Chiều 14/5, Mặt Trời đã phóng ra 2 vụ bùng phát dữ dội, trong đó có tia lửa cấp X2.7 – mạnh nhất từ đầu năm 2025 đến nay – gây mất sóng vô tuyến ngắn tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) của Mỹ và trang Spaceweather.com, tia lửa X2.7 xảy ra vào khoảng 16h25 ngày 14/5 theo giờ Việt Nam, tạo ra dòng plasma và hạt tích điện lao vào không gian. Cùng ngày, Mặt trời cũng ghi nhận tia lửa cấp M5.3 và trước đó là X1.2.
Đây là những hiện tượng xảy ra trong chu kỳ "cực đại Mặt trời", giai đoạn hoạt động mạnh mẽ nhất trong chu kỳ 11 năm, dự kiến kéo dài đến hết năm 2025.
Cảnh báo từ vết đen AR4087
Tia X2.7 lần này phát ra từ vùng vết đen AR4087, một khu vực lạnh và tối trên bề mặt Mặt Trời, nơi từ trường tích tụ mạnh mẽ trước khi phóng thích năng lượng.
Khi năng lượng này giải phóng, nó phát ra tia X và tia tử ngoại cực mạnh với tốc độ ánh sáng, ion hóa tầng điện ly của khí quyển Trái đất, khiến sóng vô tuyến tần số cao bị gián đoạn trong khoảng 10 phút – đặc biệt tại các khu vực đang ban ngày như Trung Đông, châu Á và châu Âu.
Các nhà khoa học cảnh báo AR4087 đang xoay dần về hướng Trái đất, làm tăng khả năng xuất hiện thêm các đợt bùng phát cấp cao trong vài ngày tới. Thực tế, ngay sau tia X2.7, vết đen này đã tiếp tục phát ra tia M7.74 vào khoảng 18h20 cùng ngày (giờ Việt Nam).
Mối đe dọa tiềm ẩn
Các tia lửa Mặt trời mạnh có thể đe dọa vệ tinh, gây nhiễu GPS, làm gián đoạn thông tin liên lạc, thậm chí ảnh hưởng đến lưới điện nếu kèm theo những vụ phun khối vật chất nhật hoa (CME) hướng về Trái Đất.
Khối vật chất nhật hoa (CME – Coronal Mass Ejection) là một hiện tượng bùng phát khối lượng plasma và từ trường khổng lồ từ nhật hoa – lớp ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt Trời – phóng vào không gian.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô quốc gia giả định tình huống nhiều CME lao vào Trái đất trong vài ngày. Kết quả cho thấy khả năng dự báo thời tiết không gian còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Dù tia X2.7 vừa qua không gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng các chuyên gia cho biết nguy cơ các cơn bão Mặt trời tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong tuần tới là rất cao, đòi hỏi các hệ thống liên lạc và vệ tinh phải cảnh giác tối đa.