Biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng nuôi dạy học sinh bán trú

GD&TĐ - Thầy Đoàn Văn Đạt - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS số 1 Khoen On (Lai Châu) - từ kinh nghiệm thực tế đã chia sẻ kinh nghiệm khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng nuôi dạy học sinh bán trú.

Biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng nuôi dạy học sinh bán trú

Luôn chú trọng về cơ sở vật chất bán trú

Để thực hiện được tốt mô hình các trường PTDTBT nói chung và các nhà trường PTDTBT THCS nói riêng thì một trong những điều kiện rất quan trọng đó là cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bán trú.

Nói về những khó khăn trong xây dựng cơ sở vật chất, thầy Đoàn Văn Đạt tâm sự: Đã có lúc niềm tin của các bậc phụ huynh về việc mở bán trú của nhà trường là rất “mỏng manh”. Thậm chí, có một số phụ huynh ra mặt phản đối, đòi nhận chế độ về nhà cho học sinh.

Từ những khó khăn đó, Ban giám hiệu các trường đã tham mưu lên Đảng uỷ, Chính quyền xã, Hội cha mẹ học sinh về lợi ích và cách thức tổ chức bán trú cho học sinh; vận động gia đình, nhà trường và xã hội cùng làm với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục.

Bởi vậy các gia đình cùng các đoàn thể khác đã tích cực ủng hộ ngày giờ công để từng bước nâng cao cơ sở vật chất với mục đích phục vụ các em tốt nhất có thể.

Cơ sở vật chất bán trú đảm bảo không những giúp học sinh yên tâm ở lại trường học tập và sinh hoạt mà còn giúp các gia đình yên tâm hơn cho con em mình ở lại trường.

Luôn chú trọng việc cần cải thiện bữa ăn cho học sinh

Với số tiền 420.000/tháng/học sinh, mỗi ngày ăn của học sinh chỉ có khoảng 14.000 (có những học sinh chủ nhật vẫn ở lại trường).

Thầy Đoàn Văn Đạt cho biết, nhà trường đã giao cho ban quản lí tính toán và lên thực đơn khẩu phần ăn cho học sinh hàng ngày; thường xuyên kiểm tra, đối chiếu thực đơn về số lượng, chất lượng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bớt xén khẩu phần, hoặc không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lương thực, thực phẩm được kiểm tra trước khi xuất cho nhân viên cấp dưỡng để nấu ăn. Tất cả những lần nhập lương thực, thực phẩm phải có sự chứng kiến, kí nhận của học sinh và được thông tin trực tiếp trên bảng công khai tài chính hàng ngày.

Hội cha mẹ học sinh hàng ngày được kiểm tra lượng lương thực, thực phẩm, và báo giá của các mặt hàng. Khẩu phần của học sinh phải có được 3 món chính (Thịt/ cá + trứng/đậu/rau xào thịt + canh), được thay đổi hàng ngày, đảm bảo đủ cho học sinh ăn no và ngon miệng.

Học sinh được tham gia nhận thực phẩm, kiểm tra thực phẩm và báo lên cũng như kí tên vào bảng công khai tài chính hàng ngày. Nhà trường cũng trao đổi, trò chuyện cùng học sinh xem học sinh muốn ăn gì, không muốn ăn gì để từ đó có điều chỉnh thích hợp giúp các em thấy thật sự thoải mái khi ở bán trú.

Cần có kí kết hợp đồng cung cấp thức ăn bán trú với người giao hàng. Nhân viên cấp dưỡng khi nấu ăn phải chú ý về thời gian, tránh nấu sớm quá thức ăn dễ bị nguội, đặc biệt về mùa đông thức ăn phải đảm bảo nóng khi tới tay học sinh. Phòng tránh tối đa việc ngộ độc thực phẩm do công tác chế biến hoặc do mất vệ sinh của nhà bếp gây nên.

Đối với nhân viên cấp dưỡng, phải thường xuyên khám sức khoẻ định kì (6 tháng/lần); nếu trường hợp người nào bị các loại bệnh truyền nhiễm, thì yêu cầu nghỉ để điều trị khỏi mới được tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, nhân viên cấp dưỡng cũng phải không ngừng nâng cao “tay nghề” hạn chế tối đa việc cơm sống, thức ăn không phù hợp với học sinh.

Luôn tìm tòi, đổi mới công tác quản lí học sinh bán trú

Có thể nói việc quản lí học sinh ở bán trú ở cấp học nào cũng rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt là ở cấp THCS.

Hiểu và nắm rõ được vấn đề này, theo thầy Đào Văn Đạt, Ban giám hiệu các trường PTDTBT của huyện Than Uyên đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu để làm sao tìm ra được một biện pháp quản lí học sinh của nhà trường một cách tốt và hiệu quả nhất.

Trước tiên là việc học tại trường của học sinh. Do cơ sở vật chất ở các trường không giống nhau. Có trường còn chung cơ sở vật chất với cấp Tiểu học và mầm non (Trường PTDTBT THCS số 1 xã Khoen On). Có trường học 2 ca như trường PTDTBT THCS xã Phúc Than. Do đó mỗi nhà trường đã tự mình đưa ra kế hoạch học tập cho các em sao cho hiệu quả nhất.

Trường PTDTBT THCS xã Tà Hừa và Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia đã cho các em bán trú học tập vào buổi chiều, còn đối với hai trường còn lại đó là tổ chức cho học sinh học vào buổi tối.

Bên cạnh việc học, việc sinh hoạt vui chơi và lao động của các em cũng được các nhà trường quan tâm.

Tất cả các trường đều có một thời gian biểu hoạt động cụ thể dán ở trong phòng các em. Ngoài ra mỗi phòng còn có thêm danh sách học sinh trong phòng, nội quy bán trú của nhà trường cũng như tên các giáo viên phụ trách.

Chính vì vậy, giúp các em chủ động trong các họat động, thêm yêu trường mến lớp hơn. Cùng với việc quản lí của giáo viên và phụ huynh, đội Cờ đỏ bán trú cũng theo dõi, nhắc nhở, ghi tên những học sinh vi phạm nội quy (nếu có) để Ban thi đua có biện pháp giáo dục, nhắc nhở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.