông bận họp. Tôi về một mình mà lòng vẫn ấm ức về bình tông nước chiều nay. Nhưng cái thư còn ở trong cặp sách của tôi, nhắc nhở tôi một điều chẳng lành.

Tôi móc cặp, tay giơ cao tờ giấy hướng về phía mặt trời. Thầy giáo viết cái gì nhỉ? Tôi nhíu mày dịch chữ, đoán già đoán non.  Hay là thầy lại nói với bố mình đã đánh bạn chiều nay, hay là thầy đuổi học mình cũng lên, hay là... Cứ thế, trên con đường đi biết bao câu hỏi hay là trong trí óc. Tôi mới vào học được hai tuần, dịch mãi không ra...

Chữ gì cứ rậm rịt như rừng thông trên nương, như cây lúa trên cung ruộng. Và tôi đã hình dung cái cảnh bố tôi cầm roi vụt. Hôm nay, mình bị ăn đòn cũng nên. Que roi của bố tôi vót trong tháng trước, nó nhỏ và dài, dắt trên mái nhà, trước cửa lối ra vào. Lúc rảnh rỗi, bố tôi lại đưa ra chuốt lại. Cứ nghĩ đến đây, tôi rùng mình, dùng dằng mãi cuối cùng đưa ra quyết định: Không đưa thư cho bố mình là tốt nhất.

Giờ thì đã về đến nhà. Nhà tôi đang có khách. Thấy bóng tôi, ông hạ giọng:

- Giang, con xuống bếp đun cho bố siêu nước.

Tôi dạ một tiếng và ngoan ngoãn nhóm lửa. Loáng một cái, nước đã reo. Cái thư của thầy Phổ vẫn cầm trên tay, phập phồng trong suy nghĩ. Và tôi liều một phen vứt luôn vào bếp.

Hôm sau, tôi đến lớp. Thầy Phổ hỏi tôi:

- Giang! Bố em đã đọc thư chưa?

Tôi dạ một tiếng và bật khóc:

- Thưa thầy! Bố em đã đọc thư của thầy rồi. Bố em bảo em đến xin lỗi thầy, lần sau em không đánh bạn nữa!

Tôi khóc to, khóc dài. Khóc hu hu. Thầy Phổ đến gần tôi và ngạc nhiên:

- Ô hay! Thư của thầy gửi bố em là xin ý kiến bố em có nên chuyển lớp đến địa điểm mới hay không? Và thầy muốn nhờ xưởng đường của bố em giúp chuyển.

Má tôi nóng bừng xấu hổ. Chỉ biết rằng đó không phải bức thư thông báo mình đã đánh bạn. Cả lớp cười toáng. Thằng Duy cười to nhất. Tôi  gằm mặt xuống bàn, mắt nhìn trân trân xuống đất.

Từ cái ngày ấy, thầy Phổ hay đến nhà tôi.. Những lúc thầy giáo đến nhà, tôi lén nhìn thầy khi tôi đưa siêu nước cho bố. Lúc thì áp sát tai vào vách nghe lỏm câu chuyện. Biết  thế là xấu, nhưng tôi vẫn cứ làm. Nào là chuyện trường, chuyện bàn ghế... thôi thì đủ thứ chuyện. tôi nghe bập bõm và thở phào vì không liên quan đến mình. Thế nên những lần sau, khi thầy Phổ đến nhà, tôi chào thầy và bỏ luôn chứng nghe trộm câu chuyện của người lớn, miệng huýt sáo vô tư.

3. Chúng tôi đã học được hai tháng. Bãi mía của hợp tác xã Đồng Tuyển đến thời kỳ thu hoạch. Những cây mía vừa chặt bó lại chụm đầu lại từng khu trông xa như cửa hầm chữ A. Từng chiếc xe quệt đã tập kết tại vườn.

Các bác xã viên chở mía cho phân xưởng đường bằng xe trâu. Xe quệt không có bánh, phần đế xe làm bằng thân gỗ lớn có đẽo phẳng ít ma sát. Chúng tôi, lũ học trò lớp vỡ lòng nhìn từng cây mía óng ả thèm đến rỏ nước miếng.

Thế rồi một hôm, thằng Chèng cùng thằng Tú đánh liều giẫm vào một cây mía trên xe. Bàn chân chúng ghì xuống đất. Chiếc xe chạy qua, cây mía được rút ra khỏi bó. Bọn trẻ chúng tôi xúm vào mà bẻ, đứa được đoạn dài, đứa được đoạn ngắn, cứ thế mà nhai nhồm nhoàm. Thầy Phổ đứng ở đầu lớp đưa mắt nhìn. Chúng tôi thì chẳng nghĩ ngợi điều gì mà coi đó là “chiến lợi phẩm” đã thu được.

Buổi học hôm nay, trên giá để mũ nón, bông băng thuốc đỏ lại có rất nhiều đoạn mía róc sẵn. Giờ ra chơi, thầy Phổ đem chia đều cho chúng tôi. Róc thêm đoạn nữa, thầy đi vào câu chuyện:

- Trời hôm nay nóng thật. Thầy đố các em để đỡ nóng ta nên làm thế nào?

Thằng Thình lớn nhất lớp, mắt nhìn, miệng nói oang oang:

- Thưa thầy, chỉ có tắm thôi ạ!

- Thưa thầy, chỉ uống nước cho đỡ khát thôi ạ!

- Các em đã nói đúng một phần. Theo thầy, nóng cần phải ăn mía. Bởi mía vừa ngọt, vừa mát, có thể giải nhiệt. Các em muốn ăn, thì cần phải xin. Các bác trồng mía đều là bố mẹ, anh chị của các em. Thầy lúc nãy cũng xin các bác ấy. Từ nay trở đi, các em không nên rút mía trên những chiếc xe quệt. Như vậy xấu lắm!

Chúng tôi cúi đầu nhận lỗi. Thằng Chèng, thằng Tú lấy tay che mặt.

Cái bàn tay ấy đã bao lần ôm ấp, chở che chúng tôi xuống hầm khi có tiếng kẻng hoặc chiếc loa phóng thanh báo động. Bàn tay gầy guộc, nổi gân xanh đã róc mía cho chúng tôi ăn. Lòng bao dung của thầy khi tôi mắc những lỗi lầm.

Đôi mắt thầy lúc nào cũng nhìn xa xăm thẳm sâu trong suy nghĩ của thế hệ học trò. Bây giờ, thầy đã đi xa, khu đất mà lớp học của chúng tôi tọa lạc trước kia, giờ đã là những mái nhà xây của khu dân cư mới. Chỉ có cây đa và cây gạo vẫn còn đó như nhắc nhở chúng tôi nhớ mãi những kỷ niệm tuổi ấu thơ.

Một lần trời chang chang nắng, giờ ra chơi chúng tôi luồn qua từng rãnh mía. Nhóm thì chơi trận giả, nhóm thì chơi chuyền chắt dưới bóng cây đa gần lớp. Tôi thuộc nhóm chơi trận giả. Chúng tôi luồn sâu trong từng vồng mía Tuy Hòa. Mía vàng óng từng gióng đan chúng tôi, chở che cho tôi bắn đoàng. 

Đỗ Văn Dinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ