Khó giữ chân tài năng trẻ
Nhìn vào hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật lĩnh vực sân khấu truyền thống dễ thấy sự hụt hẫng quá lớn đội ngũ kế thừa. Cũng không mấy người trẻ còn mặn mà theo đuổi nghệ thuật truyền thống khi họ không sống được bằng nghề.
Điều đó cũng dễ hiểu khi giai đoạn hiện nay đang bùng phát ngày càng nhiều các loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Chỉ cần “lướt mạng” là có thể “nắm” cả thế giới trong tầm tay. Đối với thế hệ trẻ, các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo... khá trừu tượng với nhiều lớp nghĩa mà nếu không am hiểu thì khó lòng hiểu được đúng nội dung.
Khán giả là một trong ba thành tố cấu thành nghệ thuật sân khấu, là động lực cho diễn viên cống hiến. Các nghệ sĩ buồn biết bao khi mình đang cố diễn thật hay mà nhìn xuống dưới là rất nhiều chiếc ghế trống.
Để tìm kiếm các tài năng trẻ cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống phải vất vả, lao tâm khổ tứ đi về các địa phương để tìm kiếm tài năng và thuyết phục họ học, theo nghề; gửi gắm họ tại các cơ sở đào tạo; cho họ chế độ ưu đãi không phải đóng học phí, được cấp học bổng hằng tháng và bố trí chỗ ở; rồi khi họ tốt nghiệp ra trường, lại mất công đào tạo lại họ từ 2 - 3 năm đối với diễn viên chèo, 3 - 5 năm đối với diễn viên tuồng (vì chất lượng đào tạo tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu về thực tiễn chuyên môn ở các đoàn, nhà hát).
Vất vả tìm kiếm tài năng, khổ công đào tạo tài năng, nhưng làm thế nào để giữ chân tài năng lại là bài toán còn khó khăn hơn đối với lãnh đạo các đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống. Diễn viên trẻ là lực lượng giữ gìn vốn quý của ông cha. Một khi đời sống của họ không được đảm bảo, lấy gì để họ dành hết tâm huyết cho nghệ thuật?
Vẫn còn những khoảng trống
Một trong những khó khăn lớn hiện nay mà sân khấu nghệ thuật đang đau đầu là bồi dưỡng và đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Lớp nghệ sĩ gạo cội ngày một già đi nhưng tài năng trẻ thì ngày một khan hiếm.
Trong thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT ký ngày 21/9/2010 thì học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương... được giảm 70% học phí, thế nhưng vẫn không thu hút được nhiều thí sinh. Bình quân mỗi năm các trường chỉ tuyển được khiêm tốn từ 15 - 20 em, nhiều năm số hồ sơ đăng ký dự thi còn chưa đủ chỉ tiêu đầu vào.
Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã phê duyệt Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các đơn vị nghệ thuật trong cả nước sẽ tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp THCS, độ tuổi 14 - 15 gửi về Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đào tạo.
Sau khi học xong khóa đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp và tốt nghiệp phổ thông trung học ở độ tuổi 17 - 18. Đây là độ tuổi “vàng” để các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật và có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề trong cuộc đời nghệ sĩ.
Tuy nhiên, đào tạo là một chuyện nhưng giữ chân lại là một bài toán khó hơn. Khi các sân khấu đang hoạt động cầm chừng, không có nhiều chế độ đãi ngộ, trong khi chạy show bên ngoài thì thù lao cao hơn rất nhiều.
NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, cho biết: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, các em có rất nhiều cơ hội lựa chọn các ngành nghề khác thu nhập cao hơn. Nhưng các em lại chọn theo đuổi nghiệp diễn viên sân khấu truyền thống đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Điều đó chứng tỏ các em vô cùng yêu nghề. Chúng ta đừng trách các nghệ sĩ trẻ, mà cần phải thương yêu và khuyến khích các nghệ sĩ trẻ”.
Nghệ thuật truyền thống lúc nào cũng mang một nét đẹp rất riêng, đó là hồn cốt, tinh hoa dân tộc. Do vậy, để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, rất cần có một cơ chế đặc thù riêng để các nghệ sĩ tài năng yên tâm cống hiến, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết để hoàn thành sứ mệnh giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của cha ông để lại.