Tuy nhiên, Liên hoan không khỏi đặt ra những suy ngẫm về khoảng trống trong việc thiếu vắng những gương mặt trẻ triển vọng.
Thiếu những nhạc công tài năng
Hiện nay, tính trung bình, mỗi dàn nhạc của các đơn vị sân khấu truyền thống phải có đến mười người chơi các loại nhạc cụ dân tộc khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nhiều đơn vị sân khấu truyền thống chỉ duy trì được vài nhạc công, cho dù họ đều có thể chơi nhiều nhạc cụ, nhưng vẫn không thể khỏa lấp khoảng trống âm thanh khi cần thể hiện những đoạn hòa tấu phức tạp.
Hiện nay, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam có 8 chuyên ngành nhạc cụ truyền thống là bầu, nhị, sáo, nguyệt, tỳ bà, tam thập lục, thập lục, gõ dân tộc.
Tất cả là đào tạo biểu diễn nhạc cụ, các chuyên ngành khác như thanh nhạc dân tộc (chầu văn, ca trù, quan họ, xoan, ghẹo, ví, hò, cải lương, ca Huế…), chỉ huy dàn nhạc dân tộc, sáng tác, lý luận âm nhạc dân tộc đều chưa có.
NSƯT Hoàng Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: Năm 2012, Nhà hát Cải lương Việt Nam có 14 nhạc công nhưng giờ chỉ còn sáu, người về hưu, người bỏ ra ngoài làm vì thu nhập bấp bênh.
NSƯT Đặng Bá Tài, Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho biết, tình trạng thiếu nhạc công ở sân khấu tuồng cũng phổ biến. Hiện Nhà hát có hơn chục nhạc công nhưng phải chia cho hai đoàn biểu diễn nên cũng không đủ đáp ứng yêu cầu nghệ thuật.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, so với các đơn vị bạn, Nhà hát Chèo có khá hơn, mỗi đoàn bảo đảm trung bình mười nhạc công, nhưng lại nằm trong tình trạng chung là thiếu những nhạc công tài năng thật sự.
Mặc dù rất cần nhạc công, nhưng nhiều đơn vị sân khấu vẫn khó tìm được đội ngũ bổ sung cho dàn nhạc, bởi “đầu vào” cũng gặp nhiều thách thức.
Đơn cử, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cái nôi đào tạo nhạc công kịch hát dân tộc - đã nhiều năm nay không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2016, nhà trường đặt mục tiêu tuyển 12 thí sinh hệ cao đẳng nhưng rốt cuộc chỉ tuyển được 7. Đây là thách thức không nhỏ của sân khấu dân tộc.
Một thực tế đáng buồn hơn nữa đó là giới trẻ ngày nay chỉ chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài mà chẳng hề quan tâm đến âm nhạc dân tộc.
Trong khi người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, để được chứng kiến các nghệ nhân Việt Nam chơi các nhạc cụ dân tộc thì người Việt Nam lại đang quay lưng lại với những nhạc cụ đó. Một trong những nơi đào tạo dòng nhạc dân tộc này đó là Nhạc viện nhưng số lượng sinh viên theo học vẫn là một con số khiến chúng ta cần nhìn lại.
Cần đổi mới tư duy
Chia sẻ về thực tế đào tạo chuyên ngành đào tạo nhạc cụ dân tộc, NSND Thanh Tâm thừa nhận: Hiện nay nhiều người, nhất là các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống.
Nguyên do là các chương trình giảng dạy mới chỉ có khung mà chưa có một hệ thống giáo trình cụ thể thống nhất cho mỗi cây đàn nên việc xây dựng thế nào là một giáo trình chuẩn mực, việc được in ấn, thống nhất bài bản, giáo trình của từng cây đàn là việc vô cùng quan trọng và cần được quan tâm càng sớm càng tốt.
Chuẩn hóa và thống nhất chương trình, giáo trình và số môn học cho người học nhạc cụ truyền thống cũng là vấn đề cần có sự đóng góp ý kiến, thẩm định của nhiều người có nghề và các nhà quản lý văn hóa nhằm đem lại sự thống nhất có tính khả thi cao.
Đồng quan điểm, TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thừa nhận cho đến nay kết quả đào tạo tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế.
Việc đổi mới tư duy trong đào tạo âm nhạc nói chung, đặc biệt là trong đào tạo âm nhạc truyền thống lúc này là cần thiết. Nhưng, nên lựa chọn con đường nào, bảo tồn là duy trì hay bảo tồn còn cần phát triển, đổi mới? Bảo tồn thì liệu có thể tạo ra sự phát triển? Đổi mới thì liệu có bị mất bản sắc?