Không để xảy ra hiện tượng quá tải
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 Trung tâm GDNN-GDTX với gần 2,2 triệu học sinh. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, mạng lưới trường học đã cơ bản đáp ứng được mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất 1 trường công lập, bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, năm nào Hà Nội cũng phải đối mặt với việc tăng dân số cơ học, kéo theo sự gia tăng về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh. Thống kê từ các quận, huyện, thị xã cho thấy, năm học 2023-2024, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm học 2022-2023.
Đặc biệt, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với gần 39.000 em; học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Tình trạng gia tăng diễn ra cục bộ ở những địa bàn đông dân cư, nơi có nhiều khu đô thị hoặc khu công nghiệp.
Số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng khiến một số trường ở khu vực các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy... có sĩ số trên dưới 50 học sinh/lớp, thậm chí có lớp 60 học sinh/lớp. Đây là bài toán khó đối với ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2023-2024.
Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 vẫn được thành phố Hà Nội tuyển sinh theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Phòng GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh căn cứ số liệu điều tra về số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện dạy học ở từng nhà trường.
Giải pháp này cũng tránh được tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, có trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo.
Việc phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của từng trường, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh; chỉ tiêu (số lớp, số học sinh/lớp, số lớp được học 2 buổi/ngày) phải phù hợp với số phòng học của nhà trường, trong đó phải dành ưu tiên cho các phòng phục vụ học tập và phòng học 2 buổi/ngày.
Các trường có số lớp quá cao cũng được yêu cầu hạn chế học sinh trái tuyến. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã; báo cáo Sở GD&ĐT, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. |
Hỗ trợ tối đa cha mẹ học sinh
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bên cạnh việc tham mưu UBND cấp quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp, các Phòng GD&ĐT cần có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải.
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2023-2024 của Sở GD&ĐT Hà Nội, bên cạnh các quy định về phân tuyến tuyển sinh, đối với các khu đô thị mới chưa có trường học, Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã để có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh, thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn.
Đồng thời, quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập.
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện các thủ tục xác minh thông tin cư trú trong công tác tuyển sinh. Thực tế, vào cuối tháng 3/2023, tại địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) đã xuất hiện tình trạng phụ huynh phải đến cơ quan Công an xin giấy xác nhận cư trú cho con chuyển cấp, thậm chí có người đi 3 lần vẫn chưa được cấp giấy xác nhận.
Nhằm giúp các nhà trường chủ động hơn trong công tác tuyển sinh, bảo đảm tiếp nhận đúng đối tượng, tránh tình trạng quá tải ở một số trường cũng như giảm phiền hà cho phụ huynh, Sở GD&ĐT Hà Nội kịp thời có hướng dẫn về các giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 năm học 2023-2024. Theo đó, cha mẹ học sinh không phải cung cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ tự kê khai các thông tin cư trú của học sinh gồm: mã định danh, nơi thường trú, nơi cư trú. Sau đó, nhà trường tập hợp danh sách các học sinh cần phải xác minh thông tin cư trú, chủ động phối hợp với Công an cấp xã trên địa bàn để rà soát, xác thực.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, các trường đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID (của bố hoặc mẹ hoặc thành viên hộ gia đình có học sinh) để cung cấp thông tin cư trú cho học sinh; không yêu cầu cha mẹ học sinh phải cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú hoặc giấy thông báo mã định danh cá nhân của học sinh.
Công an thành phố Hà Nội cho biết sẵn sàng hỗ trợ các nhà trường trong việc xác minh thông tin cư trú của học sinh. Theo đó, các nhà trường lập danh sách gửi Công an phường để được hỗ trợ.
Trong trường hợp học sinh vướng mắc về căn cước công dân, nhà trường liên hệ trực tiếp với Công an phường nơi đóng trụ sở để được hỗ trợ kịp thời. Với mã định danh của học sinh, phụ huynh liên hệ với Công an khu vực để được nhận lại mã định danh của con qua điện thoại, không cần phải trực tiếp đến trụ sở Công an.
Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về trường, lớp học khi số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng, Hà Nội cũng đang nỗ lực tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát, căn cứ định mức cụ thể về số lượng giáo viên từng môn học theo quy định để tham mưu chính quyền địa phương xây dựng chỉ tiêu biên chế giáo viên và tổ chức tuyển dụng.