Nghệ An: Thôn, xã thoát nghèo, cô trò mất chỗ dựa

GD&TĐ - Theo nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo, việc xã thoát “đặc biệt khó khăn” là điều đáng mừng nếu điều kiện kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) từ năm học tới sẽ bị cắt hỗ trợ do xã không còn đặc biệt khó khăn Khu vực 3
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Tân Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) từ năm học tới sẽ bị cắt hỗ trợ do xã không còn đặc biệt khó khăn Khu vực 3

Tuy nhiên thực tế đời sống, thu nhập của phụ huynh học sinh chưa có cải thiện đáng kể, trong khi chế độ trợ cấp bị cắt khiến các em thiệt thòi và nhà trường gặp khó khăn. Đặc biệt trong việc duy trì sĩ số, bảo đảm chất lượng giáo dục. 

Mất “chỗ dựa” tổ chức bán trú cho trẻ

Xá Lượng là một trong 5 xã của huyện miền núi cao Tương Dương, Nghệ An ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn khu vực 3 từ năm 2021. Theo cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, điều này có nghĩa trẻ mất chế độ hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng theo Nghị định 06.

“Những năm qua, để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, chúng tôi tổ chức bán trú dân nuôi. Trẻ mang cơm từ nhà đến trường, các cô trồng thêm rau củ nấu canh. Tiền mua thêm thức ăn, mua sắm vật dụng sinh hoạt hỗ trợ bán trú; bổ sung sách vở, đồ dùng đồ chơi... nhà trường thỏa thuận với phụ huynh lấy từ nguồn trợ cấp trên.

Dù số tiền 160 nghìn/cháu/tháng không đủ cho các chi phí, đến mùa “giáp hạt”, GV vẫn phải bỏ tiền túi mua gạo, sữa cho trẻ, song nhà trường vẫn có “chỗ dựa” để tổ chức hoạt động bán trú. Nhưng giờ xã thoát nghèo, chúng tôi “không biết nhìn vào đâu” để lo bữa ăn cho trò”, cô Lê Hồng Quang cho biết.

Không chỉ học sinh mất chế độ, thu nhập của giáo viên cũng bị cắt giảm đáng kể (giảm 20% phụ cấp đứng lớp, cắt chế độ thu hút, thâm niên, chi phí nước sạch và hỗ trợ tàu xe)... Cô Lê Hồng Quang cho hay: Theo tính toán, tôi bị giảm 7,3 triệu mỗi tháng so với trước đây. Các giáo viên khác (đã hết thời gian nhận trợ cấp thu hút về vùng đặc biệt khó khăn) giảm từ 3 – 3,5 triệu/tháng.

Việc cắt giảm thu nhập ảnh hưởng lớn đến đời sống, trong khi công việc của giáo viên mầm non vốn vô cùng vất vả. “Ở miền núi, không chỉ giáo dục trẻ theo chương trình quy định, giáo viên còn tự nguyện bỏ công sức chăm sóc trẻ buổi trưa, thậm chí còn bỏ tiền túi để hỗ trợ bữa ăn, mua học liệu cho các cháu”, cô  Lê Hồng Quang nói.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, việc xã thoát nghèo là điều đáng mừng nếu như điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của phụ huynh tăng lên. Nhưng thực tế, đời sống bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở đây vẫn rất khó khăn. Như bản Na Thành, Hợp Bè dù khoảng cách gần trung tâm nhưng lại tách biệt như ốc đảo, dân trí vẫn lạc hậu.

Năm học tới, trường có 336 cháu, ngoài trường chính còn có 6 điểm lẻ. Lâu nay, nhà trường chủ yếu vận động xã hội hóa bằng sức dân, ngày công là chính. “Còn để huy động kinh phí là điều khó khả thi. Khi bị cắt hết nguồn trợ cấp, năm học tới với cả cô và trò sẽ gặp muôn vàn khó khăn”, cô Lê Hồng Quang lo lắng.

Thầy cô Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) nhường nhà ký túc xá cho học sinh bán trú
Thầy cô Trường Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) nhường nhà ký túc xá cho học sinh bán trú 

Lo ngại duy trì chất lượng giáo dục vùng cao

Với giáo dục phổ thông, học sinh tiểu học, THCS, THPT ở xã đặc biệt khó khăn (Khu vực 3) và ở thôn, bản đặc biệt khó khăn (thuộc xã Khu vực 2 và Khu vực 1) được trợ cấp theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Cụ thể, HS dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh (với quy định kèm theo) nhà xa trường, học tại trường PTDTBT hoặc trường có tổ chức nấu ăn tập trung được nhận hỗ trợ gồm: Tiền ăn, ở bán trú bằng 50% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng/em. Thời gian hưởng hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Nguồn hỗ trợ từ Nghị định 116 và các chính sách khác của Nhà nước là cơ sở để Nghệ An triển khai mô hình trường dân tộc bán trú ở các huyện miền núi cao những năm qua. Tính đến cuối năm 2020, Nghệ An có 51 trường PTDTBT THCS với hơn 18 nghìn học sinh hưởng hỗ trợ. Trong đó có hơn 10 nghìn em được ăn, ở, học tập tại trường như nội trú từ thứ 2 - 6. Ngoài ra, những cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện thành lập trường DTBT, hàng nghìn em cũng được hưởng chế độ.

Lớp học được trưng dụng thành phòng ở bán trú cho học sinh tại Trường Tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Lớp học được trưng dụng thành phòng ở bán trú cho học sinh tại Trường Tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Trong 3 năm gần đây, nhiều huyện vùng cao của Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... lập đề án xây dựng mô hình trường tiểu học bán trú. Mục đích gom nhóm học sinh từ điểm lẻ về trường chính, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, với những xã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn, việc triển khai mô hình này rơi vào bế tắc do không còn trợ cấp.

Bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Huyện có 5 đơn vị gồm thị trấn Thạch Giám, xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng đã ra khỏi Khu vực 3. Học sinh các cấp học tại đây đồng nghĩa bị cắt chế độ hỗ trợ, việc tổ chức bán trú ở nhà trường cũng đối mặt với trở ngại. Thực tế nhiều phụ huynh cho con đi học vì vừa được miễn học phí, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, vừa có tiền trợ cấp. Và để thay đổi tư duy từ được bao cấp sang bỏ tiền cho con đi học với bà con DTTS  cần một quá trình.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có hơn 259 học sinh bán trú. Nhưng năm học tới, nhà trường cũng chưa biết sẽ triển khai công tác bán trú, dạy học 2 buổi/ngày như thế nào khi xã “thoát nghèo”. Thầy Trần Quốc Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nếu tiếp tục, trường phải huy động xã hội hóa từ phụ huynh. Nhưng điều kiện kinh tế của người dân rất vất vả, nếu gia đình có 2 con cùng đi học là gánh nặng lớn.

Theo thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ, năm 2021, hầu hết xã trên địa bàn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 1 nghìn HS trước đó được hưởng chế độ 116, với số tiền hỗ trợ hàng năm hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này là bài toán khó đối với mỗi nhà trường và cả chính quyền địa phương nếu không có đóng góp từ phụ huynh.

Ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã Khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025. Theo Quyết định này, Nghệ An từ 252 xã đặc biệt khó khăn (thuộc cả 3 khu vực 1, 2, 3) giảm xuống còn 131 xã. Riêng xã đặc biệt khó khăn Khu vực 3 giảm từ 106 xuống còn 76 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn (thuộc Khu vực 1, 2) cũng cắt giảm khoảng một nửa với khoảng 500 thôn, bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.