Nghịch lý tuyển sinh đầu cấp

GD&TĐ - Tuyển sinh đầu cấp tại mỗi địa phương với đặc thù khác nhau đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi chính quyền mau chóng vào cuộc.

Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Học sinh không muốn thi vào lớp 10

“Những năm gần đây, tình trạng nhiều học sinh lớp 9 e ngại đăng ký thi vào lớp 10 THPT dù việc tư vấn, định hướng đăng ký thi THPT cho học trò được giáo viên triển khai hàng tuần. Thực tế cho thấy, có học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên có tâm lý không muốn học 3 năm THPT, ngoài ra các em chọn học nghề…”, thầy Nguyễn Duy Thủy thông tin.

Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT-THCS Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có 123 học sinh khối 9. Thời điểm này, công tác đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT của nhà trường đã hoàn tất và chốt danh sách. Thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng - cho biết, mặc dù có 123 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có 40 em đăng ký thi vào lớp 10, THPT công lập. Số còn lại, có nguyện vọng đăng ký đi học trường trung cấp, cao đẳng nghề.

Tại Trường PTDTBT-THCS Mường Lý, cũng xuất hiện tình trạng học sinh lớp 9 “ngại” đăng ký thi vào lớp 10, THPT hệ công lập. Thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng - cho biết, do đặc thù học sinh chủ yếu là con, em đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn, nên tâm lý không muốn học lên tiếp chỉ muốn đi làm. Năm nay trường có 82 học sinh khối lớp 9, nhưng đến lúc này chỉ có 16 hồ sơ đăng ký thi vào lớp 10 THPT hệ công lập. Còn 66 học sinh có nguyện vọng đăng ký đi học nghề.

“Theo quy định mới, học sinh lớp 9 vào học ở các trường trung cấp nghề hay cao đẳng nghề thì phải học 3 năm thay vì 2 năm như trước đây. Vì vậy, khi nhà trường tư vấn, định hướng nghề nghiệp để phân luồng học sinh, các thầy cô đã tuyên truyền kỹ về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều em không muốn thi vào lớp 10 mà chỉ muốn đi học nghề”, thầy Xuân chia sẻ.

Tại Trường THCS Trung Sơn (huyện Quan Hóa), tình trạng trên cũng diễn ra vài năm trở lại đây. Thầy Trương Đức Văn – Hiệu trưởng - trao đổi: Năm học này trường có 50 học sinh lớp 9 thì có 24 em nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 còn lại đăng ký học nghề.

“Nếu tính theo tỷ lệ phân luồng, thì học sinh Trường THCS Trung Sơn cũng chiếm trên 85% vào học THPT công lập và đi học trường nghề. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ học sinh vào THPT, thì mới chỉ đạt gần 50%. Hiện nay, xã Trung Sơn không thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (chỉ còn vài thôn, bản) nên tâm lý học sinh không muốn học THPT công lập bởi các em không còn được hỗ trợ gạo, tiền ăn và chi phí học tập như trước nên chuyển hướng đi học nghề. Sau 3 năm học, các em vừa có bằng nghề, vừa có bằng văn hóa”, thầy Văn chia sẻ.

Học sinh lớp 9, Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. Ảnh: Thế Lượng

Học sinh lớp 9, Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. Ảnh: Thế Lượng

Nhiều trường THPT thiếu chỉ tiêu

Là trường THPT ở huyện vùng cao, biên giới nhưng nhiều năm nay, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) tuyển sinh vào lớp 10 khá “chật vật” vì số lượng học sinh đăng ký dự thi thấp. So sánh với các trường huyện miền xuôi hoặc thành thị, thì tỷ lệ “chọi” của các thí sinh dự thi vào đầu cấp quá thấp.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng - cho biết: Năm học 2023 - 2024, nhà trường được Sở GD&ĐT giao tuyển sinh 6 lớp 10, với 252 học sinh. Tuy nhiên, chốt danh sách đăng ký dự thi lớp 10, thì chỉ có 257 hồ sơ. Như vậy, nếu tính cơ học thì kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới nhà trường chỉ phải loại khoảng 5 học sinh. Vì thế, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ không cao hơn so với năm học trước được.

Thầy Tạ Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Quan Sơn - cho hay, chỉ tiêu được giao của nhà trường năm nay là 126 học sinh/3 lớp. Trong khi đó, chỉ có 118 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Ngoài ra, 11 học sinh diện tuyển thẳng, 2 học sinh khuyết tật. “Nếu không có số học sinh tuyển thẳng, khuyết tật và thi trường THPT dân tộc nội trú tỉnh không đậu trở về, thì nhà trường sẽ không đủ chỉ tiêu học sinh lớp 10 năm học tới. Vì vậy, dự kiến nhà trường chỉ phải loại ra vài học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay”, thầy Việt chia sẻ.

Thầy Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa - chia sẻ: Nếu số học sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh không đỗ, trở về để đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Quan Hóa, ước chừng không quá 20 em. Như vậy, tính tổng nhà trường chỉ có khoảng 300 hồ sơ vào lớp 10. Sau khi kết thúc kỳ thi, nhà trường sẽ tổng hợp và báo cáo về Sở GD&ĐT để xin giảm xuống còn 7 lớp. Sở sẽ duyệt lại chỉ tiêu năm học.

Tại Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa), tình trạng thiếu hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 cũng tương tự như các trường ở huyện Quan Sơn. Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng - trao đổi: “Nếu sau khi số học sinh dự thi vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh không đậu, các em quay về đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Mường Lát. Như vậy, dự kiến kỳ thi này nhà trường sẽ chỉ loại vài chục học sinh”.

Đặc biệt hơn, ở huyện Quan Hóa, cả hai trường THPT đều thiếu hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 và nhà trường dự kiến phải giảm số lượng lớp học xuống so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Giải quyết thiếu phòng học

Nếu việc tuyển sinh đầu cấp đối với các trường thuộc huyện miền núi Thanh Hóa đang trong cảnh tuyển sinh không đủ thì một số trường thuộc thành phố Đà Nẵng lại quá tải dẫn tới các cấp phải nỗ lực trong việc điều tiết và lo đủ phòng, lớp học.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu - cho biết: “Qua rà soát số liệu từ các địa phương để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, cho thấy tình trạng trường lớp ở cấp tiểu học khá căng. Số học sinh lớp 5 ra trường ít hơn nhiều so với số học sinh lớp 1 tuyển mới của các trường.

Căng thẳng nhất tại phường Hòa Khánh Bắc có khoảng 890 học sinh vào lớp 1 nhưng trên địa bàn chỉ có 2 trường tiểu học và tiếp nhận chưa đến 500 em. Trong đó, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên chỉ nhận được 247 em và Âu Cơ là 276 em. Số học sinh còn lại, Phòng GD&ĐT phải chọn giải pháp điều tiết, bố trí sang học ở các trường thuộc những phường giáp ranh”.

Để tránh việc tuyển sinh đầu cấp không trở thành “điểm nóng”, trên nguyên tắc đảm bảo chỗ học cho học sinh, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, việc điều tiết học sinh sẽ theo hướng liên cư, liên địa.

Phân luồng như vậy, theo ông Nguyễn Thanh Lịch học sinh sẽ đi học quãng đường ngắn nhất, hạn chế tối đa việc di chuyển qua đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam. Nếu tuyển sinh đúng tuyến, sẽ có tình trạng phụ huynh phải di chuyển từ đầu phường đến cuối phường để đưa con đi học. Vì vậy, hộ khẩu chỉ là một yếu tố tham khảo trong tuyển sinh.

Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) năm học tới sẽ “gánh” việc tuyển sinh lớp 1 cho 20 tổ dân phố thuộc địa bàn tuyển sinh Trường Tiểu học Điện Biên Phủ. Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê - cho biết: “Nhờ điều tiết tuyển sinh giữa 2 phường mà Trường Tiểu học Điện Biên Phủ giảm được sĩ số học sinh/lớp, từ 42 - 45 em/lớp xuống còn 35 - 37 em”.

Năm học 2023 - 2024, quận Liên Chiểu thiếu 18 phòng học. Đó là tính cả các phòng học đang phải tận dụng các phòng chức năng, hội trường... để học sinh học tập. Ngoài giải pháp điều tiết tuyển sinh, các trường tiểu học ở Liên Chiểu sẽ ưu tiên tối đa phòng ốc để bố trí phòng học. Ở một số trường tiểu học, sẽ phải ngăn các sảnh chơi của học sinh để làm phòng học. Như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, dự kiến sẽ phải có 3 phòng học được ngăn từ sảnh chơi của học sinh.

Ông Nguyễn Thanh Lịch thông tin: “Nếu không xây mới thêm trường học thì đến năm học 2024 - 2025, khi Chương trình GDPT 2018 triển khai đến lớp 5, sẽ không thể đảm bảo mục tiêu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, không có phòng để nhận hết học sinh đầu cấp”.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng - cho biết “Qua giám sát của HĐND thành phố về thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp trên địa bàn cho thấy, ở các quận, huyện khác đều bảo đảm 100% số học sinh học 2 buổi/ngày, chỉ riêng quận Liên Chiểu do dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến tình trạng quá tải số lượng học sinh đến lớp. Trong khi đó, hiện quỹ đất mở rộng trường, xây mới trường của quận Liên Chiểu khó khăn bởi nhiều trường diện tích đất không lớn, lại nằm sát nhà dân, không mở rộng được…”.

“Hiện, UBND quận Liên Chiểu đã có kế hoạch xây dựng Trường liên cấp 1 và 2 trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc với diện tích gần 19.000m², tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng… Chỉ xây thêm trường học mới có thể giải quyết rốt ráo bài toán trường – lớp ở địa bàn quận...”, ông Lê Văn Nghĩa trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

cách để trúng tuyển mùa tuyển sinh đại học 2024