Trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên.

Giáo viên huyện vùng sâu, vùng xa Kon Tum vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Giáo viên huyện vùng sâu, vùng xa Kon Tum vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Kịp thời quan tâm, hỗ trợ

Năm học vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum cũng gặp không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Công việc và cuộc sống của cán bộ, giáo viên vì thế cũng bị ảnh hưởng. Để giáo viên yên tâm công tác, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt quan tâm đến thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ái, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Kon Tum, cho biết, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đơn vị thường xuyên quán triệt đến các cấp Công đoàn trong toàn ngành phối hợp tốt, tìm ra nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao đời sống và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho cán bộ, giáo viên.

Trong năm 2021, cán bộ, giáo viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão số 5 đến số 9. Đặc biệt có khoảng 200 cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành Giáo dục bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục xuống cấp với ước tính tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai cuộc vận động “Trao gửi yêu thương, nhận về hạnh phúc” nhằm kêu gọi sự chia sẻ, chung tay hỗ trợ đối với các vùng bị thiệt hại trong bão lũ. Với tinh thần “Mỗi nhà giáo dành một ngày lương, mỗi học sinh tiết kiệm một bữa ăn sáng”, tập thể giáo viên, nhân viên các trường thuận lợi đã cùng chung tay gửi những món quà giá trị ủng hộ cho những trường bị ảnh hưởng. Công đoàn ngành cũng thăm và hỗ trợ 25 giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng do bão số tiền hơn 26 triệu đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Công đoàn đã chăm lo cho 1.836 lượt cá nhân và đơn vị, với tổng số tiền là 574 triệu đồng. Tết Nguyên đán 2022, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cũng tổ chức Tết sum vầy tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) và tặng 107 suất quà với tổng số tiền là hơn 67 triệu đồng cho nhà giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở đã chăm lo cho 1.754 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng…

“Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với văn phòng sở GD&ĐT thăm hỏi, trao quà và động viên cán bộ, giáo viên và học sinh các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo đó, hỗ trợ 830 bộ test nhanh, 89 thùng sữa lớn, 160 hũ

vitamin C, 3.000 khẩu trang… với tổng trị giá khoảng 97 triệu đồng. Những phần quà này kịp thời hỗ trợ nhằm động viên tinh thần cán bộ, giáo viên để vượt qua khốn khó. Ngoài ra, với những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đơn vị cũng hướng dẫn lập hồ sơ để đề nghị Liên đoàn Lao động hỗ trợ, xây dựng Mái ấm Công đoàn”, bà Ái nói.

Công đoàn ngành Giáo dục tặng quà Tết cho cán bộ, giáo viên khó khăn.

Công đoàn ngành Giáo dục tặng quà Tết cho cán bộ, giáo viên khó khăn.

Tôn vinh, ghi nhận cống hiến của giáo viên

Không chỉ quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn ngành Giáo dục Kon Tum còn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên.

“Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách liên quan, Công đoàn còn hỗ trợ cán bộ, giáo viên nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục”, bà Ái chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum quản lý, chỉ đạo trực tiếp 32 Công đoàn cơ sở. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên, bà Nguyễn Thị Ái cho biết, đơn vị sẽ chú trọng nắm bắt những khó khăn, bất cập trong việc triển khai, thực hiện chế độ, chính sách tại cơ sở, đời sống. Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thông qua nguồn lực trong và ngoài đơn vị. Đồng thời tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nữ công, bình đẳng giới, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”...

“Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đơn vị sẽ tổ chức hoạt động tôn vinh, chia sẻ, động viên, ghi nhận những cống hiến của các thế hệ nhà giáo đã và đang công tác trong ngành Giáo dục. Đồng thời tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục giá trị truyền thống… nhằm thúc đẩy sự nỗ lực, khai thác tiềm năng và truyền cảm hứng cho mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên. Từ đó, giúp cán bộ, giáo viên yên tâm công tác và sẵn sàng đóng góp cho sự lớn mạnh của ngành Giáo dục cũng như đất nước”, bà Ái nhấn mạnh.

Ở huyện biên giới Sa Thầy, việc quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên công tác, sáng tạo trong dạy và học cũng được chú trọng. Bà Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy, cho hay, năm học 2022 - 2023 toàn huyện có khoảng 960 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Đội ngũ giáo viên ở huyện vùng biên ít nhiều cũng thiệt thòi và gặp khó khăn trên hành trình đưa chữ đến với học trò. Do đó, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, các trường xây dựng bếp ăn tập thể, chỗ ở bán trú cho thầy cô.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng xây dựng quỹ Công đoàn nhằm thăm hỏi, hỗ trợ công đoàn viên khi ốm đau hoặc khó khăn. Bên cạnh việc chăm lo đời sống, tinh thần và vật chất, đơn vị còn đặc biệt tạo điều kiện, hỗ trợ để thầy cô sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tạo môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện, thoải mái để giáo viên có thể tự do bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

“Phòng GD&ĐT Sa Thầy thường xuyên tuyên truyền giáo viên các lớp, trường phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống. Đơn vị cũng không áp đặt, gây khó khăn mà luôn khuyến khích thầy cô sáng tạo, đóng góp ý kiến để xây dựng ngành Giáo dục ngày càng phát triển”, bà Dung bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ