Tháo gỡ khó khăn, phát triển trường lớp mầm non tại khu công nghiệp - chế xuất

GD&TĐ - Sáng 26/10, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác quản lý Nhà nước với GD mầm non và giải quyết trường, lớp mầm non cho con công nhân ở KCN-KCX.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Anh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Anh

Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ GD-ĐT có Thứ trưởng Ngô Thị Minh, lãnh đạo Vụ GD Mầm non, về phía UBND tỉnh Đồng Nai có bà Nguyễn Hoà Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các sở ban ngành liên quan.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Trương Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết:

Tính đến nay toàn tỉnh có 371 trưởng mầm non, trong đó có 225 công lập, 147 trường tư thục. Có 1.124 nhóm lớp nhà trẻ, 4.921 lớp mẫu giáo. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 12.659 cán bộ quản lý, giáo viên ở bậc mầm non. Trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp sư phạm, trình độ từ CĐ sư phạm trở lên là 6.823/11.807 người, tỷ lệ 57,79%.

Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành, các cấp thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển trường MN tư thục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022. Theo định hướng đến năm 2022 trên địa bàn Đồng Nai sẽ có 341 trường MN tư thục.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Nai trình bày báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Nai trình bày báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT

Được biết, Đồng Nai hiện có 32 KCN đã và đang hoạt động với khoảng 436.000 lao động đang làm việc trong đó 60% là dân nhập cư từ địa phương khác. Toàn tỉnh có 4 trường MN nằm liền kế trong KCN-KCX, 20 trường và 237 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục giáp ranh các KCN.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội hoá GD và ban hành cơ chế, chính sách của địa phương trong việc thúc đầy đầu tư phát triển các loại hình GD mầm non ngoài công lập, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều quy định cụ thể như:

Nghị quyết số 80/2013 về việc miễn, giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án thực hiện xã hội hoá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nghị quyết 147 về phát triển GD mầm non giai đoạn 2015-2020. Nghị quyết 99 về đề án Sữa học đường giai đoạn 2014-2020. Nghị quyết 101 về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020...

Học sinh mầm non tại Đồng Nai trong giờ học. Ảnh minh hoạ
Học sinh mầm non tại Đồng Nai trong giờ học. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai, để phát triển GD mầm non ở các KCN-KCX trên địa bàn vẫn gặp một số tồn tại như quỹ đất cho giáo dục rất khó khăn;

Mức thu nhập của giáo viên, người lao động còn thấp dẫn đến đội ngũ này thường xuyên biến động, giờ làm việc của giáo viên mầm non cao hơn so với quy định…  

Một số địa bàn có nhiều KCN, nhà máy, các chủ đầu tư chỉ tập trung quỹ đất, tài chính cho việc sản xuất, chưa quan tâm đến phúc lợi, đời sống của công nhân, việc đầu tư thành lập nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân chưa được quan tâm... 

Để giải quyết vấn đề nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có rất nhiều giải pháp để tháo gỡ, bước đầu có hiệu quả nhưng về lâu dài vẫn rất cần những hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất phát triển GD mầm non ngoài công lập.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai sáng ngày 26/10
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai sáng ngày 26/10

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã có những định hướng cho tỉnh, cho ngành GD-ĐT Đồng Nai trong thời gian tới tiếp tục tham mưu để tỉnh triển khai hiệu quả hơn những chính sách của địa phương như: hỗ trợ thu nhập cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng ngoài công lập theo nghị quyết 147 của HĐND tỉnh; Hỗ trợ đồ dùng thiết bị tối thiểu cho các nhóm, lớp ngoài công lập; đề án Sữa học đường…  

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý về chất lượng GD mầm non ngoài công lập. Theo đó, địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch và có những hỗ trợ để tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên mầm non trong việc nâng chuẩn phù hợp với quy định mới.

Bám sát nghị định 105 về quy định chính sách phát triển GD mầm non của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/11/2020), trong đó lưu ý tới chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, ở địa bàn có KCN.

Bên cạnh đó cũng chú trọng đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập, sân chơi cho trẻ, các công trình vệ sinh, nguồn nước sạch… Đảm bảo quyền bình đẳng của trẻ em, dù học tập ở ngoài công lập hay công lập.

Đẩy mạnh xã hội hoá GD mầm non có hiệu quả, cần có những tính toán phù hợp với quy định pháp lý để tháo gỡ đảm bảo giờ làm theo quy định đối với giáo viên mầm non, giảm áp lực cho giáo viên mầm non…

UBND tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dành quỹ đất, đầu tư các thiết chế văn hoá trong đó có trường, lớp cho con em công nhân trong KCN.

Tặng quà cho học sinh nhóm trẻ Khôi Nguyên
Tặng quà cho học sinh nhóm trẻ Khôi Nguyên

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thứ trưởng và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Trường Mầm non Tuổi Ngọc, nhóm trẻ tư thục Khôi Nguyên trên địa bàn phường An Bình, TP. Biên Hoà. Đây là hai cơ sở đa phần trẻ là con em công nhân.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm một lớp học của Trường Mầm non Tuổi Ngọc
Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm một lớp học của Trường Mầm non Tuổi Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ