Bởi khi các em ra sân, các em không còn là một cá nhân chơi bóng, mà là một tập thể, một đội quân chiến đấu mang màu cờ áo của Tổ quốc - đồng nghĩa với việc mang trách nhiệm đầy vinh quang nhưng cũng vô cùng nặng nề.
Đúng 7h15 phút tối ngày 30/1, máy bay chở các cầu thủ Công Phượng, Xuân Mạnh và Văn Đức đáp xuống sân bay Vinh. Trước đó, hàng nghìn cổ động viên đã có mặt, với cờ, băng-rôn, trống, kèn vây kín các ngả đường để mừng đón những người hùng trở về quê hương. Ai cũng mong muốn được tận mắt nhìn thấy cầu thủ U23 quê nhà đã góp phần giành chiếc cúp bạc AFC Cup 2018, làm nên lịch sử bóng đá của Việt Nam.
Chạm đến trái tim hàng triệu người
Tôi có đứa em, năm nay đang học lớp 10, nó háo hức lắm khi biết tin Nghệ An sẽ tổ chức đón các cầu thủ quê xứ Nghệ trở về. Nhưng vướng lịch học nên không tham gia cùng các cổ động viên khác ra sân bay Vinh được, và dặn tôi: Chị nhất định phải đi đón các anh ấy, rồi chụp ảnh về cho em xem nữa.
Nó bảo: Từ nhỏ đến giờ, em mới xem có 2 trận bóng đá, là trận bán kết và chung kết AFC Cup vừa rồi. Trong đó, trận bán kết thì vừa xem vừa… giặt quần áo. Em chẳng hiểu phạt trực tiếp là gì, như thế nào là việt vị, tại sao lại có hiệp phụ và đá luân lưu.
Trong sân, em chỉ biết thủ môn là bắt bóng, 10 cầu thủ còn lại là đá bóng, còn chẳng hiểu tiền đạo, tiền – trung – hậu vệ là cái gì. Vậy mà hôm đá chung kết em đã theo dõi hết 120 phút, và khóc chị ạ. Em thấy tiếc quá. Em không biết tại sao mình lại có những cảm xúc đó. Rồi nó kể tiếp: “Chị không biết đâu, hôm cả nhà em xem bóng đá, thấy ở Trung Quốc tuyết rơi dày, các cầu thủ mặt đỏ lên vì lạnh, bố em cứ đứng ngồi không yên, vì thương. Cuối cùng, bố đi mở hết các cửa trong nhà ra cho gió lùa vào, nói là để chia sẻ cái lạnh với các cầu thủ Việt Nam. Kết thúc trận đấu, ta bị thua ở những giây cuối cùng, không giành được cúp vô địch, bố em buồn, mất ngủ suốt cả đêm, dù biết là Việt Nam vào đế chung kết đã là kỳ tích lắm rồi”.
Tôi đoán rằng, sẽ có rất nhiều người như đứa em tôi, đến tận gần đây mới chỉ xem 1 vài trận bóng đá, nhưng đã cùng khóc, cười và hét đến khản đặc cả giọng vì các cầu thủ trẻ. Và tôi cũng biết chắc rằng, có rất nhiều cổ động viên, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ khác, trung thành, lâu năm như bố của em.
Mỗi người có một cách, cuồng nhiệt hay thầm lặng để cổ vũ đội tuyển nước nhà. Nhiều năm qua, có thể họ đã từng thất vọng về một giải đấu tệ nào đó, đã từng tức giận với một vài trường hợp cá độ, nhưng chưa từng quay lưng với bóng đá và trước mỗi giải đấu vẫn không thôi hi vọng. Để đến khi những cầu thủ trẻ ra sân, đã chiến đấu hết mình, vì màu cờ sắc áo, đã chơi đẹp, đã chiến thắng một cách xứng đáng và đầy tự hào, thì tất cả những người hâm mộ đều tôn vinh đội tuyển chúng ta là những nhà vô địch.
Điều đọng lại sau mỗi giải đấu, không chỉ là kỹ thuật, tài năng bóng đá, mà còn ở cách hành xử với đội bạn trên sân, sự đoàn kết, yêu thương, quan tâm đến nhau của một tập thể, là những nỗ lực cố gắng quên mình, là cái đặt tay lên ngực trái, là cờ Tổ quốc màu đỏ sao vàng được cắm lên tuyết trắng.
Có lẽ, đó là điều người hâm mộ mong chờ bấy lâu, và cũng chính là điều đã khơi dậy, truyền cảm hứng cho hàng triệu người hôm nay. Bởi chúng ta không chỉ tự hào về một đội bóng, mà tự hào về một tập thể đại diện cho đất nước, để lại dấu ấn hình ảnh của đất nước trên đấu trường quốc tế…
Sức nặng ngoài quả bóng
Nhưng đôi khi, niềm tự hào, kỳ vọng, trở thành tham vọng khiến xã hội đặt lên vai các cầu thủ quá nhiều trọng trách, với những câu chuyện bên lề chẳng liên quan đến bóng đá.
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, khi cái tên Công Phượng nổi lên như một cầu thủ xuất sắc, được tung hô như một người hùng thì cũng lúc đó cơn bão của dư luận, thị phi đổ xuống đầu cầu thủ trẻ. Cơn bão đó còn về tới tận quê nhà Đô Lương Nghệ An.
Tôi nhớ, người mẹ nông dân vốn hiền lành, chân chất của em ngày ấy đã giật mình và đôi mắt chứa sự hoài nghi,đề phòng khi có bất cứ người lạ nào hỏi thăm. Đến khi câu chuyện cởi mở hơn, mẹ em đã khóc, khi kể gọi điện thoại cho con mà không dám nhắc gì đến việc người ta về quay phim, phỏng vấn, xét hỏi về năm bà sinh đứa con trai út.
Lúc ấy, chính em đã động viên ngược lại gia đình, đừng lo gì cả, con không sao hết. Đứng giữa tâm bão, người ta thấy em giữ im lặng không nói gì. Kể từ lúc đó đến nay, em vẫn cố gắng, say mê bóng đá, với những mục tiêu lên tuyển, cùng đồng đội giành các cup vô địch ở các giải đấu. Không giải thích, không trách cứ, không tranh luận với truyền thông. Khá lạnh lùng trên sân và vẫn thật thà, chất phác ngoài đời.
Cho đến giờ, vẫn nhiều người nói Công Phượng chỉ là một sản phẩm truyền thông với hình ảnh được xây dựng vượt xa hơn thực lực trên sân. Cũng có không ít ý kiến nói ngược lại, em là nạn nhân của truyền thông chịu đủ áp lực để chỉ cần nhắc đến tên thôi, đã đã gợi sự chú ý, tranh cãi. Và đáp lại, Công Phượng vẫn thế, giữ im lặng, trả lời những điều cần trả lời, chỉ về bóng đá. Những câu chuyện cá nhân, đời từ, em xin phép giữ cho mình.
Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, đội trưởng Xuân Trường của đội tuyển U23 Việt Nam cũng từng chia sẻ về việc các cầu thủ sau mỗi giải đấu sẽ là tâm điểm chú ý, phỏng vấn, phân tích, bình luận của báo giới, em nói rằng: Đó là việc mà truyền thông, báo chí phải làm, còn chúng em cũng có việc của mình và tập trung vào bóng đá.
Nhìn từ cách ứng xử với truyền thông, tôi cảm thấy dường như lớp của các cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam đã trưởng thành lên rất nhiều. Các em biết phải làm gì, nói gì, hành động gì sau chiến thắng hoặc thất bại. Nhưng không có nghĩa sức nặng của dư luận giảm đi.
Tôi từng gặp HLV Hữu Thắng, khi ông đang là người cầm quân đội tuyển quốc gia Việt Nam. Từ một cầu thủ của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam cùng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Quang Hà… rồi đến khi trở thành huấn luyện viên, những gì mà ông đã trải qua cùng quả bóng tròn khó mà kể hết.
Lúc ấy, HLV Hữu Thắng đã nói: Nghiệp bóng đá, vinh quang và nỗi buồn rất gần nhau, có lúc lên tận mây xanh, có lúc ở tận đáy cùng. Là con người, không ai vẹn toàn, nhưng là cầu thủ, là HLV thì chúng tôi cũng trở thành người của công chúng. Rất nhiều người yêu thương mình, quý trọng mình, nhưng cũng có người ghét mình. Đó là điều không tránh khỏi mà mình phải chấp nhận.
Giữ bản lĩnh và tiếp tục chiến đấu
Những ngày vừa qua, các cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam đang ở giữa vòng vây chào đón của người hâm mộ khắp cả nước, trên mỗi con đường, ngõ phố. Với vinh quang và sự tán dương cao nhất từ trước đến nay.
Rồi đây, là khoảng thời gian ngắn các em được nghỉ ngơi bên gia đình người thân. Những cuồng nhiệt sẽ nguội dần, nhạt bớt. Mọi người vẫn sẽ nhắc về một thành tích đi vào lịch sử bóng đá, nhưng đám đông sẽ tản ra ai làm việc nấy, trở về cuộc sống thường ngày. Các em cũng trở về với CLB của mình với những mùa giải phía trước. Như một con sóng đã lùi xa bờ. Nhưng mỗi khi trận bóng bắt đầu, thì tất cả mọi sự chú ý lại ào lên.
Dù là lời tung hô, hay chê bai, chỉ trích, các em đã hiểu đó là một phần tất yếu của bóng đá. Mong rằng, các em giữ được sự bản lĩnh trong suốt sự nghiệp của mình, biết cách gạt bỏ hết tất cả mọi thị phi ngoài sân cỏ. Để khi bước vào trận đấu, điều các em giữ lại là một bản ngã vững vàng với quả bóng, một khối đoàn kết, một màu cờ. Và hãy tin một điều chắc chắn rằng sau tất cả, dù thắng hay thua, người hâm mộ luôn có một niềm tin, và sự cổ vũ hết lòng với một tập thể chơi bóng đẹp, trong sáng, hết mình.
Cầu thủ Xuân Mạnh bên gia đình, em được mọi người nhận xét là cậu bé nhanh nhẹn, hiền lành và lễ phép |
Công Phượng – cầu thủ chọn cách im lặng giữa bão truyền thông |
Những người hâm mộ chào đón nồng nhiệt các cầu thủ U23 về nước sau khi đạt á quân AFC cup 2018 |
Nghiệp cầu thủ, vinh quang, chiến thắng và nỗi buồn rất gần nhau |