Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT từ lớp 3 - 12. Là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp HS hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành, phát triển các năng lực chung, để sống, làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.

Trong giờ Ngoại ngữ của HS Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: Đức Chiêm
Trong giờ Ngoại ngữ của HS Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: Đức Chiêm

Kết cấu đa thành phần

Theo Chương trình GDPT môn Tiếng Anh Bộ GD&ĐT công bố, mục tiêu cơ bản của chương trình là giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của HS phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể là: HS kết thúc cấp tiểu học đạt bậc 1, HS kết thúc cấp THCS đạt bậc 2, HS kết thúc cấp THPT đạt bậc 3.

Nội dung dạy học trong Chương trình GDPT môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: Hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được qui định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.

Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp bậc 1, 2 và 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể:

Các nội dung dạy học ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp HS có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè,… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”;

Các nội dung dạy học ở bậc THCS cần đảm bảo giúp HS có khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”;

Các nội dung dạy học ở bậc THPT cần bảo đảm giúp HS có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.

Cần đáp ứng yêu cầu cơ bản về hạ tầng đảm bảo cho việc dạy và học Ngoại ngữ. Ảnh: Như Hùng
Cần đáp ứng yêu cầu cơ bản về hạ tầng đảm bảo cho việc dạy và học Ngoại ngữ. Ảnh: Như Hùng 

Chủ đạo là đường hướng giao tiếp

Về phương pháp GD, theo Chương trình đã được công bố, đường hướng chủ đạo trong Chương trình GDPT môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp. Đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của HS. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của HS.

Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm - sinh lý của HS ở các cấp học khác nhau, coi HS là những chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập. Giáo viên tạo cơ hội cho HS sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hằng ngày, dành thời gian cho HS tham gia vào các hoạt động giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc và viết. Giáo viên sử dụng tiếng Anh trong quá trình dạy học trên lớp và tạo cơ hội tối đa để HS sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học.

Chương trình GDPT môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 - 12 và tuân thủ các quy định trong Chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD&ĐT về thời lượng dạy học môn học. Ở cấp tiểu học, HS học 4 tiết/tuần; tổng số tiết học cho 3 khối lớp là 420 tiết. Cấp THCS, HS học 3 tiết/tuần; tổng số tiết học cho 4 khối lớp là 420 tiết. Cấp THPT, HS học 3 tiết/tuần; tổng số tiết học cho 3 khối lớp là 315 tiết. Tổng số tiết học của toàn bộ Chương trình là 1.155 tiết. 

Giáo viên sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS và điều kiện học tập ở địa phương, sử dụng hiệu quả các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình dạy học, hướng dẫn HS sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện học tập như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin và truyền thông... để nâng cao hiệu quả dạy học.

Về đánh giá kết quả giáo dục, việc đánh giá hoạt động học của HS phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp. Nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá cần bám sát mục tiêu dạy học, có tính đến những thay đổi trong mục tiêu từng cấp như cấp tiểu học ưu tiên vào nghe và nói, cấp THCS nhấn mạnh đến phối hợp giữa các kỹ năng và cấp THPT chú trọng đến cân bằng giữa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Hoạt động kiểm tra đánh giá cần được thực hiện theo hai hình thức: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp HS và giáo viên theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong chương trình.

Điều kiện thực hiện chương trình

Để thực hiện chương trình, cần đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt những yêu cầu theo quy định và có nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các cấp học. Cần đảm bảo điều kiện, môi trường học tập đa dạng, phong phú để HS có thể tham gia vào các hoạt động học tập, sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa.

Cụ thể, cần đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên phải được tập huấn đầy đủ để triển khai chương trình này. Đối với giáo viên đã đạt chuẩn nghiệp vụ, công tác bồi dưỡng giáo viên cần được tổ chức thường xuyên để thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học do chương trình quy định. Giáo viên cần được tập huấn về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học.

Giáo viên cũng cần được bồi dưỡng năng lực đánh giá sách giáo khoa, tài liệu dạy học nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra quy định cho mỗi cấp học. Các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh cần tham khảo Chương trình GDPT môn Tiếng Anh để đảm bảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu thực tế. Cần tạo điều kiện bồi dưỡng cho giáo viên về năng lực thiết kế các hoạt động đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ phù hợp, hỗ trợ HS phát triển năng lực giao tiếp theo các cấp độ của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Về cơ sở vật chất, cần bảo đảm các điều kiện tối thiểu về sách giáo khoa, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị theo quy định của Bộ GD&ĐT. Những trường có điều kiện cần nối mạng Internet, trang bị máy tính, màn hình và đầu chiếu, phần mềm dạy học Tiếng Anh; khuyến khích sử dụng thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ việc dạy học Tiếng Anh. Số lượng HS cho một lớp học không vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT.

Bài 3: 6 ngoại ngữ thứ 2 sau tiếng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...