14 năm trôi qua, vượt lên những đau đớn, bất hạnh bằng nghị lực phi thường cùng với sự giúp đỡ của gia đình và những người cùng cảnh Cường đã và đang khẳng định mình “tàn nhưng không phế”. Không chỉ giúp bản thân làm giàu, anh còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều người khuyết tật ngay tại quê hương.
Quyết không thành gánh nặng
Trang trại của Nguyễn Mạnh Cường (SN 1982) xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nằm ép mình dưới chân núi, nuôi thành công và nhân giống những động vật như: Lợn rừng, nhím, cầy hương… Quán xuyến từng ấy công việc, đối với một người bình thường đã đủ quay cuồng, với Cường lại càng khó khăn hơn khi phải nằm liệt một chỗ. Sau khi học hỏi những kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng, truyền đạt lại những kiến thức ấy cho gia đình để áp dụng vào thực tế là cả một quá trình kiên trì, vất vả. Trên chiếc giường gắn bó suốt 14 năm qua, Cường vẫn miệt mài trên máy tính để tìm tòi học hỏi những kinh nghiệm chăn nuôi, giao lưu mở rộng thị trường, anh luôn trăn trở, suy tư để vượt lên số phận giúp đỡ những người cùng cảnh có cuộc sống tự lập, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Từ chàng trai mạnh khỏe, đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, năm 2002, Cường gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương cột sống, liệt toàn thân. Bao ước mơ hoài bão đang còn dang dở nơi giảng đường đã vĩnh viễn khép lại. Nhớ về những tháng ngày bế tắc, đau khổ ấy, Cường không khỏi nghẹn ngào: “Khi biết mình bị liệt, tương lai như đóng sập lại. Cuộc sống trước mắt với mình chỉ là một màu đen, bế tắc, chán nản…”. Sau một thời gian dài xác định lại tư tưởng, cùng với sự động viên của gia đình, Cường dần chấp nhận đối diện với thực tế. Nhưng chẳng lẽ lại thành gánh nặng suốt đời cho người thân? Nghĩ chán, Cường nhờ mua sách báo, tìm hiểu thông tin, rồi bắt đầu định hướng cho lối đi của mình.
Với các kiến thức có được từ nhà trường cũng như từ sách báo, năm 2007, Cường đã mạnh dạn tham gia một số cuộc thi như: Làm giàu trên đất quê mình do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; thi tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Không ngờ, cuộc thi nào Cường cũng đoạt giải, với tổng giải thưởng lên tới 8 triệu đồng. Với số tiền đó, nhờ bố mẹ mua cho chiếc máy vi tính và kéo mạng internet. Kết nối được với thế giới bên ngoài, lại thông minh, cộng thêm các kinh nghiệm về nghề nông của gia đình, Cường quyết định chọn hướng chăn nuôi, có điều phải nuôi những con vật gì khác biệt thì mới mong thành công…
Sau một thời gian cân nhắc, Cường thuyết phục bố mẹ vay vốn mua giống lợn rừng, cầy hương, nhím… Nhớ lại những thời điểm “khởi nghiệp”, Cường chia sẻ: “Khó khăn thì rất nhiều, nhưng cả gia đình đã sát cánh vượt qua. Lứa đầu sắp xuất chuồng, mình rao bán qua mạng, cầu may thôi, không ngờ có khách liên hệ ngay”.
Thời điểm đó vào quãng năm 2007 – 2009, những con vật rừng trong trang trại của Cường bán được với giá khá cao và liên tục có khách hàng đặt trước. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn để Cường quyết thành lập trang trại với cái tên khá lạ: Trang trại “Độc nhất một”.
Mong mái ấm cho những người cùng cảnh ngộ
Đi cùng chúng tôi đến nhà Cường, anh Nguyễn Văn Tuyển, cán bộ chính sách phường Đông Sơn cho biết: Tuy là người khuyết tật nhưng anh Cường đã có những sáng kiến, ý tưởng mô hình mới khá táo bạo đã tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ và những người khuyết tật. Đây là trang trại độc nhất tại Bỉm Sơn. Anh là một tấm gương, một nghị lực vượt lên những nghiệt ngã của số phận.
Thời gian gần đây, thị trường các con vật nuôi trong trang trại của hai bạn đã không còn hấp dẫn do có quá nhiều nguồn cung, giá cả cũng trở nên bấp bênh. Nắm bắt được điều đó, vào năm 2012, Cường cùng chị Lê Thị Dung (SN 1980, cũng là một người bị tàn tật) thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Tâm Ngọc. Ngoài chăn nuôi, Cường và Dung còn làm thêm tranh đá quý, hoa voan, sản xuất thức ăn cho cá cảnh, thời điểm cao nhất công ty có khoảng 20 lao động, chủ yếu là những người cùng cảnh ngộ...
Ngồi im lặng trong suốt cuộc trò chuyện, khi chúng tôi hỏi về định hướng cho công ty, Dung mới bẽn lẽn chia sẻ: “Mình quê ở Gia Lai, khi mới 7 tháng tuổi đã bị bại liệt, hiện chỉ còn tay phải là cử động được. Trước đây trang trại Cường cung cấp giống cho cả nước bán qua mạng, bọn mình quen nhau sau vài lần mua giống con chồn lông đen, từ đó thường xuyên tâm sự, trao đổi công việc. Đến năm 2012, khi Cường quyết định chuyển hướng và mở công ty, đã thuyết phục mình hợp tác. Ra ngoài này, mình đã lên Yên Bái học nghề một thời gian để có kinh nghiệm rồi mới thành lập công ty”.
Cũng theo Dung, tranh đá quý là một nghề đòi hỏi kỹ thuật, sự kiên trì, tinh tế… rất nhiều người đến học nhưng đến nay mới đào tạo được 15 người lành nghề. Mục đích của hai bạn là làm sao truyền lại được nghề cho những người khuyết tật khác để có kế sinh nhai.
Nói về những dự định trong tương lai, Cường cho biết: Chúng tôi ấp ủ từ lâu khá nhiều ý tưởng, nhưng mong mỏi nhất hiện nay vẫn là làm sao dựng lên được một mái ấm chung cho những người khuyết tật. Hiện tôi đang xin quỹ đất của thị xã để thành lập Trung tâm dành cho người khuyết tật, mong ước lớn nhất là làm sao cho những người không may mắn như chúng tôi có một mái nhà, có một công ăn việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho cộng đồng”.