Ấn Độ mua thêm lá chắn bầu trời S-400 sau đợt không chiến dữ dội với Pakistan

GD&TĐ - Sau xung đột căng thẳng với Pakistan, Ấn Độ chính thức đặt mua thêm S-400 để tăng cường phòng thủ không phận.

Ấn Độ ca ngợi hiệu suất của hệ thống S-400 Triumph của Nga, đóng vai trò chính trong việc bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ trong Chiến dịch Sindoor chống lại Pakistan.
Ấn Độ ca ngợi hiệu suất của hệ thống S-400 Triumph của Nga, đóng vai trò chính trong việc bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ trong Chiến dịch Sindoor chống lại Pakistan.

Ấn Độ đặt mua thêm hệ thống phòng không S-400 từ Nga sau khi loại vũ khí này được cho là đã giúp đất nước đánh chặn hàng loạt đợt tấn công bằng tên lửa và UAV từ Pakistan trong chiến dịch quân sự hồi đầu tháng 5.

Xung đột bùng phát từ ngày 22/4, sau một vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam, Kashmir khiến 26 dân thường thiệt mạng.

Ấn Độ cáo buộc các nhóm phiến quân do Pakistan hậu thuẫn đứng sau vụ việc và đáp trả bằng chiến dịch “Sindoor” ngày 7/5, nhắm vào 9 địa điểm khủng bố ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Để trả đũa, Pakistan phóng hàng loạt tên lửa, UAV và máy bay không người lái vũ trang vào các thành phố và căn cứ quân sự của Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ tuyên bố hệ thống S-400 – tên gọi nội địa là “Sudarshan Chakra” – đã ngăn chặn thành công các đợt tấn công này, bảo vệ nhiều mục tiêu chiến lược, trong đó có căn cứ không quân Adampur ở Punjab.

Chỉ 3 ngày sau khi lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian được thiết lập (10/5), Thủ tướng Narendra Modi đến thăm Adampur, đứng trước một tổ hợp S-400 còn nguyên vẹn – hành động được coi là phản pháo trực tiếp trước tuyên bố của Pakistan rằng đã phá hủy hệ thống này.

an-do-mua-them-la-chan-bau-troi-s-400-sau-dot-khong-chien-du-doi-voi-pakistan-2.jpg
(Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Hệ thống S-400 Triumf của Nga, sản xuất bởi tập đoàn Almaz-Antey, là một trong những tổ hợp phòng không hiện đại nhất thế giới.

Với tầm phát hiện mục tiêu lên tới 600 km, có khả năng theo dõi 300 mục tiêu cùng lúc và bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu bằng nhiều loại tên lửa khác nhau, S-400 được đánh giá cao nhờ khả năng chống lại nhiều mối đe dọa như máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV.

Ấn Độ từng ký hợp đồng trị giá 5,43 tỷ USD với Nga năm 2018 để mua 5 tổ hợp S-400, trong đó 3 đã được bàn giao tính đến năm 2025. Với những gì đã thể hiện trong chiến dịch “Sindoor”, New Delhi quyết định yêu cầu thêm các tổ hợp mới.

Mặc dù chưa rõ thời điểm giao hàng do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của phương Tây lên ngành công nghiệp quốc phòng Nga, Moscow được cho là đã đồng ý với đề nghị này.

Phía Pakistan bác bỏ phần lớn tuyên bố từ Ấn Độ, cho rằng các máy bay JF-17 của họ đã phá hủy một tổ hợp S-400 và vô hiệu hóa đường băng căn cứ Adampur bằng tên lửa siêu vượt âm. Tuy nhiên, không có bằng chứng độc lập xác nhận thiệt hại từ bất kỳ bên nào.

Dù hiệu quả thực tế của S-400 vẫn gây tranh cãi, chiến dịch “Sindoor” cho thấy vai trò trung tâm của hệ thống này trong mạng lưới phòng không tích hợp của Ấn Độ.

Nó giúp phối hợp dữ liệu giữa radar, tên lửa và chiến đấu cơ như Rafale và Su-30MKI, tăng khả năng đánh chặn và phản ứng nhanh trước các mối đe dọa trên không.

Trong bối cảnh khu vực Nam Á tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ xung đột, động thái tăng cường S-400 của Ấn Độ không chỉ củng cố năng lực phòng thủ, mà còn làm gia tăng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới với Pakistan và cả Trung Quốc – nước cũng đang vận hành S-400.

Theo Bulgarian Military

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khó khăn từ chính sách nhập cư ảnh hưởng tới các trường học Anh.

Anh siết chặt chính sách du học

GD&TĐ - Anh sẽ siết chặt các chính sách du học nhằm kiểm soát chặt chẽ số lượng người nhập cư trong bối cảnh dân số tăng cao.

Hiện trường vụ sạt lở.

Sạt lở đất ở Lào Cai

GD&TĐ - Vụ sạt lở đất xảy ra tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa (Lào Cai), khiến 1 người tử vong.

Ảnh minh họa INT.

Đi làm sớm, tốt nghiệp muộn

GD&TĐ - Trung bình một khóa đào tạo ở các trường đại học hiện chỉ có khoảng phân nửa tốt nghiệp đúng hạn...