Nghệ An tiếp sức cơ sở mầm non tại các khu công nghiệp

GD&TĐ - HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Giờ học năng khiếu tại Trường Mầm non Thanh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.
Giờ học năng khiếu tại Trường Mầm non Thanh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.

Đây là tin vui đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập sau thời gian chờ đợi. Đặc biệt là cơ sở tư thục, nhóm trẻ độc lập ở địa phương có khu công nghiệp, tập trung phần lớn trẻ là con em công nhân, người lao động.

Chia sẻ khó khăn với công nhân

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Nam cùng là công nhân tại KCN VISIP (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Do đặc thù công việc, muốn tăng ca kiếm thu nhập, nên vợ chồng gửi 2 con ở Trường Mầm non Việt – Anh (TP Vinh, Nghệ An). Tuy nhiên, 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của vợ chồng giảm đáng kể, khó trang trải học phí cho 2 con.

Để hỗ trợ phụ huynh, nhà trường phải giãn tiền nộp học phí. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh, nhiều bố mẹ đã quyết định gửi con cho ông bà và năm học mới xin vào trường công lập ở quê, chấp nhận xa con vì kinh tế khó khăn.

Mới thành lập 3 năm, nhưng Trường Mầm non Thanh Xuân (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đã tuyển sinh được hơn 400 trẻ. Đây cũng là trường mầm non ngoài công lập hiếm hoi của thị xã địa đầu xứ Nghệ, dù có số lượng dân cư đông, tập trung nhiều công nhân lao động trong nhà máy, xí nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm đầu tiên, nhà trường cũng có một số chính sách hỗ trợ học phí, xe đưa đón để thu hút phụ huynh đăng ký cho trẻ theo học. Tuy nhiên, học phí tại trường tư thường cao hơn so với trường công lập 4 - 5 lần. Đối với phụ huynh là công nhân, có nhu cầu gửi con ở trường tư vì linh hoạt thời gian đưa đón, nhưng thu nhập thấp nên để đáp ứng được học phí là cả một bài toán khó”. Dù vậy, cô Phương cũng chia sẻ, nhà trường không thể hạ thấp học phí hơn nữa. Vì là đơn vị ngoài công lập, không được hỗ trợ ngân sách, toàn bộ nguồn chi cho các hoạt động, bổ sung trang thiết bị, trả lương cho GV đều từ học phí.

Trong khi đó, riêng xã Hưng Đông (TP Vinh) có đến 15 cơ sở mầm non tư thục hoạt động và khoảng 10 nhóm trẻ độc lập khác. Những đơn vị này chủ yếu tập trung ở khu vực có nhiều công nhân làm việc tại KCN Bắc Vinh hoặc khu KCN VISIP. Chủ cơ sở Mầm non Búp sen xanh, bà Đặng Thùy Dung cho biết: Cơ sở có đến 50% trẻ là con em công nhân nên mọi hoạt động của nhà trường cũng theo lịch của phụ huynh. Các cô thường đón trẻ sớm từ 6 giờ sáng và trả trẻ đến tận 19 – 20 giờ đêm.

“Cũng do hoàn cảnh phụ huynh phần lớn là lao động thu nhập thấp, nên nhà trường cố gắng tiết kiệm mọi chi phí. Hiện, các phòng học đều có tivi, điều hòa, song các trường trung tâm thành phố thu học phí trên 1 triệu, chúng tôi vẫn đang duy trì mức 700 – 800.000 đồng/tháng. Tiền ăn cho trẻ là 20.000 đồng/ngày kể cả bữa sáng. Nhưng như vậy, thì việc bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ sẽ hạn chế hơn”, bà Đặng Thùy Dung nói.

GV tại các cơ sở mầm non có trên 30% trẻ là con em công nhân tại các KCN được hỗ trợ 800 nghìn đồng/người/tháng theo thời gian thực dạy.
GV tại các cơ sở mầm non có trên 30% trẻ là con em công nhân tại các KCN được hỗ trợ 800 nghìn đồng/người/tháng theo thời gian thực dạy.

Chính sách hỗ trợ thiết thực

Theo khảo sát của Sở GD&ĐT Nghệ An, mức học phí bình quân của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn có khu công nghiệp là 600.000 đồng/trẻ/tháng, chỉ bằng 60% so với học phí các trường tư thục trong khu dân cư trung tâm. Mức lương chi trả bình quân của các cơ sở là khoảng 4 triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn.

Thu nhập này khá thấp so với mức sinh hoạt hiện nay, trong khi phần lớn giáo viên mầm non đang trẻ, phải thuê trọ hoặc nuôi con nhỏ. Về phía các cơ sở mầm non, do mức thu học phí thấp nên các chủ nhóm, lớp độc lập không có nguồn tích lũy để bổ sung đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và tu sửa cơ sở vật chất hằng năm.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, quy định mức hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gồm trẻ là con em công nhân, cơ sở GD mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp và GV làm việc tại đây.

Qua thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, có gần 20 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với khoảng 600 trẻ thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ của Nghị định 105 thuộc 4 khu công nghiệp Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai I và VISIP. Trên cơ sở này, ngành đã tham mưu HĐND tỉnh Nghệ An thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: Cơ sở giáo dục mầm non độc lập (bao gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập. Trong đó, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Nhóm 2, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình trên có bố hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Nhóm 3 là giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non có các tiêu chí trên.

Về mức hỗ trợ, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đủ điều kiện được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/cơ sở để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/1 năm học. Mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non là 800.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.

Nghị quyết được HĐND tỉnh Nghệ An thông qua, các đối tượng là con em công nhân, giáo viên và các cơ sở giáo dục sẽ chính thức được nhận hỗ trợ từ đầu năm học tới. Theo ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, dự toán tổng kinh phí hỗ trợ cho cả ba đối tượng là gần 1,6 tỷ đồng/năm. Số tiền này không lớn nhưng sẽ là nguồn động viên, hỗ trợ cho người lao động và phần nào chia sẻ với những khó khăn của công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Nhất là trong thời gian bị ảnh hưởng kéo dài bởi dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ