Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) vừa đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về sự phát triển nhanh chóng của năng lực tên lửa chiến lược Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống tấn công hạt nhân từ không gian – vốn có khả năng qua mặt toàn bộ hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ hiện tại của Mỹ.
Theo đánh giá mới công bố của DIA, được Bloomberg dẫn lại, Bắc Kinh có thể triển khai hàng chục đầu đạn hạt nhân đặt trong không gian vào thập kỷ tới.
Đây là bước tiến mang tính bước ngoặt, dựa trên ý tưởng Hệ thống Oanh tạc Quỹ đạo Phân đoạn (FOBS) từng xuất hiện thời Chiến tranh Lạnh và nay được Trung Quốc tái khởi động.
Vũ khí FOBS: Giấu đòn đánh trong quỹ đạo
FOBS hoạt động bằng cách đưa đầu đạn hạt nhân vào quỹ đạo quanh Trái Đất, sau đó tấn công mục tiêu theo hướng bất ngờ, đặc biệt là từ phía Nam – nơi hệ thống radar cảnh báo của Mỹ gần như không có khả năng phát hiện.
Không giống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bay theo quỹ đạo parabol dễ đoán, FOBS khiến việc phát hiện và đánh chặn gần như bất khả thi.
DIA dự báo đến năm 2035, Trung Quốc có thể sở hữu tối đa 60 hệ thống FOBS – tăng từ con số 0 hiện nay. Trong khi đó, Nga dự kiến chỉ đạt khoảng 12 hệ thống trong cùng thời gian.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra xu hướng gia tăng lớn về số lượng ICBM hạt nhân truyền thống: Trung Quốc: từ 400 lên 700 quả; Nga: từ 350 lên 400 quả và Iran: có thể lần đầu sở hữu tới 60 tên lửa ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc còn đẩy mạnh công nghệ siêu vượt âm
Trong lúc đó, Mỹ bày tỏ lo ngại trước sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong công nghệ vũ khí lượn siêu vượt âm (HGV) – có thể thay đổi quỹ đạo khi bay trong khí quyển và đạt tốc độ rất cao, gây khó khăn cho hệ thống đánh chặn.
Theo DIA, Trung Quốc có thể sở hữu 4.000 đầu đạn HGV năm 2035, tăng mạnh từ con số 600 hiện tại. Một số vũ khí loại này đã được triển khai với đầu đạn thông thường, đủ tầm bắn tới Alaska và được cho là có thể được nâng cấp mang đầu đạn hạt nhân.
“Vòm vàng” của ông Trump: Vũ khí phòng thủ trong không gian?
Trước nguy cơ ngày càng rõ ràng, Mỹ đang xem xét triển khai kiến trúc phòng thủ thế hệ mới, được gọi là “Golden Dome” (Vòm vàng) – một lá chắn không gian do ông Trump đề xuất.
Dù mang màu sắc của chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời cựu Tổng thống Reagan, “Vòm vàng” hiện vẫn chưa rõ ràng về cấu trúc, thời gian phát triển hay khả năng thực thi.
Dân biểu Ken Calvert, Chủ tịch Tiểu ban Ngân sách Quốc phòng Hạ viện Mỹ, mới đây thẳng thắn nhận xét: “Chưa ai định nghĩa được vòm vàng là gì, làm sao thực hiện và mục tiêu ra sao.”
Với phần công nghệ đòi hỏi cao nhất – các hệ thống đánh chặn đặt trong không gian – Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính chi phí sẽ dao động từ 161 đến 542 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới, tuỳ vào số lượng vệ tinh và chi phí phóng kèm theo.
Báo động đỏ sau vụ thử năm 2021
Ngay từ năm 2021, sau vụ Trung Quốc âm thầm thử nghiệm một hệ thống FOBS, giới quân sự Mỹ đã xem đó là lời cảnh báo nghiêm trọng. Khi ấy, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – Tướng Mark Milley – nhận định đây là một “thời khắc Sputnik” đáng báo động.
Khi các cường quốc tăng tốc phát triển vũ khí chiến lược mới, Mỹ ngày càng chịu áp lực hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa – trước khi những mối đe dọa thế hệ tiếp theo chính thức trở thành hiện thực.