(GD&TĐ) - Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2012-2013, Nghệ An có 1.067 nhóm trẻ với 20.700 cháu, bình quân mỗi nhóm 19,4 cháu (trong đó bán trú có 863 nhóm với 17.126 cháu, bình quân mỗi nhóm 19,8 cháu); đối với mẫu giáo, có 4.362 lớp với 132.130 cháu, bình quân mỗi lớp 30,29 cháu (trong đó bán trú có 3.506 lớp với 109.252 cháu, bình quân mỗi lớp 31,16 cháu). Hiện tại, cả tỉnh có 7.481 giáo viên biên chế và 383 giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn, bình quân mỗi nhóm lớp 1,44 giáo viên. Trong khi đó, theo đúng quy định, Nghệ An phải cần đến ít nhất 10.002 giáo viên, như vậy còn thiếu tới 2.138 giáo viên.
Mất chuẩn chất lượng vì thiếu giáo viên
Việc thiếu giáo viên mầm non không phải tập trung ở một vài huyện mà trải trên diện rộng: Năm học này, huyện Nghi Lộc có 329 nhóm lớp nhưng chỉ có 415 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,26 giáo viên; thị xã Cửa Lò 72 nhóm lớp, có 106 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,47 giáo viên; Tân Kỳ có 286 nhóm lớp với 424 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,48 giáo viên....
Giáo viên là một trong hai điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng giáo dục. Không có đủ giáo viên đứng lớp, việc nói nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là duy ý chí. Thử làm một phép tính đơn giản. Một trường mầm non có 10 nhóm lớp, theo thực tế hiện nay, chỉ có từ 14 đến 15 giáo viên. Thông thường trong 10 lớp ấy sẽ có 4 lớp gồm các cháu 5 tuổi, còn 6 lớp cháu ở các độ tuổi khác. Để đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhà trường phải dành 8 giáo viên cho 4 lớp 5 tuổi, 6 lớp còn lại chỉ có 6 đến 7 giáo viên phụ trách. Một cô giáo phụ trách một lớp này (20 cháu trong độ tuổi nhà trẻ hoặc 30 cháu 3, 4 tuổi), hàng ngày phải có mặt ở trường từ 7 giờ đến 17 giờ để làm các công việc: Đón, trả trẻ; dạy trẻ theo đúng chương trình hai buổi/ngày; cho trẻ ăn một bữa chính và một bữa phụ; quản lý trẻ ngủ trưa. Một cô giáo với chừng ấy công việc liên tục trong suốt 10 giờ liền, làm sao để có chất lượng đạt yêu cầu? Đó là chưa nói đến có lúc cô giáo cần phải ra khỏi lớp mươi phút, phải đi ăn trưa, ai sẽ là người quản lý các cháu?
Trường MN Cao Sơn (Anh Sơn) tuy đã hợp đồng thêm 2 giáo viên, mỗi lớp cũng chỉ mới 1,4 giáo viên |
“Như là bóc lột”
Tại nhiều trường mầm non ở Vinh, Cửa Lò, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ..., do quá thiếu giáo viên, để đảm bảo chất lượng nuôi dạy các cháu, không ít trường phải “xé rào” (như Mầm non Hà Huy Tập, Mầm non Cửa Nam, Mầm non Diễn Kỷ, Mầm non Cao Sơn,...) hợp đồng lao động ngắn hạn thêm giáo viên. Tổng số giáo viên các đơn vị hợp đồng ngắn hạn lên đến con số 659 người, trong đó Vinh 245, Tân Kỳ 135, Yên Thành 74, Anh Sơn 53, Quế Phòng 48, Quỳnh Lưu 40, Quỳ Châu 22, Diễn Châu 17,.... Nhưng nếu tính cả 659 giáo viên hợp đồng lao động ngắn hạn này, bình quân mỗi nhóm lớp cũng chỉ có 1,57 giáo viên.
Thiếu giáo viên, nhiều giáo viên mầm non liên tục ngày nào cũng phải làm thêm giờ. Nếu như giáo viên các cấp học phổ thông được thanh toán tiền làm ngoài giờ thì việc làm thêm giờ của giáo viên mầm non hầu như không được thanh toán. Một Phó Trưởng phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn Giáo dục cấp huyện (xin không nêu tên), bức xúc: “Việc bố trí thiếu nhân lực như hiện nay ở các trường học, nói thẳng ra, là sự bóc lột sức lao động của chị em”.
Đáng lo hơn, không có đủ giáo viên đồng nghĩa với việc không thể nào chăm sóc, nuôi dạy các cháu có chất lượng. Nhiều nhà quản lý kiến nghị không nhất thiết phải có định biên mới bố trí đủ giáo viên cho các trường mầm non. Trong khi Nhà nước chưa có điều kiện giao đủ định biên giáo viên mầm non theo nhu cầu, UBND tỉnh Nghệ An có thể nghiên cứu, ban hành cơ chế cho phép các huyện, thành phố, thị xã thực hiện hợp đồng lao đồng với giáo viên. Và, nếu cơ chế này ra đời, hiện tượng “xé rào” hiện nay ở các trường mầm non chắc chắn sẽ không còn.
Thông tư số 71/TTLT - BGDĐT - BNV ngày 28/11/2007 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định: Đối với nhóm trẻ, bình quân mỗi giáo viên nuôi dạy 8 trẻ; nếu nhiều hơn 5 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên. Đối với lớp mẫu giáo không có trẻ bán trú, 1 giáo viên phụ trách một lớp có từ 20 đến 25 trẻ; đối với lớp mẫu giáo có trẻ bán trú, 2 giáo viên phụ trách một lớp có từ 25 đến 30 trẻ; lớp mẫu giáo nếu nhiều hơn 10 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên. |
Minh Đức