Nghệ sĩ, giảng viên Đoàn Phương Anh: "Số mệnh" gắn với đàn tranh

GD&TĐ - Sẽ khó có ngòi bút nào miêu tả hết vẻ đẹp của người phụ nữ ngồi trước cây đàn tranh ngân nga từng nốt nhạc…

Nghệ sỹ Phương Anh “phiêu” cùng cây đàn tranh.
Nghệ sỹ Phương Anh “phiêu” cùng cây đàn tranh.

Bởi từ tinh thần, cốt cách của người nghệ sĩ đến thanh âm diệu kỳ vang lên từ cây đàn này sẽ khiến ai cũng phải “say”. Nữ nghệ sĩ Đoàn Phương Anh - Giảng viên đàn tranh, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), là một trong những người đem lại cảm giác ấy cho tôi.

Thêm một khán giả… là quý rồi

Tôi quen Phương Anh cũng khá lâu và chừng ấy đủ để tôi hiểu về con người của chị. Đó là một người luôn sống nghĩa tình, cởi mở, thân thiện và cũng đầy chỉn chu, trách nhiệm, đam mê với công việc. Và nhờ quen Phương Anh tôi đã hiểu thêm nhiều kiến thức về đàn tranh và cũng mê luôn tiếng đàn của chị.

Tôi vẫn thường hay nói với Phương Anh: “Vào những buổi khuya, tôi thường giải trí bằng cách vào kênh YouTube “Đàn tranh Phương Anh” để nghe bạn chơi những bản nhạc, như: “Cảm xúc Tây Nguyên”, “Xuân này con không về”, “Bèo dạt mây trôi”, “Sang xuân”… Tôi có cảm tưởng Phương Anh với đôi bàn tay thon, búp măng như đang “nhảy múa” trên phím đàn vậy.

Còn khi nhắm mắt lại, tôi cảm nhận tiếng đàn của nữ nghệ sĩ đẹp, truyền cảm và có hình ảnh khiến tôi bị mê hoặc và quên đi mệt mỏi, lo âu bộn bề nơi phố thị”. Những lúc như thế Phương Anh chỉ cười và cho rằng tôi đã quá lời… Dẫu vậy tôi vẫn cảm nhận được sự hạnh phúc của chị khi có một người yêu tiếng đàn của mình.

Thật vậy! Âm nhạc dân tộc nói chung và đàn tranh nói riêng dường như vẫn ít được công chúng và đặc biệt là giới trẻ quan tâm. Vì thế, cứ thêm một người yêu đàn tranh với Phương Anh đã là quý rồi.

Chị chăm chút từng bản nhạc đưa lên kênh YouTube của mình với tâm niệm đó phải là sản phẩm tốt nhất, tốt từ chất lượng âm thanh đến chất lượng hình ảnh.

Đó là cách mà chị “nâng” đàn tranh lên và đó cũng là biểu hiện của việc chị tôn trọng khán giả của mình. Với tôi thì đó là tính cách rất đáng trân trọng của người nghệ sĩ chân chính.

Trả lời bằng việc làm cụ thể

Giảng viên Phương Anh say sưa truyền dạy cho học trò.

Giảng viên Phương Anh say sưa truyền dạy cho học trò.

Phương Anh sinh ra và lớn lên ở phố Hà Trung (TP Hà Nội) và mê đàn tranh từ năm 9 tuổi. Chị đến với đàn tranh từ một tình huống khá thú vị. Hồi ấy, nhạc sĩ Thao Giang đến nhà chị chơi và tác giả “Kể chuyện ngày mùa” phát hiện chị chăm chú theo dõi chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên tivi.

Với con mắt nghệ thuật tinh tường, nhạc sĩ Thao Giang đã hỏi: “Cháu có thích học nhạc cụ truyền thống không?” và ngay lập tức chị đã gật đầu: “Có ạ”. Ngày hôm sau mẹ Phương Anh đã đưa con gái đi mua đàn, cửa hàng có rất nhiều loại đàn nhưng không hiểu sao chị chỉ chọn đúng cây đàn tranh.

Khi kể lại câu chuyện đó với tôi, Phương Anh cười bảo: “Đó dường như là số mệnh mà tôi không thể cưỡng lại được”. Còn tôi thì cứ nghĩ đó là sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn với chị.

Bởi tôi quan sát chị chơi đàn tranh từ dáng ngồi, cách đưa tay vuốt phím đàn rồi đến mái tóc, tất cả đều mang những nét đặc trưng của người con gái Hà thành.

Thiết nghĩ, còn gì thuận lợi hơn khi Phương Anh là người con Hà thành, mang cốt cách, tinh thần của người Tràng An nền nếp, thùy mị, nết na lại được gắn bó với cây đàn được mệnh danh là “quý tộc” trong “gia đình” các nhạc cụ cổ truyền.

Phương Anh yêu, đam mê tiếng đàn tranh vô cùng. Chính bản thân chị cũng không trả lời được mình yêu, đam mê thế nào bởi có trả lời như thế nào đi chăng nữa cũng không đủ hết được. Tuy nhiên chị bảo, chị sẽ trả lời bằng hành động, việc làm cụ thể.

Chừng ấy năm theo đàn tranh, chị đã trả lời bằng bảng dài thành tích đạt được, như: Giải Nhất hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2012 do Bộ VH,TT&DL tổ chức; Huy chương Vàng (tập thể), Huy chương Bạc (tập thể) tại Liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017; giải Nhất cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…

Và chắc chắn trong thời gian tới thành tích ấy sẽ tiếp tục được nối dài, đó sẽ là câu trả lời xác thực nhất, thuyết phục nhất cho nỗ lực và đam mê của nữ giảng viên sinh năm 1991 này.

Dạy đàn bằng cả trái tim

Có những lúc đang ở trên lớp Phương Anh chụp ảnh các em chơi đàn cho tôi xem như muốn “khoe” với tôi tinh thần học tập của các em cũng như muốn “khoe” sự trở lại trường học sau bao ngày tháng dạy online.

Có thể nói những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, không thể đến trường, chị rất nhớ và thương học trò của mình.

Bởi dạy online với một môn đặc thù như đàn tranh thì sẽ gặp vô vàn khó khăn như chất lượng đường truyền đôi lúc chập chờn bị mất hình hoặc mất tiếng rồi có những đoạn nhạc học sinh không hiểu thì cô không thể chỉ trực tiếp được...

Trong tâm tưởng chị luôn muốn truyền dạy cho các em những gì mà các thầy cô đã tâm sức dạy dỗ mình để tình yêu với đàn tranh được nối dài trong đời sống.

Phương Anh bảo, trong học tập nghệ thuật truyền thống nói chung và đàn tranh nói riêng thì thầy cô và học trò sẽ gắn bó trong thời gian rất dài (khoảng hơn 10 năm), vì thế tình cảm rất đỗi gần gũi, thân thiết như những người cha, người mẹ của học trò vậy.

Cũng đã nhiều lần Phương Anh kể về hai thầy cô giáo đã dẫn dắt, giúp đỡ, động viên chị đến với đàn tranh là Thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Ngô Bích Vượng và Giáo sư Ngô Văn Thành với sự cảm phục và lòng biết ơn sâu sắc. Họ thực sự là những người thầy lớn mà Phương Anh noi gương để tiếp nối sự nghiệp đầy vinh quang, tự hào nhưng cũng không ít khó khăn, nhọc nhằn.

Thực sự mà nói công việc “chở đò” chưa khi nào là dễ dàng cả bởi đó là quá trình dài lâu, tốn nhiều công sức, trí tuệ, cần sự bền bỉ, nhiệt huyết từ hai phía: Thầy cô và học trò. Nhưng tôi tin Phương Anh đã, đang và sẽ nỗ lực hết khả năng của mình khi chị tâm đắc chia sẻ: “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ