Một cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn đang làm rung chuyển Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khi nhiều quốc gia đồng loạt mở cuộc truy quét nhằm vào các nhân viên đương nhiệm và cựu nhân viên của Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm NATO (NSPA).
Theo Luxembourg Times, chiến dịch truy quét được phối hợp bởi Eurojust – cơ quan tư pháp hình sự của Liên minh châu Âu (EU) – diễn ra tại Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và cả Mỹ. NSPA, có trụ sở chính tại Luxembourg, là đơn vị khởi xướng cuộc điều tra này.
Bà Allison Hart, người phát ngôn NATO, cho biết liên minh và NSPA "đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo những người vi phạm sẽ bị đưa ra ánh sáng".
Bà nói thêm: “Chúng tôi đang tích cực tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro và loại bỏ các hành vi sai trái.”
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte phát biểu tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15/5 rằng khối quân sự này “đang hợp tác với các cơ quan chức năng” và nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn làm rõ tận gốc sự việc.”
Văn phòng công tố Luxembourg cho biết đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến nghi vấn một số nhân viên NSPA “lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân”.
Hai người đã bị bắt tại Bỉ và ba người khác ở Hà Lan. Theo các công tố viên Bỉ, cuộc điều tra xoay quanh "các sai phạm trong việc trao hợp đồng cho các nhà thầu quốc phòng để mua sắm thiết bị quân sự cho NATO như đạn dược và máy bay không người lái."
Ngoài ra, còn có nghi vấn về việc nhân viên NSPA chia sẻ thông tin mật với doanh nghiệp quốc phòng và liên quan đến hoạt động rửa tiền.
Tại Hà Lan, giới chức cho biết họ đã bắt giữ một cựu quan chức Bộ Quốc phòng nước này tại sân bay Schiphol ngày 12/5. Người này bị tình nghi nhận hối lộ trong năm 2023 khi tham gia xét duyệt hợp đồng quốc phòng.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh NATO đang tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ và đẩy mạnh sản xuất vũ khí để hỗ trợ Ukraine. Tháng 3, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch huy động 800 tỷ euro (tương đương 896 tỷ USD) để "tái vũ trang" EU.