Bước kết nối với Tiếng Anh một cách hệ thống
Là một trong những môn học có tính công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy; để sống và làm việc hiệu quả, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và 2 do Bộ GD&ĐT công bố được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chương trình là: Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp dạy học Tiếng Anh hiện đại; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh như hệ thống miêu tả ngôn ngữ và ngữ dụng học; phương pháp xây dựng chương trình môn Tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng HS xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
Chương trình giúp HS bước đầu có nhận thức đơn giản nhất về tiếng Anh, làm quen, khám phá và trải nghiệm để hình thành kỹ năng tiếng Anh theo các ngữ cảnh phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lý của lứa tuổi, giúp các em bớt bỡ ngỡ khi bắt đầu chính thức học Tiếng Anh từ lớp 3 và hình thành cho các em niềm yêu thích học tập môn học. Đây cũng là bước kết nối với tiếng Anh cho các em ở giai đoạn đầu cấp một cách hệ thống.
|
Tập trung vào 2 kỹ năng nghe và nói
Về nội dung, Chương trình được xây dựng để liên thông với chương trình Tiếng Anh lớp 3 - 12. Chương trình được xây dựng tập trung vào hai kỹ năng nghe và nói, sắp xếp theo mục tiêu năng lực giao tiếp và lựa chọn ngữ liệu, từ vựng tương ứng để phát triển năng lực giao tiếp tương ứng.
Nội dung GD bao gồm kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng ngôn ngữ. Trong đó, phần kiến thức ngôn ngữ bao gồm 3 thành tố. Thành tố thứ nhất là ngữ âm: Bao gồm một số âm cơ bản (nguyên âm, phụ âm đứng đầu và cuối của từ), tên các chữ cái trong bảng chữ cái trong chương trình học), từ vựng và cấu trúc. Thành tố từ vựng: Bao gồm từ và cụm từ đơn giản, chỉ các khái niệm, sự vật, hiện tượng cụ thể gắn với các tình huống và chủ đề quen thuộc với cuộc sống các em; số lượng từ cần làm quen khoảng 70 - 140 từ. Thành tố cấu trúc: Bao gồm một số cấu trúc đơn giản hay sử dụng trong tình huống giao tiếp quen thuộc.
Phần kỹ năng ngôn ngữ bao gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kỹ năng nghe bao gồm nghe hiểu và hồi đáp phi ngôn ngữ hoặc câu trả lời đơn giản, có thể chỉ ở cấp độ từ, trong các hội thoại giao tiếp đơn giản trong lớp học và trong các tình huống hoặc chủ đề đơn giản đã học. Nghe hiểu và thực hiện theo các chỉ dẫn đơn giản bằng tiếng Anh trong lớp học. Nghe hiểu từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của HS trong ngữ cảnh và chủ đề quen thuộc (trong phạm vi vốn từ khoảng 70 - 140 từ).
Chương trình được thiết kế và phân bổ cho 140 tiết học trong 4 học kì (2 kì của lớp 1 và 2 kì của lớp 2); được thiết kế với thời lượng 2 tiết/tuần. Nội dung Chương trình và mục tiêu dạy học được lựa chọn và sắp xếp dựa theo mục tiêu năng lực giao tiếp. Việc kiểm tra đánh giá được lồng ghép vào các hoạt động trên lớp.
Kỹ năng nói: Trả lời đơn giản trong các tình huống hỏi đáp trong phạm vi chủ đề quen thuộc. HS tham gia vào các hoạt động, trò chơi trên lớp và bước đầu có thể đưa ra một số chỉ dẫn. HS nghe và nhắc lại các cụm từ, câu đơn giản, bài vè, bài hát phù hợp với với lứa tuổi trong nội dung bài học. HS nói các từ quen thuộc, cụ thể và đơn giản trong ngữ cảnh.
Kỹ năng đọc: Đọc các từ, câu đơn giản có tranh minh hoạ. HS nghe và đọc theo, nhận biết từ và hiểu nghĩa của từ trong chủ đề đã học;
Kỹ năng viết: Tô chữ, viết lại từ, hoàn thành từ trong ngữ cảnh cụ thể.
Về hệ thống chủ đề, Chương trình khai thác các chủ đề quen thuộc với cuộc sống của HS, ví dụ: Màu sắc, động vật, đồ chơi, trường học, gia đình, hoạt động hàng ngày, hoạt động trong lớp học...
Lưu ý phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá
Về phương pháp giáo dục, đường hướng dạy học chủ đạo trong Chương trình làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 là đường hướng giao tiếp. Đường hướng này có thể sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật giảng dạy khác nhau, nhưng đều nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của HS. Ngoài ra, các phương pháp và hoạt động dạy học cũng chú trọng đến quá trình tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên của HS ở lứa tuổi này. Một số định hướng và cách tiếp cận chủ đạo trong phương pháp dạy học bao gồm: Tạo môi trường thân thiện, tự nhiên và khuyến khích hồi đáp phi ngôn ngữ.
Trong chương trình này, giáo viên là người tổ chức và hướng dẫn hoạt động dạy học. Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm - sinh lý của HS đầu cấp tiểu học và cách tiếp cận chủ đạo trong giảng dạy Tiếng Anh ở giai đoạn này. Giáo viên nên sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS và điều kiện dạy học cụ thể. Việc sử dụng phối hợp các tình huống, trò chơi hoặc bài hát kèm hành động, bài vè, sách truyện rất đơn giản bằng Tiếng Anh, dễ nhớ, gần gũi với lứa tuổi lớp 1 và lớp 2 luôn được khuyến khích.
Một yếu tố quan trọng của Chương trình là kiểm tra đánh giá. Theo Ban soạn thảo, kiểm tra đánh giá cần được lồng ghép trong các hoạt động dạy - học với mục đích giúp HS yêu thích môn Tiếng Anh và thúc đẩy chất lượng dạy và học. Với mục đích cho HS làm quen tiếng Anh, các hình thức kiểm tra, đánh giá cần nhẹ nhàng, thân thiện, được tiến hành ngày trong các hoạt động học tập của học sinh. Kiểm tra đánh giá có thể thông qua các bài hát, trò chơi, giúp tìm ra những khó khăn và đề xuất hướng khắc phục thông qua các hoạt động trên lớp.
Điều kiện thực hiện chương trình
Ban soạn thảo đưa ra những điều kiện thực hiện chương trình, về giáo viên, cơ sở vật chất, điều kiện về kế hoạch dạy học, điều kiện về nội dung và hình thức dạy học.
Cụ thể, giáo viên phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên tham gia giảng dạy Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2. Đồng thời, giáo viên phải có năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm phù hợp, có hiểu biết về Chương trình và người học ở lứa tuổi này. Giáo viên và cán bộ quản lí cần được bồi dưỡng và tập huấn định kì về chương trình, tài liệu và cách thức tổ chức triển khai, giám sát.
Các trường triển khai Chương trình phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng cho HS đầu cấp tiểu học. Các phòng học có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc dạy và học Chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ở các nơi có điều kiện, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị đa phương tiện như máy chiếu, ti vi, bảng thông minh, máy tính có kết nối Internet.
Khi triển khai Chương trình Làm quen Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2, đơn vị quản lí GD xây dựng hướng dẫn triển khai dạy học Tiếng Anh cấp tiểu học cho từng năm học trong đó có các hướng dẫn cơ bản về dạy học Tiếng Anh lớp 1, lớp 2; bao gồm các yêu cầu về chương trình, tài liệu, thời lượng, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, chế độ cho giáo viên, tình nguyện viên, giám sát, các quy định về kiểm tra đánh giá, đảm bảo tính liên thông, liên tục, hiệu quả, đảm bảo thực hiện các mục tiêu giáo dục và nhiệm vụ giáo dục của địa phương. Việc lựa chọn tài liệu dạy học được thực hiện dựa trên các quy định của Bộ GD&ĐT để phù hợp với điều kiện và kế hoạch triển khai của địa phương.
Nội dung và hình thức dạy học phải phù hợp với lứa tuổi, được thực hiện thông qua các hoạt động ngôn ngữ vui vẻ, nhẹ nhàng như trò chơi, bài vè, bài hát, ghép tranh ảnh, tô màu, đố vui, diễn kịch, xem phim hoạt hình để tạo niềm vui, hứng thú cho HS. Trong quá trình phát triển năng lực giao tiếp cho HS, cần ưu tiên phát triển kĩ năng nghe hiểu trên nền tảng ngữ âm tốt.
Bài 2: Những điểm đáng chú ý