Xét theo bán kính, ngôi sao lớn nhất hiện nay là UY Scuti, một thiên thể khổng lồ màu đỏ rực trong chòm sao Scutum. Nằm cách Trái Đất 9.500 năm ánh sáng, UY Scuti bao gồm hydro, heli và các nguyên tố nặng hơn tương tự thành phần hóa học của Mặt Trời. Tuy nhiên, ngôi sao này có đường kính lớn gấp 1.708 lần so với Mặt Trời.
Theo Epoch Times, đường kính của UY Scuti là gần 1,2 tỷ km, trong khi chiều dài chu vi là 7,5 tỷ km. Một người cần 950 năm để bay vòng quanh ngôi sao bằng máy bay thương mại. Thậm chí, ánh sáng phải mất 6 tiếng 55 phút để chuyển động quanh UY Scuti. Nếu thay thế Mặt Trời, bề mặt của UY Scuti sẽ nằm giữa quỹ đạo của sao Mộc và sao Thổ và Trái Đất sẽ bị ngôi sao nuốt chửng.
Với kích thước khổng lồ và trọng lượng gấp 20 - 40 lần Mặt Trời, UY Scuti có mật độ phân tử khí là 7×10⁻⁶ kg/m³, tức kém đặc hơn một tỷ lần so với nước. Về lý thuyết, nếu có thể đặt trong một bể nước đủ lớn, hành tinh này sẽ nổi lên.
UY Scuti có thể sở hữu kích thước lớn nhất vũ trụ nhưng không đứng đầu về khối lượng. Nhà vô địch xét theo khối lượng trong vũ trụ là ngôi sao R136a1, nằm trong Đám mây Magellan lớn, cách Trái Đất 165.000 năm ánh sáng.
Sao nặng nhất vũ trụ xét theo khối lượng là R136a1. Ảnh: Joannie Dennis. |
R136a1 cũng có khí quyển gồm hydro, heli và các nguyên tố nặng hơn. Bán kính của nó lớn gấp 35 lần Mặt Trời nhưng có khối lượng nhiều hơn gấp 265 lần. Theo các nhà khoa học, ngôi sao này đã mất đi khối lượng bằng 55 Mặt Trời trong 1,5 triệu năm tồn tại. R136a1 thuộc loại sao kém ổn định. Nó có khí quyển màu xanh dương và phát ra những cơn gió mặt trời siêu mạnh, di chuyển ở vận tốc 2.600 km/s.