Nghề mang sứ mạng gắn kết yêu thương

GD&TĐ - Công tác xã hội được nhìn nhận là ngành học của sự gắn kết yêu thương.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tâm dạy kỹ năng sống, sức khoẻ tinh thần cho học sinh tại lớp học cộng đồng 2 - Tổ chức Trả lại tuổi thơ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tâm dạy kỹ năng sống, sức khoẻ tinh thần cho học sinh tại lớp học cộng đồng 2 - Tổ chức Trả lại tuổi thơ.

Ngành học này cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên môn để giúp đỡ các nhóm, cá nhân, cộng đồng tăng cường và phục hồi những chức năng xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nghề “đặc biệt”

Công tác xã hội (CTXH) có tên tiếng Anh là Social Work, một ngành khoa học ứng dụng có trên dưới 100 năm thâm niên. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một ngành nghề mang trong mình sứ mạng giúp đỡ, gắn kết yêu thương, hỗ trợ, chăm sóc những hoàn cảnh kém may mắn, những người khó khăn trong xã hội.

Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển tại các ngành CTXH, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn...

TS Nguyễn Thị Hằng Phương, Trưởng Bộ môn CTXH, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, nhận định, CTXH được mệnh danh là nghề của sự gắn kết yêu thương, của lòng nhân ái. Chính vì vậy mà vài năm trở lại đây, CTXH đã trở thành sự lựa chọn của không ít các bạn sinh viên khi đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học.

Mong muốn mang tâm sức, gắn kết, chia sẻ yêu thương, Phạm Tấn Chung lựa chọn theo học ngành CTXH. “Vì bản thân muốn đóng góp một phần sức lực cho xã hội, mang đến cho xã hội những điều thật ý nghĩa và hạnh phúc nên em đã chọn học ngành CTXH”, Phạm Tấn Chung nói.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương nhận định công tác xã hội là nghề của sự gắn kết yêu thương, của lòng nhân ái.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương nhận định công tác xã hội là nghề của sự gắn kết yêu thương, của lòng nhân ái.

Thêm nhiều kiến thức mới

Vừa có chuyến đi thực tế 1 tháng trong khuôn khổ thực hành nghề nghiệp phát triển cộng đồng ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Tấn Chung cho biết bản thân thu về được nhiều “chiến lợi phẩm”. Đó chính là những kiến thức mới được học hỏi từ thực tế.

“Sau khi đi thực tế về thì em rút được cho bản thân nhiều bài học. Em học hỏi được cách sống từ bạn bè, biết được nhiều điều hay từ mọi người xung quanh. Em trang bị được cho bản thân kỹ năng quản trị cảm xúc, biết điều chỉnh bản thân mình nhiều hơn. Em biết trân trọng những gì mà mình đang có, yêu quý những thứ đó hơn.

Tích cực hơn trong các hoạt động, thiết lập được mối quan hệ tốt hơn với đoàn thanh niên, các cô chú, các em nhỏ tại thôn. Em học được cách biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ, lắng nghe nhau để chủ động hơn, hoàn thành công việc được giao”, chàng trai sinh viên năm 3 chia sẻ.

Em Phạm Tấn Chung cho biết, quá trình theo học ngành CTXH bản thân thấy đặc thù của ngành này là được nhà trường cho đi cọ xát thực tế rất nhiều. Từ năm 2020 đến nay, Chung đã được đi thực hành ở nhiều nơi là tổ chức cơ quan Nhà nước, các trung tâm chuyên biệt, bệnh viện, trường học...

Tấn Chung cho rằng, quá trình đi thực tế với sinh viên rất quan trọng. Nó giúp sinh viên được làm quen với cộng đồng, nhận diện các vấn đề của cộng đồng cần hỗ trợ. Từ đó người học tổ chức các hoạt động, dự án cho cộng đồng.

TS Nguyễn Thị Hằng Phương cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Đó là người học có thể làm trong cơ quan thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các cấp, các tổ chức hội (Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên...).

Có thể có việc làm tại các vị trí ở các cơ sở y tế, dược (làm việc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đội ngũ y tế...). Làm trong các trường học (từ mẫu giáo đến đại học) làm việc với học sinh, giáo viên, phụ huynh về những vấn đề khó khăn tâm lý - xã hội của họ.

Hoặc sinh viên cũng có thể làm tại các tổ chức phi chính phủ (về các hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng, an sinh xã hội...), đoàn thể (công đoàn, bảo vệ trẻ em, đài phát thanh truyền hình, cơ quan báo chí, các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục cộng đồng, giáo dục hướng nghiệp...).

Ngoài ra, người học ngành CTXH có thể làm việc tại các tổ chức, ban ngành về chính sách xã hội, các cơ sở giáo dục đào tạo CTXH (giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng...). Hay làm tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về CTXH, (thực hiện nghiên cứu và phát triển đối với các dự án xã hội).

Phạm Tấn Chung (mũ trắng) cùng bà con sơn sửa lại Miếu Âm Linh, ở thôn Hòa Trung trong chuyến đi thực tế.

Phạm Tấn Chung (mũ trắng) cùng bà con sơn sửa lại Miếu Âm Linh, ở thôn Hòa Trung trong chuyến đi thực tế.

Phải có đam mê và yêu nghề

Cựu sinh viên chuyên ngành CTXH Nguyễn Thị Hồng Tâm hiện tại đang làm việc tại tổ chức Giving it back to kids (Trả lại tuổi thơ) với vai trò giáo viên dạy kĩ năng sống - sức khỏe tinh thần chia sẻ: “Khi đi làm em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế để giúp đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống, có 1 sức khỏe tinh thần lành mạnh và tích cực. Những kỹ năng đó rất có ích giúp em biết cách để có thể xây dựng mối quan hệ tốt và tích cực với đồng nghiệp với học sinh, phụ huynh và cả những người xung quanh…”.

Theo Hồng Tâm để làm nghề CTXH tốt thì trước hết phải có đam mê và yêu nghề. Vì bất cứ công việc gì nếu đam mê yêu nghề thì tự khắc mỗi ngày đi làm chúng ta đều cảm thấy vui vẻ, yêu đời và phát triển. Ngành CTXH là ngành làm với con người, nên chúng ta phải yêu thương, phải thấu hiểu, đồng cảm thì mới có thể chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ họ được. Thứ ba, là phải có kiến thức nền tảng tốt.

“Mặc dù, chúng ta sẽ có thời gian để làm quen công việc để được hỗ trợ và học hỏi, nhưng em nghĩ kiến thức nền tảng là yếu tố cần thiết để bạn có thể làm tốt và phát triển trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các yếu tố nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp chúng ta trở nên chuyên nghiệp và quyết đoán, phát triển hơn trong công việc”, Nguyễn Thị Hồng Tâm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.