Nghẹn ngào thầy cô 7 năm chỉ mong được về quê đón Tết

GD&TĐ - “6 năm rồi em không về quê ăn Tết. Năm nay cả nhà định về quê nội ở Bắc Giang rồi ngược Bắc Kạn thăm bố mẹ em. Vậy mà! Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ…”, cô Hoa rơm rớm nước mắt.

Một buổi sinh hoạt tại trường Tiểu học Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.
Một buổi sinh hoạt tại trường Tiểu học Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Tết thứ 7… lỡ hẹn

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là năm thứ 7, vợ chồng thầy cô Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Thị Hoa, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải 1, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) chưa một lần ăn Tết ở quê.  Nửa tháng trước, họ hớt hải đưa đứa con đầu lòng - Nguyễn Thế Nam (SN 2013) vượt hơn 200 km đường rừng từ trường ra trung tâm TP Điện Biên Phủ để gửi  cháu về quê. Người thân cũng vội vã vượt gần 600km từ Bắc Giang lênTP Điện Biên Phủ để đón cháu về trước, đợi bố mẹ về sau.

Con thứ hai của vợ chồng thầy cô là Nguyễn Hoàng Anh, Tết này mới tròn 19 tháng tuổi. Khi con được 13 tháng, cô Hoa đành phải cai sữa cho con và ngậm ngùi gửi con về Bắc Giang nhờ ông bà nội nuôi dưỡng. 6 tháng trôi qua, cô chưa một lần gặp con. Đêm nào cô cũng mang ảnh con ra, rồi lại khóc… vì nhớ con đến quặn lòng. Trong giấc mơ cô Hoa vẫn nghe thấy tiếng con bi bô tập nói, nghe tiếng con khóc gọi: Mẹ ơi… mẹ ơi… Mỗi lần như thế, cô lại nhớ con đến cồn cào, chỉ muốn chạy ngay đến bên con để ôm con vào lòng.

Tết này, cô dự định sẽ thu xếp công việc để gia đình về quê sớm, đưa các con đi chợ, mua cho Hoàng Anh nhiều đồ chơi mới, rồi mua thêm cho hai anh em mấy bộ quần áo đẹp để đi chơi Tết.

“6 năm rồi em không về quê ăn Tết. Năm nay cả nhà định về quê nội ở Bắc Giang ăn Tết thăm con luôn… rồi sau đó ngược Bắc Kạn thăm bố mẹ đẻ em. Hai năm nay, chúng em chưa về thăm ông bà. Nhưng dịch bệnh thế này, đi làm sao được. Nhớ gia đình, nhớ các con lắm chứ…”, cô Hoa nghẹn ngào.

Những năm trước đó, Tết nào người thân cũng í ới gọi từng ngày, mong các con sớm trở về. Vợ chồng cô Hoa đưa ra nhiều lý do lắm. Lúc thì bảo say xe, khi thì bảo Thế Nam còn nhỏ. Cũng có khi viện cớ công việc nhiều để gia đình đỡ lo. Nhưng thực ra, lương giáo viên “ba cọc ba đồng”, chắt chiu lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình hàng ngày. Tích góp cả năm, về thăm quê vài ngày là hết. Nhiều người “không dám” về quê ăn Tết là thế. Vì họ còn con nhỏ, còn biết bao nhiêu là dự định. Lúc trả nợ tiền nhà, khi trả nợ tiền đất. Cũng có khi là trả nợ tiền vay mua xe. Rồi còn chuyện con cái học hành…

“10 năm trước, chúng em lấy nhau bằng hai bàn tay trắng. Vay mượn nhiều nơi mới được 100 triệu mua cái nhà gỗ trong này. Loanh quanh mất cả chục năm chắt bóp, dành dụm mới trả gần hết nợ. Chúng em trong này còn được thêm khoản thu nhập ngoài lương, đó là hỗ trợ khu vực biên giới. Nhưng ở đây mọi thứ chi tiêu đắt đỏ nên để tích lũy cũng khó lắm”, cô Hoa bộc bạch.

Bức ảnh hiếm hoi 3/4 thành viên gia đình cô Hoa chụp chung.
Bức ảnh hiếm hoi 3/4 thành viên gia đình cô Hoa chụp chung.

Mong sớm kiểm soát được dịch bệnh

Thầy giáo Bùi Văn Sáu (giáo viên Tiếng Anh) vào nhận công tác tại Trường THCS Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé đã 6 năm nay. 5 cái tết gần đây, dù bận đến mấy thì thầy cũng vẫn cố gắng thu xếp công việc để về Hòa Bình ăn Tết cùng bố mẹ. Bố mẹ thầy Sáu tuổi đã ngoài 70. Nhà có 5 anh chị em, trong đó 4 anh chị đều đã lập ra đình và ra ở riêng. Thầy là con út nên vẫn ở chung với bố mẹ. Tết nào thầy cũng muốn sớm trở về nhà, ở bên bố mẹ.

Nhưng cuối năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể về nhà nên Tết Nguyên đán Tân Sửu thầy Sáu lần đầu ăn Tết xa quê. Nhớ con, ngày nào ông bà cũng gọi điện, kiếm cớ hỏi thăm nhưng thực chất vẫn đợi tin.

“Bố mẹ em tuổi cao, sức yếu rồi. Em cũng nhớ nhà lắm. Muốn về với bố mẹ lắm nhưng không được bởi nếu em về thì nghĩa là em đang từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, theo quy định sẽ phải cách ly ở cả 2 nơi. Như vậy sẽ mất chừng gần 2 tháng cách ly. Vì thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy học. Thôi thì vì cả nước đang chung tay chống dịch, nên em xác định sẽ ở lại ăn Tết cùng các anh chị giáo viên trong trường. Mọi người cũng đều xa quê, đều muốn về cả nhưng ở lại vẫn còn có nhau”, thầy Sáu chia sẻ.

“Chúng tôi không ngăn cấm giáo viên về quê ăn Tết. Nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy thì chỉ biết động viên, khuyến khích 35 cán bộ, giáo viên toàn trường nên ở lại trường đón Tết. Trường hợp bắt buộc phải về quê thì tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan y tế và đảm bảo các điều kiện về y tế, phòng dịch… làm sao không để ảnh hưởng đến cộng đồng. Thời điểm này, tôi nghĩ rằng hạn chế di chuyển, hạn chế tiếp xúc là cách tốt nhất để dịch bệnh khỏi lây lan. Nhận thức được điều này, hầu hết giáo viên nhà trường đều đồng thuận, phấn khởi, yên tâm ở lại đón Tết”, thầy giáo Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải nói.

Hơn ai hết, lúc này thầy Sáu, cô Hoa, thầy Hiếu và hàng nghìn giáo viên khác ở miền biên viễn xa xôi là những người đang mong cho ngày Tết sớm trôi mau. Họ đang mong dịch bệnh sớm được dập tắt. Họ đếm từng ngày, từng giờ để được gặp mặt người thân.

“Biết là sẽ rất buồn, song vì cộng đồng, vì xã hội nên chúng em vẫn động viên nhau để tất cả đều an tâm. Chúng em cũng chỉ mong sao ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết, dịch bệnh sẽ lắng xuống và được kiểm soát, để các con có thể trở lại trường luôn. Chứ chẳng ai lại muốn các cháu nghỉ Tết cho đến dịp hè cả”, thầy Bùi Văn Sáu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.