Công chúng được chiêm ngưỡng cây xà cừ đổ trong bão Yagi ở Hà Nội “hồi sinh” tại vườn hoa Cổ Tân (Hoàn Kiếm), trong dáng hình của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Vòng luân hồi của cây xà cừ đổ
Ngày 21/4, tại vườn hoa Cổ Tân, dáng hình một cây xà cừ cổ thụ 70 năm tuổi được dựng ở đúng nơi mà nó đã bị đổ trong cơn bão Yagi xảy ra vào tháng 9/2024. Thoạt nhìn, không ít người băn khoăn tại sao lại đi thay một cái cây giả vào chỗ cây thật? Tuy nhiên, càng nhìn ngắm càng thấy cái cây giả ấy chính là một tác phẩm nghệ thuật đầy ẩn ý.
Nằm trong số các tác phẩm của triển lãm “Tái sinh”, cây xà cừ được nghệ sĩ thị giác Tia - Thủy Nguyễn đặt tên là “Hồi sinh”, lấy ý niệm từ định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng: “Năng lượng không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, nó chỉ truyền từ vật này sang vật khác, chuyển từ dạng này sang dạng khác”.
Tác phẩm này không chỉ là một sắp đặt nghệ thuật, mà còn là một hành trình chuyển hóa công phu. Từ thân cây xà cừ gục ngã, Tia - Thủy Nguyễn và các cộng sự đã dựng một tác phẩm cao 9m, đường kính 2m, sử dụng 6 tấn thép không gỉ và thạch anh để tái hiện hình hài cây trong một sắc thái khác.
Những tấm thép dày 5mm được gò thủ công, ôm sát theo từng đường cong gồ ghề của thân cây. Trong hơn 6.000 giờ làm việc, các thợ hàn nối kín từng mối, tạo ra những nốt và rãnh xù xì, mô phỏng những đường nét khúc khuỷu, tự nhiên, trong khi tán lá được tạo thành từ hàng nghìn chiếc lá thép mỏng đan xen với những hoa - nụ - quả lấp lánh từ thạch anh.
Trong không gian rậm rì cây xanh, “Hồi sinh” được đặt lại tại chính nơi cây xà cừ từng tồn tại. Nó được người nghệ sĩ thổi hồn để không còn là một tác phẩm tĩnh mà có sự sống, có hơi thở, đối thoại với thế giới xung quanh như đang kể câu chuyện của chính mình - câu chuyện về sự đổ ngã, hồi phục, về cách một thành phố tìm lại nhịp sống sau biến cố.
Ngắm cây xà cừ trong hình hài tác phẩm “Hồi sinh”, nhiều người nhớ tới “Hoa sự sống” - một tác phẩm phẩm độc đáo, tái sinh thân cây sồi khô và được tổ chức triển lãm tại Pháp vào năm 2022. “Hoa sự sống” cũng như “Hồi sinh”, kết hợp chất liệu tự nhiên (gỗ, thạch anh) và chất liệu nhân tạo (thép không gỉ) như một cách kể về tính luân hồi và dòng chảy tuần hoàn của vạn vật trong tự nhiên.
Thế mạnh đặc biệt của Tia - Thủy Nguyễn là sử dụng ánh sáng. Ánh sáng trong tác phẩm “Hồi sinh” đã trở thành một phần không thể tách rời. Từng tia nắng rơi xuống, chạm vào những chiếc lá thép và hoa thạch anh, tạo thành những màn trình diễn ánh sáng không bao giờ lặp lại. Mỗi khoảnh khắc, tác phẩm lại khoác lên mình một diện mạo mới, như thể đang kể những câu chuyện khác nhau.
Trong triển lãm “Tái sinh”, tác phẩm của Tia - Thủy Nguyễn được kết hợp song song cùng “Tiếng vọng” của nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng. Đó là các băng ghế làm từ chính cây xà cừ đổ, được sắp đặt theo những cung tròn đồng tâm, hướng về tác phẩm “Hồi sinh”. Tác phẩm được đúc trong những khối acrylic, đặt trên chân thép với ẩn ý “thời gian đã hóa thành một dòng sông lấp lánh, trôi mãi trong hoài niệm”.

Dấu ấn đặc biệt về nghệ thuật công cộng
Sự cộng hưởng giữa hai tác phẩm không chỉ tạo nên một không gian nghệ thuật sống động, mà còn là một lời nhắc nhở lẽ sống của con người với thiên nhiên, ý thức luân hồi, tái sinh - cái chết chỉ là một trạng thái chuyển giao, nơi năng lượng không tan biến mà hóa thành hình hài mới.
Theo Ban tổ chức, sau lễ khai mạc triển lãm “Tái sinh”, các tác phẩm sẽ tiếp tục hiện diện tại vườn hoa Cổ Tân, như một phần của không gian công cộng để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thuỷ Nguyễn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng cao học tại Học viện Nghệ thuật thị giác và Kiến trúc quốc gia Kiev (Ukraine). Mặc dù không được đào tạo bài bản, Thuỷ Nguyễn vẫn dũng cảm khởi đầu hành trình thời trang với những thiết kế sáng tạo độc đáo.
Giới chuyên môn ngành thời trang đánh giá về điều làm nên thành công của Thuỷ Nguyễn là các thiết kế bay bổng và nữ tính; cách sử dụng màu hay vải vóc đầy sáng tạo để làm nổi bật cá tính của người phụ nữ Việt đương đại.
Cô luôn thấy một sự nhất quán trong việc hướng tới văn hóa truyền thống Việt Nam khi các bộ sưu tập của cô thường lấy cảm hứng từ các vật dụng xưa. Vải vóc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương và áo dài - biểu tượng của văn hóa Việt, hay các phụ kiện cổ truyền khác.

Các bộ sưu tập đáng nhớ của Thuỷ có thể kể đến như: Lúng liếng, Gió mùa về, Cọc cạch, Viên mãn, Mộng mị, Tình tang, Mỵ châu, Tìm người trong mộng… Thực hành đa dạng của Thuỷ Nguyễn có thể thấy qua vai trò sản xuất của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” - bộ phim hài tình cảm giới thiệu về văn hóa và lối sống của Sài Gòn xưa thông qua lịch sử của áo dài.
Trong cộng đồng nghệ thuật, Thuỷ Nguyễn được biết đến dưới nghệ danh “Tia - Thuỷ Nguyễn”, đặc biệt trong vai trò sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tại TPHCM năm 2016 - không gian độc lập đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại.
Năm 2019 là thời điểm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Tia - Thuỷ Nguyễn khi mang tác phẩm đầu tiên trưng bày tại không gian nghệ thuật uy tín nhất thế giới Château La Coste, Pháp. Cùng năm này, nữ nghệ sĩ được Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất bởi những đóng góp trong nghệ thuật và thiết kế.
“Giống như người lính ra chiến trường bị cụt tay chân, phải mang tay chân giả trở về cuộc sống thường nhật. Cây xà cừ kia đã không còn sống, nhưng năng lượng xà cừ và tinh thần cây xanh nơi phố thị thì vẫn còn đó, sẽ chuyển hóa theo vòng tròn. Để một ngày nào đó, năng lượng của chính tác phẩm “Hồi sinh” sẽ đi vào hạt mầm và mọc lên cây xà cừ khác. Xét về ý niệm, “Hồi sinh” thuộc số ít tác phẩm công cộng sâu sắc của Việt Nam. Việc Hà Nội chấp thuận những tác phẩm như thế này hiện diện chính thức cũng là một bước tiến mới về nhận thức”. Nhà nghiên cứu Lý Đợi