Nghĩa cử làm thay đổi một số phận

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của chị Lê Thị Khiêm – Phụ huynh đến từ huyện Hóc Môn (TPHCM), tại lễ trao học bổng tuyển sinh năm 2016 của Trường ĐH Hoa Sen, vừa diễn ra chiều 30/8. 

TS Bùi Trân Phượng trao học bổng vượt khó cho các tân SV
TS Bùi Trân Phượng trao học bổng vượt khó cho các tân SV

Theo chị Khiêm, gia đình chị không may lâm vào tình cảnh khó khăn: chồng bị tai nạn, bản thân chị cũng bị bệnh nan y không đủ sức khỏe để lao động mưu sinh.

Rất may, gia đình nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo quận 12 và huyện Hóc Môn nên con chị được đi học từ lớp 1 đến lớp 12 và tiếp tục nhận được học bổng của Trường ĐH Hoa Sen lần này.

Chị Lê Thị Khiêm chia sẻ tại lễ trao học bổng
Chị Lê Thị Khiêm chia sẻ tại lễ trao học bổng

 Đồng cảm với hoàn cảnh gia đình chị Khiêm, TS Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - không kiềm được xúc động chia sẻ về con đường đèn sách đầy trắc trở của mình.

Nếu không có những tấm lòng hảo tâm, những suất học bổng của hội phụ huynh lúc bấy giờ thì bà không thể có được vị trí như ngày hôm nay.

Đây cũng là một trong những lý do, bà muốn gieo hạt mầm vào trái tim những bạn nhận được học bổng về tinh thần học bổng luân lưu. Hôm nay, các tân sinh viên nhận được sự hỗ trợ của nhà trường, xã hội thì sau này ra trường khi có điều kiện sẽ hỗ trợ tiếp cho các thế hệ đi sau.

“Đây là những sinh viên đã thể hiện sự xứng đáng để nhận học bổng. Sự hỗ trợ để các em được đào tạo có chất lượng, có một nghề tử tế là trách nhiệm của nhà trường” - TS Bùi Trân Phượng chia sẻ.

Ông Đỗ Sỹ Cường – Phó Hiệu trưởng - trao học bổng cho tân SV

Ông Đỗ Sỹ Cường – Phó Hiệu trưởng - trao học bổng cho tân SV

Theo thông tin từ Trường Đại học Hoa Sen, với kế hoạch cấp 130 suất học bổng tuyển sinh năm 2016 trị giá 8,150 tỉ đồng, qua hai đợt xét cấp học bổng tuyển sinh 2016, đợt 1 từ ngày 14/3 - 18/7/2016, đợt 2 từ ngày 1 - 15/8/2016, Hội đồng xét cấp học bổng của trường đã quyết định cấp học bổng cho 108 tân sinh viên/176 hồ sơ.

Trị giá mỗi suất học bổng tương đương học phí từ 1 đến 4 năm học. Chương trình học bổng tiếp tục xét cấp đợt 3 dành cho các thí sinh xét tuyển nguyện vọng bổ sung với 30 suất, trị giá 1,4 tỉ đồng. 

Đây là những thí sinh có kết quả học tập THPT đạt loại khá, giỏi, có nhiều nỗ lực trong học tập cũng như tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, thể thao, văn hóa, văn nghệ. Nhiều trường hợp thí sinh đã gây ấn tượng mạnh với Hội đồng xét cấp học bổng vì nghị lực vượt lên nghịch cảnh để đạt được ước mơ.

Đặc biệt, có 2 thí sinh đã đạt được học bổng Vượt khó 100%. Đó là Đoàn Nguyễn Ái Phương - Học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Huế), bị dị tật bẩm sinh ở mắt nhưng vẫn chăm chỉ, cần mẫn trong học tập và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. 

Riêng thí sinh Trần Lê Khả Ái - Học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (TPHCM) đăng ký xét tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa của trường. Khả Ái bị câm điếc bẩm sinh, phải đeo máy trợ thính từ lúc 3 tuổi.

Dù gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, em đã đạt điều kiện khi đăng ký xét tuyển theo phương thức 2 của trường (thực hiện tuyển tập nghệ thuật, phỏng vấn và có điểm trung bình học bạ của môn Ngữ văn và Lịch sử trong 3 năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6.0 điểm trở lên). 

Trường hợp của Đoàn Nguyễn Ái Phương, trên Facebook, TS Bùi Trân Phượng chia sẻ: “Hội đồng tuyển sinh và xét học bổng ĐH Hoa Sen đã bàn rất lâu về trường hợp của em.

Không có gì phân vân về tài chính, cấp học bổng toàn phần cho một thí sinh như em là quá xứng đáng. Nhưng làm sao không trăn trở khi một nữ sinh khiếm thị mơ ước học Thiết kế đồ họa?

Ngay cả ý kiến chuyên môn của GV từ Khoa đưa lên, thuận lợi cho thí sinh, cũng chưa đủ làm mọi người yên tâm. Trong các cuộc tranh luận, tôi thường nói tiếng nói của lý trí.

Nhưng lòng tôi chùng xuống khi một đồng nghiệp cho biết: "Chị của em (cũng là SV ĐH Hoa Sen) nói đời em ấy có rất nhiều ước mơ, đều không thực hiện được, chỉ còn mỗi một ước mơ này (học Thiết kế) thì may ra...".

Ừ, sao người ta không có quyền ước mơ? Không chỉ là cái nghèo, số phận còn nghiệt ngã với em trên nhiều phương diện khác. Nhưng em vẫn mạnh mẽ vươn lên. Sao chúng tôi không cùng em phấn đấu? Giáo dục, chẳng phải luôn luôn là kỳ vọng thay đổi thực trạng sao?

Bằng nghị lực, tài năng (tôi hình dung những nét vẽ của em như những nỗ lực níu kéo thị lực mà em mất dần từng ngày để ghi nhận, tái hiện cái đẹp từ thiên nhiên, từ cuộc sống, cũng để hiện thực hóa ước mơ của mình), thay đổi số phận của mình và góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn.

Trên "lý thuyết", sứ mạng của giáo dục là vậy. Thực tế thực hiện có nhiều thách thức không ngờ. Rốt cuộc, chúng tôi thống nhất cùng em vượt qua thách thức…

Những năm gần đây, nhiều mảnh đời khốn khó tìm đến ĐH Hoa Sen, như hy vọng về một môi trường học tập giúp mình phát triển bản thân.

Một em xương thủy tinh, một em ngồi trên xe lăn mơ thành chuyên viên CNTT, một em câm điếc muốn thành nhà thiết kế, và bây giờ là em, một bạn trẻ từng được nhìn ngắm cuộc đời, nhưng lại thấy mình nhanh chóng mất dần thị lực...

Ôi, tôi ước làm sao y khoa có thể làm nên điều kỳ diệu! Nhưng trước mắt, đã kỳ diệu lắm rồi, ước mơ và nghị lực của em! Vâng, chúng tôi sẽ cùng các em quyết tâm đổi thay số phận, bằng chính nỗ lực của chúng ta”.

Các tân SV nhận học bổng chụp ảnh lưu niệm với nhà trường
 Các tân SV nhận học bổng chụp ảnh lưu niệm với nhà trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.