Nghệ thuật truyền thống: Đường trường còn lắm chông chênh

GD&TĐ - Buổi tọa đàm “Nghệ thuật truyền thống - Đường trường chông chênh” do Giáo phường Đình làng Việt, CLB Tuyên truyền Văn hóa - Lịch sử và khoa Văn học (Trường ĐH KHXH&NV) tổ chức. 

Nghệ thuật truyền thống: Đường trường còn lắm chông chênh

Ba diễn giả chính là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, NSƯT Đoàn Thanh Bình và NSƯT Vũ Ngọc - những con người đầy nhiệt thành và đam mê đã chia sẻ những câu chuyện thật xúc động mà họ đã trải qua trên hành trình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

Dù đường trường chông chênh

NSƯT Đoàn Thanh Bình chia sẻ, chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bà nội của Thanh Bình là NSND Cả Tam - nghệ nhân nổi tiếng trong ngành chèo, bố của Thanh Bình là NSƯT Đoàn Đình Thọ nổi tiếng của sân khấu cải lương. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp phổ thông Thanh Bình đã thi và trúng tuyển vào lớp chèo A Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam nay là Trường Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

Với tình yêu tha thiết với bộ môn nghệ thuật chèo cùng suy nghĩ làm sao để giữ nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ, năm 1996, NSƯT Thanh Bình quyết định trở thành giảng viên và chuyển về công tác khoa Kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh. Tại đây, bà đã dồn hết tâm huyết vào từng câu hát, từng vai mẫu để truyền thụ cho thế hệ trẻ.

NSƯT Thanh Bình cho biết: “Những năm 1985 - 1986, đó là những năm khó khăn nhất đối với nghệ thuật chèo. Đoàn chèo chúng tôi, chiều tối thường phải đi hàng 60 km ra vùng quê cách xa Hà Nội để diễn kiếm tiền. Ngày nào cũng cầu trời đừng mưa để tối đi diễn. Đồng lương ít ỏi, thu nhập từ các đêm diễn không nhiều, nhưng cũng không thể ngăn được lòng đam mê trong chúng tôi. Với tôi, nghề chèo nó thiêng liêng lắm, nó ăn vào máu từ khi còn trong bụng mẹ, nên xác định không bao giờ bỏ nghề, dù khó khăn cũng phải cố vượt qua.

Giờ đây, nghệ thuật chèo cùng chung số phận với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tạo sức hút với khán giả. Nhưng với đam mê của mình, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức để nghệ thuật truyền thống đến gần với khán giả”.

Văn hóa dân gian vẫn không ngừng chảy

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Tôi đến với môn Văn học dân gian rất tình cờ là được phân công giảng dạy. Có thể nói, lĩnh vực này đã chọn tôi trước để rồi tôi đam mê và theo đuổi nó suốt hơn 40 năm qua.

Lâu nay, nhiều người cứ nhìn văn hóa dân gian là cũ, là quá khứ hay đứng yên một chỗ. Văn hóa dân gian vẫn đang sống một cách mạnh mẽ cùng đời sống hiện đại.

Hiện nay, giữa những loại hình văn hóa đang xâm nhập vào giới trẻ, những buổi sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật truyền thống là cơ hội để giới trẻ đến gần hơn với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phần nào hỗ trợ công tác giáo dục học đường một cách sinh động, hấp dẫn. Cách làm này còn tạo nhịp cầu giao lưu, gắn bó, gần gũi giữa các nghệ sĩ với công chúng khán giả là HS, SV các trường học.

Tôi hay bắt gặp câu hỏi phải so sánh về văn hóa dân gian xưa và nay. Người ta cứ mặc định rằng, ngày xưa thì tốt, còn bây giờ thì không được tốt như trước. Suy nghĩ này hơi cực đoan và cần phải thay đổi. Thực tế, có nhiều loại hình văn hóa dân gian đã được đúc kết qua một thời gian dài và vẫn không ngừng được sáng tạo để ngày càng hoàn thiện. Đương nhiên, trong quá trình này, nó phải chịu theo quy luật đào thải của tự nhiên, tức là những gì là hồn cốt, là tốt đẹp sẽ được giữ lại, còn những gì chưa đẹp sẽ tự bị mất đi.

“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi luôn tin vào giới trẻ hiện nay, bởi họ có trình độ nhận thức và hiểu được nên giữ lấy cái gì là cốt lõi của văn hóa dân tộc”.

Có thể nói, nghệ thuật truyền thống - khái niệm nghe có màu xưa cũ nhưng vẫn đang hàng ngày, hàng giờ hằn in dấu vết lên nhịp sống hiện đại. Những lời ru, điệu hát... có thể không còn mang không khí ngày trước nhưng cũng đang dần dần tìm đến chỗ đứng mới của mình.

“NSƯT Vũ Ngọc cho biết: Với môn nghệ thuật truyền thống như chèo, dân gian thường dạy theo phương thức truyền nghề, người nào có khả năng bắt chước thì học rất nhanh. Thế nhưng để diễn được thì phải có kinh nghiệm, được rút ra trong quá trình làm nghề, học hỏi, trong mỗi vai diễn, người diễn phải biết tìm tòi sáng tạo để có một dấu ấn riêng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.